Tuyên Quang: Người Dao Ô gang ở Minh Lợi

Từ thành phố Tuyên Quang đi theo con đường nhựa khúc khuỷu chạy men theo các chân đồi 54 km là đến trung tâm xã Trung Minh. Nơi đây được coi là “thủ phủ” người Dao ở huyện Yên Sơn bởi toàn xã có 562 hộ thì có đến 388 hộ dân tộc Dao. Điều đặc biệt của người Dao xã Trung Minh chính là ngành Dao Ô gang. Ở xã, người Dao Ô gang sống phân bố ở các thôn, nhưng tập trung nhiều nhất là thôn Minh Lợi. Hiện nay, thôn có 92 hộ, trong đó có 86 hộ dân tộc Dao Ô gang.

Ông Bàn Văn Tiến, 84 tuổi, dân tộc Dao Ô gang thôn Minh Lợi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh cho biết, người Dao Ô gang cư trú trên địa bàn từ xa xưa, thường sống thành từng nhóm trên các sườn núi cao. Việc người Dao Ô gang ở phân tán rất khó cho việc học hành của con em và quản lý khu vực rừng đầu nguồn. Lúc đó (năm 1967) với vai trò là cán bộ lãnh đạo xã, ông kêu gọi người Dao Ô gang “hạ sơn”, thành lập thôn mới là Minh Lợi. Minh Lợi xưa là vùng đất hoang vắng giáp ranh giữa hai xã Hùng Lợi và Trung Minh. Huyện Yên Sơn đồng ý cắt một phần rẻo đất hoang vu của Hùng Lợi, nhập vào Trung Minh và lấy một cái tên “liên danh” là Minh Lợi.

img_20200328010744
Thầy cúng Bàn Văn Tiến, thôn Minh Lợi, xã Trung Minh (Yên Sơn) nghiên cứu sách cổ của người Dao Ô gang. 

Ngày đầu người Dao Ô gang hạ sơn xuống định cư ở thôn Minh Lợi được hơn chục nóc nhà. Đến nay, thôn có 86 hộ dân với trên 300 nhân khẩu. Ông Bàn Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Minh Lợi dẫn chúng tôi xem ngôi nhà truyền thống của người Dao Ô gang ngày xưa. Nhà thường được làm bằng cột gỗ 3 gian 2 trái, trên lợp lá, vách nứa đan. Sàn nhà cao hơn mặt đất tầm 50 cm, được người dân rải gỗ hay dát tre. So với các ngành Dao khác, người Dao Ô gang có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt được thể hiện trong trang phục, giọng nói, phong tục, tập quán...

Nếu như trong lễ cấp sắc của người Dao Quần trắng xã Hùng Đức (Hàm Yên), con trai 12 - 13 tuổi sẽ làm lễ trưởng thành, thì đối với người Dao Ô gang ở Minh Lợi, người được cấp sắc phải trên 18 tuổi, đã có vợ. Nghi lễ cấp sắc 7 đèn có thể làm cho một hay nhiều người một lúc. Thầy cúng cao tay làm lễ trong nhà, ngoài trời báo cáo Bàn Vương, Ngọc Hoàng chứng giám cho sự trưởng thành của người đàn ông, sự chung thủy của đôi vợ chồng và phương trưởng của gia đình hạnh phúc. Người Dao Ô gang Minh Lợi có 3 cái Tết quan trọng trong năm. Đó là Tết cuối năm, thường cúng bánh dày. Tết rằm tháng 7, cúng bánh chưng. Tết Thanh Minh tháng 3, cúng bánh dày và lễ cúng nhất thiết phải có 12 chiếc bánh dày.

img_20200328010747
Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao Ô gang, thôn Minh Lợi.

Ông Triệu Tiến An, dân tộc Dao Ô gang thôn Minh Lợi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Trung Minh khẳng định, ngày nay người Dao Ô gang thôn Minh Lợi vẫn bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc của mình. Như trong cuộc sống hàng ngày các thành viên trong gia đình vẫn giao tiếp bằng tiếng Dao Ô gang. Về trang phục, người phụ nữ Dao Ô gang Minh Lợi vẫn mua vải về tự thêu thùa, làm ra trang phục nam, nữ. Trong ngày lễ, hội, cưới, cấp sắc... người Dao Ô gang nhất thiết phải mặc trang phục đẹp nhất của mình. Nghi lễ cấp sắc và làn điệu Páo dung có liên quan đến tâm linh của người Dao, nên khả năng duy trì ở cộng đồng khá bền vững. Những người có uy tín trong lĩnh vực này chính là những thầy cúng. Họ là người “gắn kết” giữa thế giới cõi âm và cõi trần, tạo nên tín ngưỡng của người Dao.

Người Dao Ô gang Minh Lợi những năm qua đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu cách mạng. Người dân đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi, con em đi học được trợ cấp. Nhiều hộ được xóa nhà dột nát, hỗ trợ tiền điện hàng tháng, cây con giống, công cụ sản xuất. Từ một thôn có nhiều hộ nghèo, người dân Minh Lợi đã vươn lên trồng rừng sản xuất, chăn nuôi đại gia súc, canh tác lúa nước và trồng ngô soi bãi. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 12 hộ nghèo. Chi bộ thôn với 18 đảng viên đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm 2020 sẽ giảm được 5 hộ nghèo. 

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, người Dao Ô gang ở Minh Lợi luôn đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ đó, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.