ƯỚC NGUYỆN THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI MẸ - Truyện lịch sử về Nguyễn Du

HỘI NHẬP|| Nhân kỷ niệm 201 ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, Hội nhập Online xin giới thiệu Truyện lịch sở về Nguyễn Du - ƯỚC NGUYỆN THIÊNG LIÊNG CỦA NGƯỜI MẸ của Đạo diễn, Nhà báo Mai An Anh Tuấn nhằm góp thêm tiếng nói phần minh chứng rằng: TÌNH THƯƠNG chính là thứ cứu giúp cho Dân tộc này thoát khỏi bao hố thẳm, là vũ khí hữu hiệu của người Việt chiến thắng mọi kẻ thù.

Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.

Chỉ trừ đôi ba người bận công cán đương ở xa kinh thành, còn tất cả lớn bé, già trẻ, gái trai của dòng họ Nguyễn Tiên Điền từ dinh thự này và các dinh cơ lân cận đều tới, theo yêu cầu của Xuân Quận công - vị thủ lĩnh nghiêm nghị và có uy lực nhất dòng họ.

nguyen11-1631887951.jpgĐại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820)

Bên dưới hai chữ PHÚC – ĐỨC sơn son thiếp vàng là một chiếc sập gụ lớn đặt giữa đại sảnh, ở đó trải một chiếc chiếu điều bày sẵn các đồ vật: Quả ấn chữ triện, Cung Tên, Hộp bút lông-Nghiên mực, Cày Bừa - chúng tượng trưng cho bốn nghề nghiệp lớn ở thế gian: Quan văn, Tướng võ, Nho sinh và Lực điền. Riêng cung tên và cày bừa thì làm mô hình bằng tre, gỗ thông, còn ấn và đồ nghề của nho sĩ là đồ thực. Đứa bé trai trong dòng họ quan lại, tới một tuổi ấn định, sẽ được “thử sức đọ trí” tại cuộc Thí nhi long trọng, để tạo thêm niềm tin cho những người lớn đang hết sức kỳ vọng ở nó. Tại dòng họ đại quý tộc khét tiếng này, nghi lễ trên càng được coi trọng.

Đối với quan Tham tụng Nguyễn Nghiễm, nghi lễ này dành cho người con thứ bảy cũng thiêng liêng không kém, nếu như không muốn nói là hơn, cái ngày cậu cất tiếng khóc chào đời vào mùa đông năm Ất Dậu 1765.

Đã năm năm trôi qua, ông mong mỏi tới ngày đưa Chiêu Bảy(2) tới chiếc chiếu điều kia để con trai tự chọn con đường xuất xử, hành đạo rồi trở thành một người quân tử theo hình mẫu kinh điển. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoắt đã tới ngày này, ông không sao nén được sự hồi hộp cùng nỗi lo âu bâng quơ…

Ông còn định cho mời mấy người bạn đồng liêu và đồng triều mà ông gần gũi, tin cậy. Nhưng sau nghĩ thế nào, ông chỉ cho mời một Hữu thị lang bộ Hộ -Thiêm đô Ngự sử Lê Quý Đôn, người được dân thạo chữ đất Thần kinh mệnh danh là “học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn”, để người bạn đồng liêu gần như “con chấy cắn đôi” chứng kiến và giám định giúp cuộc “khảo thí” quan trọng bằng đồ vật kia. Bản thân ông cũng mê viết ký lục, chí, sử bình, khảo cứu, đã từng có sách "Việt sử bị lãm", "Lạng Sơn đoàn thành đồ chí", "Cổ lễ nhạc chương thi văn tập"... Nhưng ông chưa có lúc nào thật rảnh rang để toàn tâm toàn ý thi thố sở nguyện. Và trong thâm tâm sâu kín, ông mong đứa cháu trai mà ông đặt nhiều hy vọng sẽ đi theo con đường của người đã soạn "Lê triều thông sử", "Kiến văn tiểu lục", "Vân đài loại ngữ", "Quần thư khảo biện", "Bắc sứ thông lục", người ông từng ghé tai thầm thì: “Tư Mã Tử Trường (Tư Mã Thiên) của Đại Việt đây rồi!”

