TỰ TRỌNG CÁ NHÂN VÀ TỰ TÔN DÂN TỘC

Lại bắt đầu một mùa xin việc của những cử nhân mới ra trường. Câu chuyện đau lòng mấy năm trước về một sinh viên nam đi xin việc tới hôm nay vẫn là chuyện thời sự, gợi lên một vấn đề xã hội làm đau đáu tất cả những người Việt Nam có lương tri:

Hình ảnh cử nhân Phùng Đức Ninh, sinh năm 1990, mới tốt nghiệp Đại học Điện lực, cầm tấm biển xin việc để có tiền mua sữa cho con ở một đường phố Hà Nội, suốt những ngày qua làm nóng bỏng các trang mạng. Ninh cũng trạc tuổi các sinh viên của tôi mới tốt nghiệp đầu hè vừa rồi, và giờ chắc cũng đang đôn đáo nháo nhác chạy xin việc ở Thủ đô hay các tỉnh thành cả nước. Một vài ý kiến trên báo - như một lời phán xét chính thống cho rằng đó là một hành động "nhục nhã"!

bi-che-nhuc-ong-bo-9x-trung-bien-xin-viec-noi-gi-20150819154307391-1631074874.jpgKhông ít người tỏ ra cảm thông với cậu sinh viên nghèo với nỗ lực kiếm một công việc để có tiền phụ giúp gia đình. Nhưng cũng có những ý kiến chê bai, coi rẻ hành động trên.

Trước hết, theo tôi, cần khẳng định ngay: việc làm của Ninh cũng là một biểu hiện của lòng tự trọng. Bởi, cậu ta đã thể hiện công khai cái mong muốn được làm việc phù hợp với ngành nghề ăn học suốt 4 năm của mình: "Bạn cần tuyển tôi"! (Mặc dù cậu ta thể hiện điều đó một cách non nớt, kể cả mấy cái hình vẽ như của trẻ con trên tấm biển đề nghị xin việc, dễ để người khác hiểu lầm là kêu gọi lòng thương hại!).

Abraham Maslow từng đưa ra thuyết 5 nhu cầu như sau: 1. Tồn tại (ăn, mặc, ở)- 2. An toàn (tính mạng, tài sản)- 3. Giao tiếp- 4. Được tôn trọng- 5. Tự khẳng định mình. Nhưng, nếu không kiếm được việc làm phù hợp với năng lực của mình, đối với một người có lòng tự trọng, cả 5 nhu cầu kia sẽ trở thành ảo mộng xa vời! Sau nữa, theo nhiều người, chuyện đòi việc làm với hình thức đeo bảng trước ngực là chuyện thường tình ở các nước dân chủ văn minh.

Và điều đáng nói hơn cả, là hành động của Ninh giúp mọi người càng thấy nhức nhối với hiện tượng đã trở thành trọng bệnh của xã hội: Những người có năng lực, có tâm, thì ít có cơ hội để bộc lộ sự đóng góp cho xã hội của bản thân, bởi cơ chế bùng nhùng, bởi lợi ích nhóm bao phủ, bởi sự đố kỵ, hẹp hòi, dốt nát của lãnh đạo và đồng nghiệp; trong khi đó thì nhiều công chức ăn luơng hẳn hoi chỉ giỏi chuyện "ăn cắp" thời gian trong giờ làm việc để tán gẫu, làm việc riêng, rồi chăm chăm tìm mọi cách biển thủ vật tư tiền bạc nhà nước, rồi rủ nhau đi nhậu nhẹt liên miên.

Không ít công chức cỡ bự thì lợi dụng quyền chức địa vị và các mối quan hệ kiểu "Mafia" để tham nhũng, đục khoét công quỹ, "ăn bẩn không chừa một thứ gì!" (Lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan). Bảo họ thiếu lòng tự trọng thì còn quá lịch sự, mà cần phải gọi chính xác là những kẻ vô liêm sỉ, hơn thế, là tội phạm đáng ghê tởm!

Chính đội ngũ công chức tha hóa này đã góp phần tạo ra những sự bất công ghê gớm trong xã hội, mà một trong những bất công đó là những người có tài không được xử dụng, sinh viên đào tạo ra hàng đống mà tiếp nhận để làm việc lại nhỏ giọt, (biên chế vốn chỉ dành cho thân hữu, cánh hẩu, hoặc là hàng hóa để mua bán!), và buộc họ phải chạy chọt mất tư cách, phải tiêu cực đi đêm với kẻ có quyền ban phát công việc! Và kết quả là lại bắt đầu khởi động những "cuộc chiến" chạy chức chạy quyền để thu lại cái vốn "tiêu cực" đã bỏ ra! (Xin đọc thêm bài viết cảnh báo về một thứ "quốc nạn" của nhà văn Tạ Duy Anh: "Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi" - Làng quê đang biến mất, Nxb Hội nhà văn, HN- 2014).

Có gì để mà tự tôn với tự hào dân tộc, khi nước Nhật bại chiến bị tàn phá bởi bom nguyên tử sau 40 năm trở thành cường quốc kinh tế, còn nước ta chiến thắng oanh liệt nhưng sau hơn 40 năm vẫn là nước nghèo, ngửa tay xin vay tiền lãi xuất ưu đãi của thế giới?! Những người có lòng tự trọng thì chỉ thấy đau và nhục! Chúng ta hãy chịu khó nghe nhà khoa học kinh tế Lê Đăng Doanh thuật lại trong một buổi báo cáo cho trung ương Đảng: "Ngày 01 tháng 12 này cũng có một cái Hội nghị tài trợ. Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa?… Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không?

