Tuyên Quang được đánh giá là mảnh đất cách mạng giàu bản sắc văn hóa với 22 dân tộc anh em cùng sinh sống. Toàn tỉnh có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều phong tục tập quán đặc sắc riêng có ở địa phương. Từ năm 2014 tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ năm 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Một tiết mục hát Then của đoàn Tuyên Quang tại Liên hoan Ẩm thực quốc tế lần thứ VIII, năm 2020. Ảnh: Minh Hoa
Đồng chí Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, chiến lược nâng tầm đối ngoại văn hóa của tỉnh thể hiện rõ nhất trong Lễ hội Thành Tuyên hàng năm. Thông qua lễ hội, tỉnh mời gần 50 đại biểu quốc tế gồm lãnh đạo các tỉnh, thành phố nước bạn có kết nghĩa với tỉnh, các vị đại sứ, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, doanh nghiệp. Tiêu biểu như đại biểu và Đoàn nghệ thuật tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), thành phố Anseong (Hàn Quốc), Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhân chuyến đi giao lưu văn hóa, tỉnh mời đại biểu các đoàn đi tham quan một số khu du lịch tiêu biểu của tỉnh như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Tỉnh phân công 29 đoàn công tác tham gia các sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa tại các địa phương nước ngoài.
Bằng những kênh truyền thông khác nhau, tỉnh tăng cường quảng bá vùng đất, văn hóa, con người xứ Tuyên đến với công chúng trong nước và quốc tế. Ngoài Báo Tuyên Quang Online (cả phiên bản tiếng Anh), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông có trang thông tin đối ngoại Tuyên Quang, Sở Ngoại vụ có Bản tin đối ngoại (song ngữ). Tỉnh tạo điều kiện cho nhiều hãng thông tấn báo chí Trung ương, quốc tế tác nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhiều chuyên đề giới thiệu văn hóa đặc sắc của tỉnh. Báo Thế giới và Việt Nam, Đài truyền hình các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore cử phóng viên tác nghiệp, phát tác phẩm giới thiệu về Tuyên Quang khá ấn tượng.
Tuyên Quang vùng đất của những ngôi đền cổ. Trong ảnh: Diễn xướng hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt tại đền Lâm Sơn Linh Từ (TP Tuyên Quang).
Trên địa bàn tỉnh đã có 2 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, “Nghi lễ thờ Mẫu tam phủ của người Việt”. Đối với di sản Then, Tuyên Quang đưa ra ý tưởng và là tỉnh đầu mối gắn kết các tỉnh đất Then làm hồ sơ trình UNESCO. Hiện nay Tuyên Quang và Bắc Kạn đang làm hồ sơ chung, mong muốn đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Bể - Na Hang trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới trong thời gian tới. Thông qua các di sản tiêu biểu trên, hình ảnh của Tuyên Quang sẽ được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đối ngoại văn hóa, trình diễn nghệ thuật, giao lưu nhân dân giữa tỉnh với các nước và ngược lại. Tuy nhiên UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông, nhất là các phiên bản tiếng Anh để văn hóa xứ Tuyên không ngừng được lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Qua văn hóa và chỉ có thấu hiểu văn hóa, các doanh nghiệp mới dám chắc chắn đầu tư vào Tuyên Quang. Bởi vậy nâng tầm đối ngoại văn hóa chính là thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.