Trong năm người con trai, bằng trực giác, quan Tham tụng cảm thấy Chiêu Bảy có thiên tư về chữ nghĩa hơn cả. Đã nhiều lần, cứ thấy ông làm việc bên án thư, mặc sự rầy la của mẹ hay người nhà, chú bé Chiêu Bảy liền mạnh dạn sà đến bên ông để thắc mắc đủ thứ, như cậu tin rằng: chỉ lúc đó ông mới dễ dãi với con. Ông nhận ra: những cuốn sách lúc nào cũng như hút hồn Chiêu Bảy. Nếu sự việc diễn ra đúng như sở nguyện của ông, ông sẽ bắt thằng bé chắp tay bái Lê công làm sư phụ.

Người mẹ chú bé, bà trắc thất(3) Trần Thị Tần cũng bồn chồn không kém chồng. Với nhạy cảm của phụ nữ đất Quan họ Kinh Bắc, bà rất hiểu mối quan tâm thầm kín của đức lang quân uy trùm thiên hạ đối với con trai áp út của mình, dù mấy mẹ con bà chỉ là “vợ lẽ con thêm”. Bà để ý thấy ánh mắt cương nghị vốn sáng quắc của vị nho tướng đứng hàng đầu triều đình kia chợt dịu lại trìu mến, tuy khó nhận ra, mỗi khi ông dừng lại trước lớp học ấu nhi gia đình, và nghe một cách chăm chú, cảm động những chữ của Tam Tự kinh thốt ra đầy âm điệu từ miệng chú bé Chiêu Bảy; dường ông cảm thấy chúng có điều gì khác lạ, hiếm gặp ở những người con khác… Còn bà, trong những lần đưa các con về thăm quê ngoại, qua cái nhìn đắm say trước cảnh vật của Chiêu Bảy, nhất là trước cảnh núi non của dãy Nham Biền có 99 đỉnh như Ngàn Hống, bà lờ mờ cảm thấy sự hòa hợp tinh diệu khó tả của tâm hồn con trai với thiên nhiên mà chỉ nghệ nhân quan họ đạt tới đẳng cấp nào đó mới có thể có… Bà dạy các con rất nhiều lời ca quan họ, dù Chiêu Bảy hát tồi nhất trong mấy đứa con song lại nhớ nhiều nhất các bài dân ca Kinh Bắc, rồi sau đó còn lắp ghép, hoán đổi câu chữ trong các bài ca ấy một cách tinh nghịch song khá ngọt ngào khiến ông bà ngoại và hàng xóm thôn Hoa Thiều tròn xoe mắt kinh ngạc, thán phục cậu bé chưa đầy 5 tuổi đầu!

Giống như hầu hết các bà mẹ quý tộc hay bình dân trong nhiều thế kỷ mong con trai lập thân lập nghiệp bằng khoa cử, nhưng riêng bà còn thầm ước Chiêu Bảy tiếp nối được bác Ôn Như Nguyễn Gia Thiều người đồng hương của bà, tác giả của khúc “Cung oán ngâm” nổi tiếng mà trong triều ngoài chợ ai ai cũng phải ngâm nga như lên đồng...

Rồi cái giây phút chờ đợi cũng đã tới.

Khi mọi người đã có mặt hầu đông đủ, đứng thành mấy lớp quây quanh chiếc sập gụ nâu bóng có trải chiếu điều, người hầu gái dẫn ra một chú bé khôi ngô, tuấn tú, đĩnh đạc, cố giữ vẻ nghiêm trang mà chỉ hai trái đào phơ phất trên mái đầu thơ ngây mới nhắc mọi người nhớ đến thân phận trẻ con của cậu. Sự im lặng chăm chú của mọi người khiến cậu hơi mất bình tĩnh, và lo sợ mơ hồ, hơn là sự bí ẩn của cái việc người ta bày đặt ra theo tục lệ của đại gia phong mà cậu được tham dự một lần.

