Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 10)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên. 

              

cl-dji00076-1629854956.jpgKhu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận 3 xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 17km về phía bắc, Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bản rộng lớn, có diện tích bảo tồn gần 500ha. Đây được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ đô và cả nước. Nguồn: Internet

 

KỲ 10

Về số lượng quân đưa vào Âu lạc lần này, Chúa thượng không cần đưa nhiều quân vào sẽ gây ra sự đề phòng. Chúa thượng nên chọn 2 vạn quân tinh nhuệ cao thủ võ lâm, đi làm nhiều toán nhỏ, mặc thường phục, lấy cớ là người của Thái tử đến sửa chữa hành cung trang trại. 2 vạn quân tinh nhuệ này sẽ hợp nhất với 1 vạn quân mà ta đã bí mật hay công khai đưa vào các hành cung, trang trại của Thái Tử trên đất Âu Lạc  suốt 2 năm nay, tập kết ở hành cung gần Cổ Loa, nhất là bên kia bờ nam sông Cầu. Những chiến thuyền mà ta bí mật đóng ở hành cung này sẽ đưa các võ sĩ vượt sông và nhanh chóng tiến về thành Cổ Loa trong đêm càng nhanh càng tốt. Khi đó nội công ngoại kích chặt chẽ sẽ thu được thắng lợi.

  Trên đây là sơ bộ những điều kiện và kế hoạch tác chiến đánh Âu lạc lần hai. Mong Chúa thượng cùng thừa tướng Lữ Gia bàn bạc, hoàn thiện thêm kế hoạch và gấp rút tiến công, đừng bỏ lỡ thời cơ.

  Nay kính thư. Thần Triệu Ngung kính chúc Chúa Thượng an khang vạn tuế. Hẹn gặp và chiến thắng ở Cổ Loa-Âu Lạc”.

  Triệu Đà đọc xong thư, sự sung sướng vui mừng lộ ra trên nét mặt dài, nham hiểm và đầy tham lam của Triệu. Ông ta kêu lên:

  -Con trai Trọng Thủy giỏi lắm, Triệu Ngung giỏi lắm. Ta không chọn nhầm người.

  Trọng Thủy hỏi:

  -Phụ vương quyết tâm chiếm Âu Lạc ư?

 Triệu Đà đáp:

  -Đây là thời cơ chín muồi, nội công đã gần hoàn thành. Bây giờ đến lượt dùng sức mạnh quân sự để quyết định thành công.

  Trọng Thủy buồn rầu nói:

- Nếu có chiến tranh phụ vương phải ban bố lệnh cho quân đội phải bảo toàn tính mệnh cho Mỵ Châu. Phụ vương đã hứa rồi. Chính phụ vương nói con sẽ được cả Âu Lạc và Mỵ Châu.

-Ta đã hứa là làm, con yên tâm. Ta phải đi nghỉ một chút, ngày mai còn bàn với thừa tướng Lữ Gia để hoàn thiện kế hoạch xuất quân đánh chiếm Âu Lạc.

Đêm về khuya. Trống trên thành Phiên Ngung đã điểm canh ba. Sau khi về  tới phòng Trọng Thủy chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị đẫm máu và nước mắt của hắn và nàng Mỵ Châu…

                                                              *          *

                                                                     *

      Một buổi sáng mùa đông, thành Cổ Loa chìm trong giá rét. Cây cối trong thành lá vàng rơi tơi tả, chỉ còn lại những cành khẳng khiu nhô lên dưới bầu trời âm u. Trên không trung, vài đàn chim mải miết bay về phương Nam tránh rét. Chung quanh thành, lúa vụ mùa trên những cánh đồng xen lẫn với làng xóm cây cối um tùm uốn quanh. Trên dòng sông đào quanh thành những con thuyền chiến như ngủ say dập dờn trên nước. Sông Hoàng Giang và xa xa là sông Hồng đang cuồn cuộn tuôn nước về đông. Núi Ba Vì, Tam Đảo, Tản Viên xa mờ đầy sương trắng.

  Trong cung điện của triều đình Âu Lạc, An Dương Vương đang thiết triều. Lâu lắm rồi An Dương Vương say mê rượu và cờ gần như bỏ bễ triều chính, không thiết triều. Nhưng thời gian gần đây đã có nhiều tin đồn từ biên cương và miền Bắc đất nước đưa về. Tin về những hoạt động của người Nam Việt. Nhiều tốp người Nam Việt, mỗi tốp hàng nghìn trai tráng khỏe mạnh đã đột nhập vào Âu Lạc, dân chúng rất hoang mang lo sợ nên An Dương Vương hôm nay phải thiết triều để nghe trình tấu.

