Xã Thanh Tương (Na Hang, Tuyên Qang) có tổng số 758 hộ với 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 60%, dân tộc Dao 20%, còn lại là các dân tộc khác. Từ bao đời nay, các dân tộc sống xen kẽ, đoàn kết đã tạo nên một cộng đồng văn hóa đa sắc màu. Để góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, UBND xã Thanh Tương đã chỉ đạo các thôn thành lập các đội văn nghệ cơ sở và thành lập Câu lạc bộ hát Then của xã, thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn, giao lưu văn nghệ phục vụ nhân dân.
Mới đây, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra ở các thôn đều tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc như hát Then, đánh đàn Tính hay hát Páo dung, hát quan làng... được trình diễn, từ đó tạo sự gắn kết, tăng cường sự gắn bó giữa người dân các thôn. Bà Lưu Thị Liên, thôn Nà Thôm nói, việc thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp bà con có tinh thần thoải mái để đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, để mọi người cùng hiểu hơn về cuộc sống, phát huy những nét đẹp trong cuộc sống cộng đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Thẩm truyền dạy hát Then và đánh đàn Tính cho các cháu nhỏ trong thôn.
Nói đến hát Then ở Thanh Tương không thể không nhắc đến ông Nguyễn Mạnh Thẩm, dân tộc Tày ở thôn Nà Đồn, người đã gắn bó với Then gần như cả cuộc đời. Đến nay, đã 85 tuổi ông vẫn đau đáu tình yêu với loại hình nghệ thuật này và đang truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông Thẩm bảo, ông quê gốc ở xã Lăng Can (Lâm Bình) và biết hát Then từ thời thanh niên thông qua các cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ ở địa phương. Khi tham gia quân ngũ ông được học thêm nhiều làn điệu mới để phục vụ công tác biểu diễn văn nghệ của đơn vị. Có lẽ tình yêu đối với hát Then đã ngấm vào máu thịt, nên khi rời quân ngũ về địa phương, ông vẫn tự mày mò, sáng tác thêm các làn điệu Then mới phù hợp với đời sống phát triển hiện nay. Các trường học trên địa bàn xã đã mời ông đến để trò chuyện và dạy học sinh những thanh âm đầu tiên của hát Then, đàn Tính.
Tình yêu đối với hát Then còn được duy trì, phát triển rộng khắp ở các thôn, cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã. Những hạt nhân là ông Nguyễn Mạnh Thẩm, bà Phùng Thị Nhớ, bà Hoàng Thị Yêu ở thôn Nà Đồn; bà Lưu Thị Liên, bà Ma Thị Vịnh ở thôn Nà Thôm; cô Triệu Thị Nhâm giáo viên trường Tiểu học Thanh Tương; anh Chẩu Sơn Tùng, cán bộ văn hóa xã Thanh Tương... là những người hát Then thành thạo. Nhiều người biết đánh đàn Tính và sáng tác những làn điệu Then mới đã bồi đắp cho kho tàng Then ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn. Cô giáo Triệu Thị Nhâm, trường Tiểu học Thanh Tương nói, cô biết hát Then từ thủa nhỏ. Những ca từ của hát Then mang nhiều ý nghĩa về giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, răn dạy con cái cách đối nhân xử thế... nên rất phù hợp khi đưa vào nhà trường. Chính vì vậy, cô đã truyền tình yêu hát Then đến với học trò của mình. Mỗi năm học lại có thêm hàng chục học sinh được truyền dạy hát Then, góp phần gìn giữ loại hình văn hóa đặc sắc này.
Với việc duy trì, phát triển hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn phát triển. Theo thống kê của UBND xã Thanh Tương, năm 2019 qua bình xét, đánh giá có trên 85% số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 17%, vượt 9% so với kế hoạch đề ra. Đồng chí Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã khẳng định, trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các thôn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thi đua phát triển kinh tế gắn với xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn. Đồng thời có biện pháp bảo tồn, khen thưởng những hạt nhân văn hóa, văn nghệ tạo lực lượng để duy trì, phát triển các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.