Chiêu Bảy đứng trước các đồ vật truyền thống của một lễ Thí nhi, ngắm nghía hồi lâu, như đang suy nghĩ lung lắm. Thực ra, cậu đâu có nghĩ ngợi gì. Tuổi của cậu là tuổi của chạy nhảy, bắt dế, chơi ô ăn quan, chơi kéo cưa lừa xẻ… Và dù cậu có khác nhiều đứa trẻ cùng lứa là hay thần ra mơ màng, có những khoảnh khắc vô tình lắng vào tận đáy của một thể khí linh thiêng trong vạn vật mà phải nhiều thập niên sau cậu mới lý giải được cặn kẽ, bản chất của cậu là hiếu động, hay tò mò, nghịch ngầm, và xử sự theo bản năng trong khuôn phép gia phong nghiệt ngã dành cho các con quan đầu triều.

Thực ra là cậu đang ngắm các đồ vật ở dạng mỹ thuật của chúng, thử xem sự mô tả cái cày cái bừa kia có gì giống hay khác với cái cày cái bừa mà cậu đã thấy trên đồng ruộng khi về thăm Kinh Bắc, cây cung khổng lồ mà cậu chứng kiến trong buổi tập của đội vệ binh Cấm quân có gì đồng dạng với cây cung nhỏ bằng tre kia mà các anh em chú vẫn làm để lén tập bắn gà trong vườn quê ngoại… Cái hộp bút lông làm từ vùng quê Mão Điền quê ngoại và chiếc nghiên sứ men lam vùng Chu Đậu xứ Đông thì quá quen thuộc với những kẻ “chi hồ giả dã” như các anh em cậu, trong một gia đình thi thư nức tiếng. Chỉ có chiếc ấn triện là hơi xa lạ với cậu, bởi cậu chỉ được nhìn thấy một lần từ xa khi cha cộp dấu quan Tể tướng vào bài khải dâng Chúa, và một lần trong lễ Thí nhi cho anh cậu khi cậu còn rất bé.

Linh cảm trời cho của một chú bé 5 tuổi giúp cậu cảm nhận rõ được sự hồi hộp đến gần như nín thở của những người thân yêu vây quanh. Tựa như quyết định ngay lúc này của cậu sẽ liên quan đến một điều cực kỳ hệ trọng - không những chỉ đối với cậu mà còn đối với một đại gia đình ngựa xe võng lọng có không ít người ra vào cung vua phủ chúa mà không phải cởi bỏ vũ khí… Phải, chính điều này khiến cậu chợt thức tỉnh giấc mộng trẻ thơ: Vũ khí! Vũ khí! Những thanh long đao dài sáng quắc và những cây thương có ngù tạo thêm long trọng cho hàng binh đứng như tượng đá rước lọng vua chúa đi qua, những thanh đoản đao được trang trí cầu kỳ đeo bên mình võ tướng, những cây gươm cong biểu tượng cho thực thi công lý treo trên tấm da hổ trải ở sảnh đường, những cây kiếm ánh thép xanh lòe như đâm toạc trời xanh, những mũi tên bọc đồng bay như châu chấu vây kín một thành lũy - những điều cậu được nghe không chỉ một lần từ kinh - sử mà anh em cậu được nhồi nhét hàng ngày rồi tưởng tượng thêm ra… Thế là ánh mắt của cậu bị bộ cung tên thu hút như thôi miên.

Nhưng, đầu tiên cậu lại giơ hai cánh tay bé nhỏ cầm hộp bút giơ lên, đếm chậm rãi xem trong đó có bao nhiêu chiếc bút lông. Rồi cậu mạnh dạn rút ra một chiếc, như mọi lần cậu tập viết, và theo thói quen, tay kia sờ tới chiếc nghiên. Một thị đồng, đã được dặn trước, vội mang thỏi mực và bình nước tới, mài mực. Một thị đồng khác mang tới tờ giấy bản mạ vàng. Ông Tham tụng và bà vợ lẽ chắc là người sung sướng hơn cả. Người mẹ mắt nhắm nghiền lại, miệng thầm thốt lên những lời bà dành cho buổi lễ Phật trọng.

