Tiên Châu cổ tự
Muốn đến chùa Tiên Châu, du khách đi phà sang cù lao An Bình. Bến phà trước Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long luôn đông đúc, nhộn nhịp khách qua sông bởi bên ấy ngày nay là địa bàn dân cư của xã An Bình, Đông Phú, có khá nhiều khu du lịch, resort, homestay. Chùa Tiên Châu nằm trên bãi Tiên, bờ tả ngạn sông Cổ Chiên thuộc cù lao An Bình (cù lao Táng) ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Sau 15 phút băng ngang sông Cổ Chiên, phà cập bến Tiên Châu. Du khách chỉ đi bộ chừng 50 mét sẽ đến Tiên Châu cổ tự. Đầu tiên, vào cửa tam quan, ta sẽ gặp một cây bồ đề cổ thụ có từ khi mới lập chùa, dưới bóng cây có tượng Phật Di Lặc tọa thiền với dáng vẻ an nhiên tự tại. Tiên Châu cổ tự có thiết kế hình chữ "tam", bao gồm ba gian liền kề nhau là chánh điện, hậu tổ và hậu liêu. Hệ thống, cấu trúc với 96 cột gỗ tròn bằng danh mộc, các kèo, xuyên, trính bằng căm xe, gõ đỏ được chạm trổ khéo léo bởi các thợ địa phương và các nghệ nhân từ kinh đô Huế vào. Vào trong chính điện, du khách sẽ ngạc nhiên với không gian cổ kính, kiến trúc tinh xảo cùng rất nhiều hiện vật, cổ vật như trường kỷ, bình cổ, hoành phi, liễn đối, tượng Bồ Tát, La Hán, bàn ghế, ấm chén sứ…
Bên trong nội điện chùa.
Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí rất đẹp. Giữa tứ trụ là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật Adiđà lớn bằng đất sét. Dưới tượng Adiđà là bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca tọa thiền, Thích Ca sơ sinh. Phía sau, đấu lưng với tượng Adiđà là tượng Phật Di Lặc cũng khá lớn. Hai bên vách hông là khánh thờ các vị thần thánh khác, như: Địa Tạng Bồ Tát, Phật Chuẩn Đề, Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngọc Hoàng thượng đế, Thập điện Diêm Vương, Nam Tào, Bắc Đẩu, Tiêu Diện Đại Sĩ, Hộ pháp… Hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật cao như tượng Phật Di Lặc, bộ bao lam chạm Thập bát La Hán, cùng nhiều bức tranh, liễn đối được chạm khắc rất tinh tế có từ thế kỷ 19 như tứ linh, tứ quý…
Chùa Tiên Châu được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Vào năm Kỷ Hợi (1899) chùa được nâng cấp lên bốn gian, gồm tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ; mỗi gian đều làm theo kiểu tứ trụ. Bộ cột chung quanh làm bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho (vách kín). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tái chiếm Vĩnh Long. Từ các tàu chiến trên sông Cổ Chiên, chúng bắn đại bác lên bờ, hướng vào chùa. Đến Tết Mậu Thân (1968), chùa lại bị chiến tranh tàn phá, hư hại nhiều. Các nhà hảo tâm đã vận động tín đồ và khách thập phương ủng hộ tiền bạc, công sức để sửa lại chùa. Hiện nay chùa có chiều dài 46 mét, rộng 20 mét. Trên nóc có năm ngọn tháp, tháp ở giữa là lớn hơn cả, chính giữa tháp treo biển Tiên Châu tự.
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Tiên Châu được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 12-12-1994. Vào những dịp lễ, Tết cổ truyền, các ngày rằm lớn trong năm, Tiên Châu cổ tự thu hút rất đông khách hành hương, khách du lịch đến tham quan, bái vọng.