Làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh thuộc vùng trung du của huyện Duy Xuyên là một trong những làng xã hình thành từ rất sớm vào thế kỷ 15 ở Quảng Nam khi những cư dân Thanh - Nghệ di dân vào khai phá mở mang bờ cõi với tiền hiền là tộc Nguyễn Công, Nguyễn Văn và Nguyễn Đình.
Cổng tam quan dẫn vào dinh Bà Chiêm Sơn.
Vào thời kỳ đầu các chúa Nguyễn (thế kỷ 17), làng Chiêm Sơn là nơi trù phú, nổi tiếng về nông nghiệp, dệt lụa tơ tằm. Qua nhiều thế hệ phát triển, đến những năm cuối thế kỷ 19, Chiêm Sơn vẫn là làng quê nông nghiệp phồn thịnh điển hình nhất của phủ Duy Xuyên với “số ruộng đất của làng đã lên đến 800 mẫu kể cả công tư điền thổ, nhân khẩu trên 1.500 người; thổ sản của làng là lúa, khoai, đậu phụng; nhiều nhất là sắn, mỗi năm tiêu thụ không hết phải bán ra ngoài”. Ngay từ buổi đầu lập làng, người dân Chiêm Sơn đã dựng miếu/dinh thờ nữ thần bổn mệnh với khá nhiều truyền thuyết.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, giữa cồn cát làng An Tây xuất hiện một tảng đá giống người đàn bà, gọi là Bà Đá. Người dân trong các làng lân cận cảm nhận sự linh thiêng của tảng đá nên dự định đến chuyển về để thờ cúng nhưng không sao làm được.
Nghe câu chuyện kỳ bí này, trong một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu ở làng Chiêm Sơn có ý định thử vận may mang Bà Đá về làng mình. Với sức khỏe lực điền, tám người chăn trâu đã chuyển Bà Đá về làng và dự định đem thờ trong ngôi chùa. Nhưng vừa đi được nửa đường qua ngọn đồi Chiêm Sơn bỗng nhiên dây khiêng bị đứt và Bà Đá rơi xuống bám chặt vào đất, người dân dùng mọi cách cũng không thể nâng lên được.
Lúc này trong làng xuất hiện một cậu bé mặt đỏ tươi, miệng há hốc như đang nhập đồng, nói rằng Bà Đá là vị thần thường gọi Bô Bô Thái Dương phu nhân, bà quyết định ở ngay vị trí đó, không được chuyển đi đâu hết vì không muốn thờ chung với các vị phật. Để thỏa nguyện ý Bà, tám người chăn trâu làm một ngôi miếu nhỏ lợp tranh tre để thờ, mặt ngôi miếu nhìn ra cồn cát làng An Tây - nơi tìm thấy tảng đá.
Ngoài ra một tài liệu cổ ở Duy Xuyên ghi chép là theo truyền khẩu của các ông hào cựu thì Bà Thái Dương phu nhân, hồi trước cốt bà tự nhiên nổi lên trên mặt nước bến Tây An, nơi rừng cấm Mậu Hòa. Các làng lân cận thấy thế, đến xin rước Bà về thờ, nhưng bao nhiêu dân đến gánh không nổi. Khi ấy, làng Chiêm Sơn cũng đến xin rước bà về để thờ thì lại được.
Cộng đồng dân làng Chiêm Sơn có đức tin Bà Đá là vị phúc thần phù trợ và tạo phúc cho làng, từ xưa đến nay đã nhiều lần làng Chiêm Sơn bị hạn hán nặng nề, sâu bọ phá hoại mùa màng, người dân đến cầu khấn tại Dinh Bà thì hết. Sự linh nghiệm của Bà Chiêm Sơn còn được tô thêm màu huyền thoại và lưu truyền trong dân gian với câu chuyện vua Minh Mệnh đi kinh lý Quảng Nam, có đến viếng lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng Hậu và Hiếu Văn Hoàng Hậu, đoàn xa giá phải đi theo con đường lộ trước dinh, thật bất ngờ khi đi ngang qua, ngựa nhà vua đang cưỡi bỗng lồng lên rồi vùng chạy, may có quan quân hộ giá nên nhà vua không bị ngã. Vua lệnh cho dân làng phải quay hướng Dinh Bà ra phía sau để tránh con đường, kể từ đó ngôi miếu được xây dựng lại và quay hướng ra cánh đồng, nhìn về phía núi cho đến ngày nay…
Dinh Bà hiện còn một pho tượng nữ thần cao khoảng một mét ngồi thế “kiết già” tự nhiên, làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có bảy đầu rắn thần. Tượng nguyên gốc là một phù điêu nữ thần Chăm, vào khoảng thế kỷ 17 người Việt khi đến vùng đất này đã tạc lại với những chi tiết tín ngưỡng Việt mà đến nay còn rất rõ nét. Ngày trước tại Dinh Bà còn có một tượng Voi, một tượng Cù của người Chăm đều làm bằng đá, nơi linh thiêng này từ xưa kiêng kỵ không ai được trồng trọt và giết mổ gia súc, gia cầm.
Việc thờ cúng Bà Chiêm Sơn là một trong những tín ngưỡng dân gian phổ biến trong nhân dân về thờ Mẫu - Mẹ xứ sở, mà người địa phương thường gọi chung là Bà như các vùng khác ở Quảng Nam. Hằng năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội dinh Bà Chiêm Sơn được tổ chức để dân làng bày tỏ sự tri ân, biết ơn đối với Bà Chiêm Sơn vì đã có công phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống đủ đầy…, đồng thời gửi gắm những ước vọng về một năm mới an lành, yên bình, no đủ.