Chiêu Bảy ung dung chấm ngòi bút vào nghiên mực, rồi đặt trên giấy một hình liền nét mà dù méo mó vụng về, ai cũng nhận rõ đó là vòng tròn!

Một vòng tròn của sự rỗng không mà bất cứ ai biết chút ít về giáo lý nhà Phật cũng đều hiểu.

Mọi người xúm vào nhìn, khe khẽ bình luận, bàn tán, đồng thời lén dò xem phản ứng của đại lão gia. Ông lặng lẽ vuốt râu, không tỏ thái độ gì. Nhưng, ông chợt giật bắn người, gần như đứng phắt dậy khỏi chiếc ghế duy nhất tại đó, khi trước mắt ông là cảnh đứa cháu trai quý hóa vò nát tờ giấy bản rồi vứt sang một góc tựa đó là một thứ vô nghĩa, không đáng đếm xỉa tới.

Ông vội ghìm mình lại, bình tĩnh ngồi xuống để xem trò gì sẽ diễn tiếp theo, dường ông chẳng xem trọng quá trò vui vẻ đầy ngẫu hứng này, nhưng hai chữ PHÚC - ĐỨC bỗng dưng nhảy múa, rồi méo đi trong mắt ông… Còn bà mẹ thì bắt đầu thấy người lao đao, mặt mũi xây xẩm, nhưng vẫn cố gượng mỉm cười che dấu mọi xao động trong lòng.

Vò tờ giấy vứt đi xong, Chiêu Bảy sờ đến chiếc ấn triện, cậu nâng lên, xoay ngang xoay dọc ngắm nghía. Lần đầu tiên cậu được tiếp xúc với nó ở cự ly gần đến thế, và lại được mân mó nó như một thứ đồ chơi, chứ không phải là vật để đám đông từ bậc chăn dân đến lũ con đỏ Kính - Sợ… Hồi lâu, dường đã chán, và cảm thấy mình đã lạm dụng sự chờ đợi của mọi người, cậu thận trọng đặt chiếc ấn triện xuống bằng hai bàn tay, như một vật “kính nhi viễn chi”, rồi quay phắt sang bộ cung tên giả.

Ánh mắt cậu sáng lên đầy ranh mãnh như lúc giương cung nhắm vào con gà nhép rồi cố tình bắn trượt thật xa để mua lấy tiếng cười vui của lũ trẻ hàng xóm nhưng thực ra là để cứu con gà. Thế rồi, cậu giơ hai cánh tay ra ôm chặt lấy bộ cung tên - như đó là vật hộ mệnh của mình.

Có tiếng reo to bật lên: “Hay lắm! Nhóc đệ yêu quý! Lập thân tối hạ thị văn chương!”(4) Đó là Thiêm đô Ngự sử đài Nguyễn Khản, thuộc trưởng chi Nguyễn Tiên Điền, con trai trưởng của bà vợ cả quan Tể tướng. Anh bước tới, bế xốc cậu em út ít lên cùng bộ vũ khí giả, đưa cậu tới mọi người như khoe một chiến công mới của anh, sau khi anh được Chúa thưởng một tấm chiến bào hôm trước. Trong những cuộc chiến quyền lực sắt máu đang tới, thế là anh đã có thêm một đồng minh tin cậy, ruột thịt… Nguyễn Khản hàng ngày bàn bạc việc quân việc nước với cha, là người nổi tiếng tài tử, giỏi giang trong mọi lĩnh vực, từng là thầy dạy Thế tử Trịnh Sâm, từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Mọi người thấy một bậc «quyền huynh thế phụ» rỡ ràng như thế bộc lộ thái độ đầu tiên thì cũng mặc nhiên coi là tiếng nói đại diện cho cả bậc phụ mẫu.