Còn thế nào là tự trọng của công chức ư? Đã có rất nhiều tấm gương cổ - kim, trong nước và thế giới, chỉ xin dẫn một câu chuyện cảm động đáng ngẫm ngợi: Một kỹ sư người Nhật đang làm việc cho một công trình xây dựng cầu treo tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tự tử sau khi một sợi dây cáp bị đứt. Mặc dù cầu không bị gẫy và không có người thiệt mạng, người kỹ sư 51 tuổi, Kishi Ryoichi, đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư mà ông để lại. Tin tức nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ và rất nhiều người tán dương lòng tự trọng của người kỹ sư, một số người còn đề nghị đặt tên cây cầu theo tên ông.

Lòng tự trọng cá nhân, hay là liêm sỉ, có mối quan hệ mật thiết tới lòng tự tôn tự hào dân tộc. Nếu không có nổi lòng tự trọng, làm sao có đủ tư cách để dám nói tới lòng tự tôn, tự hào dân tộc!

Đã gia nhập ASEAN 20 năm nay rồi mà Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu nhất trong khối (cùng với Lào, Campuchia và Myanmar), nếu những trí thức nước nhà và những người có trách nhiệm không biết xấu hổ thì sao có thể gọi là có lòng tự trọng? Và tự hào dân tộc cái nỗi gì?!

Những người đại diện cho hệ thống công chức nhà nước Việt Nam ở nước ngoài lại là kẻ ăn cắp trong siêu thị bị bắt quả tang, có biết rằng chính họ, kẻ vô liêm sỉ, đã là kẻ đã ném bùn vào danh dự Dân tộc! Đau lòng là dân tộc phải chuốc lấy cái nhục nhã đó của họ! Còn những kẻ mang trên vai sứ mệnh nào đó của Quốc gia, được hưởng lương cao bổng hậu nhưng "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi", chỉ chăm chăm đục khoét, ăn hối lộ, để thỏa lòng tham vô đáy mà vẫn cao đàm khoát luận về lòng tự hào tự tôn dân tộc thì thực là hài hước, nhục nhã, và đáng phẫn nộ! Họ không đáng "xách dép" cho một cô học sinh năm cuối phổ thông TH đã phát biểu những lời khiến bất cứ ai còn chút lương tri cũng phải ứa nước mắt: "So với nhiều nước trên thế giới, ngay cả những nước trong khu vục, Việt Nam ta còn thua kém, tụt hậu về khoa học công nghệ, chỉ số GDP, tiềm lực kinh tế, tiếng nói chính trị… Và tại sao, chúng ta phải đối diện với con số khủng khiếp rằng 197 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore - một quốc đảo thậm chí còn nhỏ hơn thành phố Hồ Chí Minh?" (Hoàng Khánh Linh, THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông, Hà Nội ).

Cách đây đã lâu, tôi có được xem một bộ phim Ba Lan; không phải là phim kinh điển, cũng chẳng nổi bật lắm về nghệ thuật để đoạt được giải gì trong các LHF Quốc tế, song câu chuyện phim cứ ám ảnh tôi suốt mấy chục năm ròng, xin kể lại làm kết cho bài viết nhỏ này: Một gia đình nước ngoài đến Ba Lan du lịch, vào một khách sạn. Khi gia đình này trả khách sạn, bỏ quên một chiếc va ly. Anh nhân viên trực phòng khi phát hiện ra, đã tìm mọi cách để trao trả lại: dò hỏi các du khách, gọi điện các nơi, đến sân bay, vào đồn công an, tới đại sứ quán... Nhưng đều vô vọng.

Nhiều năm sau, tình cờ anh nhân viên khách sạn gặp được vị khách nọ, và xin trao trả lại chiếc va ly còn nguyên vẹn, chưa hề được mở suốt hơn chục năm qua. Ông khách ngạc nhiên, và đã quên bẵng từ lâu chiếc va ly lẫn sự bỏ quên của mình! Ông ta còn ngạc nhiên hơn nữa vì sự kỳ công vất vả của anh nhân viên đối với một chiếc valy chắc không có mấy giá trị. Rồi ông ta gặng hỏi: vì lý do gì anh lại làm như vậy? Câu hỏi vừa tò mò vừa biểu thị sự trịch thượng của kẻ thừa tiền khiến anh nhân viên dù rất buồn và tự ái cũng cố kiềm chế để "độp" lại một cách lịch sự: "Thưa ông, tôi làm như vậy vì đặt mình trong địa vị người bỏ quên: nếu nó không có giá trị nhiều về vật chất thì cũng gắn bó với tôi như một kỷ niệm đặc biệt. Hóa ra, người cho tôi kỷ niệm đặc biệt đó lại là ông! Và xin thưa với ông, tôi làm điều này để cho những người như ông biết: người Ba Lan chúng tôi, dù nghèo túng đến đâu cũng không bao giờ đụng chạm đến đồ bỏ quên của người khác..."

Vâng, lòng tự trọng của một con người bình thường cũng có ý nghĩa lớn lao trong việc bảo vệ danh dự và lòng tự tôn Dân tộc là như vậy. Đó cũng là điều còn thiếu, thiếu trầm trọng trong xã hội chúng ta hiện nay. Tôi hy vọng cậu cử nhân thất nghiệp Phùng Đức Ninh- dù còn phải tiếp tục thất nghiệp dài dài nữa, song đừng cố sống cố chết để vào làm cơ quan nhà nước bằng được- nếu cơ chế hoạt động của nó cứ ỳ tại chỗ như bao năm qua để "dinh dưỡng" cho sự mất tự trọng hàng ngày nảy sinh như nấm độc, và khiến Việt Nam trở thành nước “không chịu phát triển” như lời của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, và đang đứng trước nguy cơ mất nước!

Chúc Ninh tìm được việc làm, và trong hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được lòng tự trọng, để từ đó giữ được lòng tự tôn, tự hào dân tộc chân chính của mình!