Tục ở rể của người Dao Đỏ

Trong rất nhiều phong tục, tập quán giàu bản sắc của cộng đồng người Dao Đỏ ở Cao Bằng có tục lệ ở rể mang giá trị nhân văn sâu sắc. Tục lệ này không phải bắt buộc mà tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể của hai bên gia đình.

Một gia đình người Dao Đỏ ở xã Thái Học (Nguyên Bình).

Ngoài hình thức ở rể đời (ở cả đời bên nhà vợ không về nhà mình nữa), theo phong tục của đồng bào Dao Đỏ, ở rể còn có 2 hình thức. Thứ nhất, tùy theo giao ước của hai bên gia đình và sự đồng ý của chàng trai thì ở rể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn (gọi là “tzấu làng duốn”), nghĩa là chàng trai sau khi trả đủ lễ vật thách cưới cho bên vợ thì cả vợ con sẽ trở về bên nội.

Thứ hai, ở rể sau khi hai vợ chồng có con thì gia đình hai bên nội, ngoại mỗi bên nuôi một cháu (gọi là “tzấu làng y mành guyang”) thì chia con theo hai họ và mang hai họ. Hình thức này tùy vào sự lựa chọn của chàng trai sau khoảng thời gian thỏa thuận có thể trở về hoặc không trở về mà sẽ ở lại nhà vợ.

Với hình thức ở rể đời “tzấu làng táng” thì chàng trai sẽ không trở về, coi như thành người trụ cột trong gia đình nhà vợ, là thành viên chính của gia đình, thậm chí khi làm lễ cấp sắc thì chàng trai ở rể đời có thể lấy luôn theo họ bên vợ.

Trong các hình thức ở rể, hình thức ở rể đời thường do bố mẹ bên gái sinh con một bề nên muốn lấy rể đời hoặc do hoàn cảnh người con trai quá nghèo, mồ côi không có khả năng lo hôn lễ nên phải làm rể mới lập được gia đình. Khi làm rể đời, chàng trai phải bỏ tên họ của mình, mang tên họ bên vợ, được quyền thừa kế tài sản, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ, con cái cũng phải mang họ bên vợ. Những người muốn làm rể đời phải chưa làm lễ cấp sắc vì nếu đã làm lễ cấp sắc rồi thì không được đổi tên họ theo bên vợ nữa.

Người Dao Đỏ luôn quan niệm, lấy được chàng trai nào ở rể là một điều may mắn, là phúc lớn của gia đình nên chàng trai về ở rể là thành viên chính của gia đình, được gia đình bên vợ tôn trọng như chính con đẻ, chứ không có sự phân biệt.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức đám cưới chú rể sẽ ở rể thì các bước tiến hành nghi lễ cưới hỏi có những điểm khác biệt so với đám cưới bình thường. Cụ thể, sau khi đôi bạn trẻ đã tìm hiểu nhau kỹ và thông báo cho hai bên gia đình, được sự nhất trí của gia đình hai bên về hình thức ở rể thì nhà gái chuẩn bị tiến hành lễ hỏi.

Trước khi tổ chức lễ hỏi chính thức, gia đình nhà gái gửi lời đến nhà trai với ngụ ý đến chơi, xin ý kiến gia đình nếu được sự đồng ý của gia đình nhà trai thì phía nhà gái sẽ chuẩn bị đôi gà làm lễ hỏi chính thức. Sau khi phía nhà trai đồng ý, ông mai, bà mối có trách nhiệm thông báo cho gia đình nhà gái. Trong khoảng thời gian vài tháng hoặc một năm, khi nhà gái đã chọn được ngày đẹp, cũng như chuẩn bị xong mọi thứ cần thiết thì báo phía nhà trai thời gian tổ chức lễ cưới.

Ông Đặng Văn Sỉnh, 70 tuổi, xóm Tắp Ná, xã Thanh Long (Thông Nông) - một người rất am hiểu về văn hóa dân tộc Dao Đỏ, hiện làm thầy cúng. Đặc biệt, ông là người Dao Đỏ duy nhất hiện nay tại địa phương biết vẽ tranh thờ người Dao. Ông chia sẻ: Người Dao Đỏ không có phong tục đi đón rể, mà phía nhà trai tự bố trí số lượng người đưa chàng trai về nhà gái cho hợp lý. Sau khi chàng trai và đoàn người đưa chú rể đến cổng làng, phía nhà gái mới cử một đoàn khoảng 10 người đi đón đoàn chú rể.

Khi bước chân vào nhà gái, gia đình cử một chàng trai chưa vợ, cầm tay chú rể bước vào nhà cùng cô dâu tiến về phía bàn thờ để báo cáo tổ tiên cho nhập thành viên mới. Để làm lễ báo cáo với tổ tiên về việc ở rể thì gia đình nhà gái phải mời thầy cúng về làm lễ cúng báo cáo tổ tiên chứng giám và đón nhận thành viên mới của gia đình.

Ngày nay, tục lệ ở rể vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao Đỏ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nhưng không còn nhiều, chủ yếu là ở rể có thời hạn. Các nghi lễ tổ chức lấy rể cũng không còn quá coi trọng về hình thức mà luôn tạo điều kiện thuận lợi để con cái hòa hợp đến với nhau dễ dàng.

Họ chú ý đến từng hoàn cảnh gia đình, không phân biệt nhà trai, nhà gái. Những vấn đề như: bố mẹ nhà gái sinh con một bề, già yếu không người chăm sóc, nhà trai không đủ sính lễ... đều được quan tâm, giải quyết một cách hợp lý, thỏa đáng.

Đây là nét nhân văn sâu sắc, cái nhìn tiến bộ tích cực của đồng bào Dao Đỏ trong mối quan hệ gia đình qua tục lệ ở rể. Do đó, tục ở rể của người Dao Đỏ mang tính cố kết cộng đồng cao, tạo sự gắn bó tình cảm giữa hai bên gia đình.