Dường để tấn bi hài kịch của lễ Thí nhi được trọn vẹn, tạo hóa đã kịp thời bố trí hai nhân vật lịch sử được ghi chép lại đàng hoàng (Rất có thể là ghi chép của sử quan họ Lê): Lúc mọi người đang bàn tán lần cuối để chia tay ai về nhà nấy, thì Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc tới thăm bạn cũ - tướng công Nghị Hiên, tể tướng đương triều. Khi được nghe kể lại sự việc vừa diễn ra, râu Việp Quận công vốn đã vểnh lại càng vểnh thêm lên, ông sung sướng tháo thanh bảo kiếm đang đeo trên mình ra, nâng bằng hai tay lên cao, trịnh trọng:

- Chú bé này sẽ là một tráng sĩ làm vẻ vang cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền! Xin được tặng tiểu tướng!

Chiêu Bảy ngước nhìn cha. Ông im lặng thất thần. May có Nguyễn Khản vội chạy tới, thay mặt cả nhà cảm ơn khách vì món quà quý. Vừa cầm thanh bảo kiếm nặng trịch bằng hai tay, Chiêu Bảy đã lảo đảo, nhờ có mấy anh chị đứng cạnh đỡ cho và cầm kiếm hộ nên thoát ngã ngửa bị kiếm đè.

Một võ sĩ họ thuộc hạ thân cận của Nguyễn Khản lúc nào cũng đi theo chủ liền nâng thanh bảo kiếm lên, ngắm nghía mê mải, luôn miệng trầm trồ. Chính anh ta sau đó sẽ là sư phụ truyền mọi bí quyết kiếm thuật cho chàng thiếu niên Chiêu Bảy, và trở thành anh em kết nghĩa của chàng.

Cũng lúc đó, Chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên họ Hà, người bạn thân của Xuân Quận công vội vã bước vào nhà, vì biết được lễ Thí Nhi, song chậm mất, ông ta rối rít xin lỗi. Và sau khi kính gửi lễ vật, ông rụt rè chính thức đề nghị xin Chiêu Bảy làm con nuôi, vì ông ta không có con trai.

Nhìn thấy cha ôm ngực ho và phẩy tay, Nguyễn Khản liền thay mặt đại gia chủ tuyên bố:

- Thưa ngài, tháng trước ngài đã có đề nghị trân quý này, gia đình chúng tôi đã bàn bạc thống nhất, song chưa có dịp hồi âm. Trong ngày thiêng liêng này của em trai tôi, xin thay mặt cha mẹ và các em tôi, kính thuận ngài làm dưỡng phụ của Chiêu Bảy!

Anh quay sang Chiêu Bảy :

- Đệ, hãy bái lạy dưỡng phụ, và hứa đi theo con đường binh nghiệp của dưỡng phụ!

Chú bé đã mệt mỏi và ngán ngẩm lắm, song vẫn cố tỏ ra hùng dũng để xứng là con nhà võ tướng như mọi người chờ đợi, chắp tay vái mấy vái người sẽ là dưỡng phụ của cậu theo đúng kiểu cách quý tộc.

Lời của Nguyễn Khản hóa ra là một định mệnh. Khi ông họ Hà mất, Chiêu Bảy đã kế chân chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu hiệu, một chức quan võ ở Thái Nguyên; lúc đó anh đã khá thông thạo thập ban võ nghệ cùng nghệ thuật điều binh khiển tướng.

Sử quan họ Lê lẳng lặng giở túi, lấy thẻ ra để ghi vào đó sự kiện hệ trọng của nhà quan bạn. Nó có thể đưa vào chính sử hay không, chưa thể biết, cái chính là ông đã thể hiện sự tri âm, và cả tri ân nữa đối với một dòng họ mà ông hết mực quý trọng. Điều đáng kể là tình cảm đó đã giúp ông chợt đọc ra nỗi tuyệt vọng sâu thẳm trên gương mặt bạn - nỗi tuyệt vọng không xa lạ với tâm sự thầm kín của ông.