  An Dương Vương nhìn xuống hàng ghế các đại thần. Hầu hết là những người mới do Thừa tướng Lạc Hầu tiến cử. Lứa Đại thần tài giỏi, trung quân ái quốc thời Cao Lỗ nay không còn. An Dương Vương biết thế hệ thay thế họ ngồi kia là những kẻ bất tài, tham lam, không vì dân vì nước, chỉ kéo bè kéo cánh bon chen vì lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình. Nhưng không sao, An Dương Vương vẫn là đấng vương quân đầy quyền lực, lỗ tai ông hàng ngày được nghe những lời ca tụng, tâng bốc vô liêm sĩ, giả dối. Nhưng không hiểu sao, những lời đó vẫn làm cho An Dương Vương ngây ngất, sung sướng trong ánh hào quang giả dối đó. An Dương vương hỏi:

-Các chư vị có gì trình tấu không?

  Lạc Hầu thừa tướng đứng dậy thưa:

  - Dạ, bẩm Thục Vương, trong 10 ngày qua, tin tức từ biên cương và phía Bắc báo về có nhiều dân phu người Nam Việt xâm nhập vào Âu Lạc, mỗi đợt có đến hàng nghìn người. Quan biên ải của ta hỏi thì họ nói rằng là gia nô của Nam Việt được Phò mã Trọng Thủy đưa sang để làm việc ở các hành cung và trang trại của Phò mã trên đất Âu Lạc.

An Dương Vương vừa như nói vừa như hỏi:

-Sao hành cung và trang trại của Phò mã cần nhiều người vậy? Nay những gia nô đó ở đâu?

  -Dạ, hàng nghìn người đó đã phân tán về các hành cung và trang trại của phò mã ở Chi Lăng, ở Vũ Ninh, bộ Dương Tuyền và ở bộ Giao Chỉ.

  -Họ làm gì trong đó?

  -Dạ, trong các hành cung và trang trại của phò mã đã từ lâu người Âu Lạc không được vào, kể cả các nhà chức trách và quan viên.

  -An Dương Vương nói nhỏ:

  -Cái thằng Phò mã Trọng Thủy này thực là… Nó làm gì vậy không biết nữa. Chắc là phò mã có công việc của nó. Nó đã trưởng thành rồi, đã biết lo lắng làm ăn rồi.

  Bọn đại thần trong triều đồng thanh:

  -Dạ phải, Thục Vương anh minh.

  An Dương Vương cười. Cả triều đình chìm trong không khí xu nịnh, dễ chịu. Bỗng một viên quan  chạy vội vào lo sợ hớt hãi:

  -Dạ bẩm Thục Vương nguy to rồi, 3 vạn quân Nam Việt đã vượt qua sông Cầu đang tiến vào bộ Giao Chỉ và tiến vào Cổ Loa!

  An Dương Vương hỏi:

  -Chúng từ biên giới vào sao thám mã của ta không ai biết?

 -Dạ, trước đó chúng chia lẻ từng toán xâm nhập Âu Lạc, ta có biết nhưng chúng nói là người của phò mã sang hành cung và các trang trại để phục dịch. Bọn mới sang này nhập với bọn đã sang 2 năm trước đây ở các hành cung và trang trại nên quân số lên đến 3 vạn người mà ta không biết.

  -Vũ khí chúng lấy từ đâu?

  -Khi sang chúng chỉ mang dao ngắn nói là để dùng cá nhân. Khi đến các hành cung mới được trang bị kiếm, cung giáo mác do các hành cung và trang trại bí mật sản xuất.

  -Thuyền bè đâu mà chúng vượt sông Cầu sang bờ Nam?

  -Dạ chúng vượt bằng bè luồng đã được chuẩn bị bí mật trong hành cung và trang trại ở bộ Vũ Ninh và Giao Chỉ trên bờ sông Cầu.

  An Dương Vương tức giận gầm lên:

  -Hừ, thằng Triệu Đà phản phúc, hắn không sợ nỏ thần của ta sao?

  An Dương Vương hỏi:

  -Ai có kế sách gì chống giặc?

  Cả triều đình im lặng

  An Dương Vương gằn giọng:

  -Ai dám đem quân ra phá giặc?

  Triều đình vẫn lặng im như hến.

  An Dương Vương tức giận:

  -Ngày thường các ngươi ngon ngọt, chỉ lo vinh thân phì gia, tranh giành danh lợi. Nay Quốc gia có đại sự nguy nan sao lại như đàn bà vậy? May sao ta có thành Cổ Loa chắc chắn hiểm trở khó công phá, đặc biệt là có “Linh quang thần nỏ” với sức mạnh phi thường. Nay lệnh cho bộ binh rút hết vào giữ thành để khi lâm trận nỏ thần không làm bị thương quân ta. Chờ cho quân địch đến bao vây thành, ta sẽ dùng linh quang thần nỏ đồng loạt tiêu diệt chúng.

(Còn nữa)

CVL