Tuyên Quang: Lâm Bình phòng, chống đói, rét cho gia súc

UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp che chắn chuồng nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc.

Ông Trần Văn Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Bình cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động, giúp đỡ các hộ chăn nuôi có chuồng trại nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống rét khẩn trương làm mới, sửa chữa, gia cố chuồng nuôi để đảm bảo giữ ấm cho gia súc, vận động người dân chấp hành nghiêm việc tiêm vắc xin cho gia súc theo quy định, dọn vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ phun tiêu độc, khử trùng, tránh phát sinh dịch bệnh. Chỉ đạo ngành chuyên môn tích cực hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăn nuôi an toàn, phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường, ý thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho gia súc đã được nâng lên, nhờ thế không có tổn thất về vật nuôi.

gia-dinh-ong-bui-van-nha-thon-binh-minh-xa-minh-quang-1642650796.jpgĐàn trâu trong những ngày giá rét của gia đình ông Bùi Văn Nhã thôn Bình Minh, xã Minh Quan, huyện Lâm Bình.

 

Gia đình ông Bùi Văn Nhã, thôn Bình Minh, xã Minh Quang hiện có 5 con trâu. Là hộ có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, ông Nhã luôn tuân thủ nghiêm về công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, chủ động che chắn chuồng trại, tận dụng rơm, rạ để làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu. Từ đầu mùa đông năm nay, ông Nhã dự trữ thức ăn ủ chua, dự trữ đủ thức ăn trong mùa rét đậm, rét hại. Cùng đó, gia đình ông Nhã còn làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc theo định kỳ, không thả rông trâu, bò vào những ngày giá rét hoặc nhiệt độ xuống thấp

Ông Nhã cho biết: Năm nay dự báo thời tiết là lạnh; gia đình tôi đã chuẩn bị thức ăn thô như rơm, ủ chua thức ăn cho trâu; vệ sinh chuồng trại, quây bạt giữ ấm và cho trâu ăn thêm tinh bột để tăng sức đề kháng.

Cùng với đó, gia đình còn thường xuyên quét dọn chuồng trại để nền chuồng luôn được khô thoáng, quây bạt chắn gió để giữ ấm cho đàn trâu. Qua đó, trong những năm gần đây tỷ lệ trâu, bò chết rét giảm, bà con đã tự ý thức việc bảo vệ đàn gia súc của mình. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã quán triệt nhiệt độ xuống dưới 18 độ C sẽ không chăn thả gia súc ra bãi chăn thải và tăng cường diện tích trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn.

Hiện, chăn nuôi đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính ở huyện Lâm Bình. Toàn huyện hiện có tổng đàn trâu, bò trên là 12.800 con.

Theo dự báo trong thời gian tới, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Để chủ động phòng chống đói ret cho đàn gia súc trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các phương án, phân công cán bộ phụ trách từng thôn bản thường xuyên bám nắm cơ sở, qua các cuộc họp thôn xuống tuyền truyền cho bà con biết được những nguy hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra đối với đàn gia súc. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các hộ gia đình chuẩn bị tốt các điều kiện về vệ sinh chuồng trại, phòng chống rét đậm, rét hại kéo dài, tích cực thu gom những phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn bổ sung cho gia súc vào mùa đông, phấn đấu mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò phải có ít nhất từ một cây rơm khô trở lên và tận dụng tốt quỹ đất để trồng cỏ, trồng ngô mật độ dầy để làm thức ăn khi lượng cỏ trong tự nhiên khan hiếm bên cạnh đó cũng cần phải chủ động tiêm phòng các loại vác sin phòng dịch bệnh để đàn gia gia súc phát triển khỏe mạnh, ổn định…