Xuân Quận công lúc đó tựa bị rơi xuống vực mà không ai có thể cứu nổi ông. Bao mơ ước thầm kín lâu nay ông dành cho đứa con trai thông minh dĩnh ngộ như tiểu thiên thần chợt hóa thành mây khói. Mấy người con trai đã trưởng thành của ông đều là những kẻ sĩ anh tài của thời cuộc, song chỉ đến thế mà thôi! Đã có danh vị, đã có cống hiến ít nhiều cho cái quốc gia đang buổi phế tàn, nhưng sẽ để lại cho đời cái gì đây, ngoài cái danh hão mà những bóng mây đen ngòm của thế sự sẽ nhấn chìm đi trong giấc mộng Hoàng lương?... Là người yêu văn chương, yêu sử sách tận huyết quản, nhiều năm qua ông đã phải tạm rời sách vở để làm quan võ bất đắc dĩ, thống lĩnh quân sĩ đi dẹp loạn nhiều nơi nhằm đem lại sự yên ổn tạm bợ cho cái triều đình lưỡng chế mục ruỗng thấm đẫm máu dân lành. Than ôi! Thanh gươm và vó ngựa chiến mà ông xử dụng thành thạo như một phương tiện trấn áp đã đem lại điều gì tốt đẹp cho cái dân tộc tang thương khốn khổ này đây, ngoài nỗi đau chất chồng, oan khiên tích tụ, bất công góp thành bão tố? Thanh gươm nhuốm máu lại nằm trong tay những kẻ khô cạn tình thương, kiệt quệ lương tâm, thì còn hy vọng gì có những tiếng ca hát tươi vui nơi thôn dã bình yên?... Một giọt lệ đục mờ chợt xuất hiện trên mí mắt già nua, ông vội gạt ngay để khỏi ai nhìn thấy.

Và có một người nữa cũng thấu hiểu tâm trạng ông lúc này. Đó là người vợ ba kém cả tuổi con trai đầu của ông. Bằng một thần giao cách cảm mà từ sáu năm trước bà đã có, khi lần đầu gặp ông tại thôn Hoa Thiều dẫn tới cái gật đầu ưng thuận làm trắc thất của ông, lúc này nó lại xuất hiện trong một tâm hồn dịu dàng, đằm thắm, giàu đức hy sinh chịu đựng, giúp bà đồng tâm ngay được với ông như một tri kỷ hiếm hoi - dù ông chẳng thể biết được ngay điều đó. Xưa nay, bà một mực kính trọng chồng, nhưng giờ đây, lần đầu tiên bà thấy thương ông, một tình thương xót xa khi nhận thấy nỗi tuyệt vọng đau đớn của ông… Mấy năm qua, ông chinh thảo trận mạc ở Thanh Hóa, Nghệ An, tóc bạc trắng, người sắt lại vì sương gió. Bà hiểu cái biệt hiệu “Hồng Ngư cư sĩ” của chồng bộc lộ ước nguyện sâu xa là được ẩn dật tại quê nhà để đọc sách, trước thuật, vì thế cái mong mỏi cho tương lai Chiêu Bảy của ông thực gần gụi, thân thiết với bà… Nỗi tuyệt vọng của chồng mau chóng lan tỏa trong lòng bà, và dội lên thành tiếng kêu thầm thảm thiết: “Máu! Máu! Lại máu chảy không biết khi nào ngừng!... Con trai ơi, con sẽ lại bước vào hàng ngũ những kẻ giết người… Những kẻ bị giết là ai? Họ thù địch với chính thể tanh máu này song lại là đồng bào của con, họ là những người lương thiện bị đẩy vào bước đường cùng… Thập loại chúng sinh, trong đó có cả những kẻ từng chém giết người không ghê tay đã mệt mỏi đang chờ mong lời an ủi, sự giải thoát bằng tình thương chắt ra tự tâm can… Sao con không tìm đến ngọn bút mang tiếng khóc của bác Đặng Trần Côn, bác Nguyễn Gia Thiều, mà lại tìm đến cây cung thanh kiếm dính máu trong cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt?... ». Tiếng gào thét trong tâm can người mẹ dần hóa thành lời khấn Phật, thành ước nguyện thầm kín thiêng liêng của một người mẹ đất Việt gửi vào nguyên khí của Đất Trời…

Cậu bé Chiêu Bảy, tức Thanh Hiên công, tên Du, tên chữ Tố Như sau đó trong nhiều năm quả đã theo đường võ thuật, binh nghiệp, với hy vọng «cầm kiếm chống trời xanh». Nhưng không rõ có phải do ước nguyện của người mẹ đã thấm vào linh khí nước Việt hay không, mà người con hiếu thảo Nguyễn Du đã vứt bỏ binh quyền võ nghiệp để trở thành nhà thơ của một trong «An Nam ngũ tuyệt», và đã biến ngọn đao thép thành ngọn bút lông, ngọn bút cũng sắc như dao!(5)…

Riêng ước nguyện của người cha là muốn con trai thứ bảy làm sử, thì nhà thơ cũng đã làm sử; có điều không phải là lịch sử các sự kiện, các triều đại, các nhân vật vua chúa, mà là lịch sử của các tâm hồn người trải qua mọi kiếp đoạn trường…

Sử quan Lê Quý Đôn có lời bình nào không từ những ghi chép về lễ Thí nhi đặc biệt mà ông được chứng kiến? Tác phẩm của ông nay bị thất lạc quá nửa… Song với những trước tác của ông còn lại, và qua công trình nghiên cứu sâu sắc về ông của một nhà sử học Việt Nam hiện đại(6), người viết những dòng này tin rằng: sử gia Lê Quý Đôn nhất định phải có những bình luận lý thú về sự kiện trên, nhưng vì chưa tìm thấy, nên đành liều hình dung và mô phỏng một cách vụng về những ý nghĩ quý giá đó của ông: «Nho tướng Đại Việt xưa nay, chuyện lên ngựa thì cầm cung kiếm, xuống ngựa thì cầm bút, là chuyện bình thường. Nhưng đó là khi quốc gia có biến bởi giặc ngoại xâm. Còn trong thời loạn lạc này, lúc nhân tâm ly tán, rường mối bất ổn, lòng người bất phục, thì những sự tàn nhẫn khắc bạc chỉ gây thêm mối oán hận, thanh gươm chỉ làm máu chồng máu, hủy hoại tài học và trung tiết… Nhưng thanh gươm buổi vào độ cần cất giấu cho kỹ, thì ngọn bút lại càng cần được trọng vọng nhiều hơn để góp phần cải hóa nhân tính, nêu cao đạo Trời và Đạo người… Thế mà con thứ bảy của Nghị Hiên công bạn tôi đã chọn cung kiếm, mong theo gương các võ tướng của nhiều dòng họ thời loạn… Tôi thương ông mà không biết làm gì, chỉ còn biết hy vọng ở cậu bé sẽ giữ được phần trung hậu của bạn tôi, và sau này nếu có buộc phải cầm thanh gươm sẽ không để nó dính máu người đức hạnh hay vô tội… »

Nhà bác học đâu biết rằng, chú bé ấy đã thực hiện một «cú lừa» đáng yêu mang tầm vóc thế kỷ ở tuổi chưa biết gì về võ thuật lẫn văn chương; và đó là câu chuyện đáng ghi vào sử sách về tuổi thơ của một Đại thi hào dân tộc…

______________

1. Cổng dành gia đình quyền quý mặc áo đen, do Chúa Trịnh đặc cách đặt tên.

2.Con cái đại quý tộc được gọi là Chiêu.

3. Vợ hai là Á thất, từ vợ ba trở đi gọi là Trắc thất.

4. Câu thơ của Viên Mai (nhà lý luận phê bình văn học đời Thanh, TQ): Cách lập thân tồi nhất là bằng văn chương.

5. «Quái đắc nhu tình khinh cát đoạn/ Khuông trung huề hữu bút như đao» - Lạng thành đạo trung (Quái lạ, nỗi nhớ nhung lại dễ cắt đứt, bởi trong tráp đã có ngọn bút sắc như đao) «Bắc hành tạp lục», Nguyễn Du.

6. «Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn», Đinh Công Vĩ, Nxb KHXH, 1994.