Trung tuần tháng 12/2019, Chi đoàn Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã vượt quãng đường hơn 85 km để đến thôn Lân Đặt, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng chiếu phim phục vụ bà con. Lân Đặt là thôn đặc biệt khó khăn của xã Hữu Liên, cả thôn có khoảng 20 hộ dân, nằm giữa rừng đặc dụng. Đây cũng là thôn không đường giao thông, không có điện nên cả đội phải vác máy phát điện nặng 30 kg vượt qua nhiều đoạn dốc vào thôn. Buổi chiếu phim cách mạng kết hợp tuyên truyền phòng chống rét, dịch bệnh mùa đông được bà con đón nhận nồng nhiệt.
Đoàn viên thanh niên Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn vận chuyển thiết bị chiếu phim đến thôn Lân Đặt, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng
Theo Quyết định 582/QĐ – TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Lạng Sơn có 125 xã vùng III với 984 thôn bản vùng sâu, vùng xa, có thôn cách trung tâm huyện 40 – 50 km – đây là đối tượng chính mà các đội chiếu bóng phục vụ. Hiện toàn tỉnh có 10 đội chiếu phim, trong đó 9 đội chiếu phim lưu động phụ trách 10 huyện, mỗi đội 3 đến 4 cán bộ. Phương tiện di chuyển 100% là xe máy, ngoài chở người, cán bộ các đội còn phải mang theo máy móc, thực phẩm…
Chị Bùi Phương Thảo, Phó Phòng Tuyên truyền, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn cho biết: Mỗi đội phải thực hiện ít nhất 15 buổi chiếu/tháng. Những phim được lựa chọn chiếu phục vụ bà con là những bộ phim điện ảnh đặc sắc như: Hoa rừng, Đứa con và người lính, Truyền thuyết chiếc khăn piêu, Kén rể, Thạch thảo…; phim phóng sự tài liệu: Cỏ trồng trên đất thép; Chuyện những người lính già; Phan Châu Trinh; Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu… Một số chuyên đề dành cho đồng bào miền núi.
Ngoài chiếu các phim điện ảnh, trung tâm còn kết hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Các bài tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chống rét, phát triển kinh tế…, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn phải tự thực hiện bởi người nghe, người xem đa số là người dân ở vùng sâu, vùng xa nên nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phải cụ thể, chi tiết và dễ hiểu.
Anh Mã Xuân Hòa, Phụ trách Đội Chiếu phim lưu động huyện Cao Lộc cho biết: Với chúng tôi, khó khăn lớn nhất là đường đến các thôn rất xa, khó đi và thời tiết. không ủng hộ Có những thôn phải đi bộ hàng cây số mới đến được, nếu thời tiết mưa, rét thì đi lại càng vất vả và có khi không thể thực hiện được buổi chiếu. Do đó, những chuyến đi kéo dài cả tuần lễ, đến thôn nào thì ngủ tại thôn đó để đến được những thôn bản xa nhất.
Trong những chuyến đi như vậy, ngoài buổi tối chiếu phim điện ảnh phục vụ bà con thì ban ngày các thành viên trong đội lại giúp đỡ người dân trong thôn sửa chữa nhà ở, gặt lúa, cạo nhựa thông, thu hoạch nông sản, sửa chữa máy móc… Vì vậy, các đội chiếu phim luôn được bà con yêu mến. Có những buổi chiếu kéo dài từ 19 giờ đến tận 23 giờ, khuya như vậy nhưng bà con vẫn yêu cầu đội chiếu phim tiếp tục phục vụ. Những đêm sương muối, giá rét, bà con vừa đốt lửa sưởi ấm vừa xem phim. Ông Chu Văn Lương, thôn Pá Cuồng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Với chúng tôi, đội chiếu phim lưu động như người nhà vậy, vừa chiếu những bộ phim hay, ý nghĩa, đội vừa tuyên truyền, hướng dẫn kinh nghiệm hay về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, phát triển kinh tế… Những lúc mùa màng, cán bộ đội còn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi.
Từ đầu năm đến nay, các đội chiếu phim lưu động đã tổ chức được trên 1.670 buổi chiếu phim lưu động. Cùng đó, tổ chức trên 10.000 lượt tuyên truyền chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Trong đó, đã thực hiện được mục tiêu 100% xã vùng III, 99,6% thôn đặc biệt khó khăn được nghe tuyên truyền và xem phim. Thời gian tới, các đội chiếu phim lưu động tiếp tục mang phim điện ảnh đến với vùng sâu, vùng xa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây.