Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 3)

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuy-ngo-x-van-1635391759.jpgTranh minh họa. Nguồn: Internet.

 

 Kỳ 3.

II

Hai năm sau, đó là năm 946, thành Đại La chìm trong màn đêm mù mịt, không gian giữa trời và đất như nối liền nhau bởi bóng đêm đen. Vài vì sao trên bầu trời nhấp nhánh xa xăm và cô đơn. Gió khua xào xạc rung muôn cây uốn mình trong đêm. Dòng sông Tô Lịch mênh mang vẫn đưa nước về xuôi, dòng nước xanh đen đôi khi ánh lên ánh bạc rồi lại đen mờ trong đêm. Những ánh đèn dầu vàng vọt trong các khu phố leo lét hình như đang thức suốt đêm thâu.

Trong sảnh đường sang trọng của Đại La vẫn bày đặt như xưa, vẫn bàn ghế bằng gỗ lim khắc hoa văn cầu kỳ, khảm ngọc trai tinh xảo. Trên bàn đặt những bộ ấm chén uống trà màu nâu bóng. Cái khác xưa là trên bàn không còn bày đặt những đồ vật ngọc ngà châu báu như thời các quan Tiết Độ sứ nhà Đường. Chủ nhân của thành Đại La không phải là quan Tiết Độ sứ mà là nơi ở của quan Tổng trấn Đại La và là Đại thần triều Ngô Dương Tam Kha và gia đình.

Đêm nay ngồi trên ghế chủ nhân của Đại sảnh đường là Tổng trấn Dương Tam Kha, trước mặt là chiếc bàn kê ngang, tiếp theo là bàn ghế kê dọc cho thuộc cấp ngồi. Ngồi ở bàn dọc là ba người: Trưởng nam của Dương Đình Nghệ là Dương Nhất Kha, người anh thứ hai là Dương Nhị Kha, người thứ ba là Dương Cát Lợi, em con ông chú của ba anh em họ Dương. Cả bốn người đều căng thẳng, uống trà liên tục. Cuộc nghị đàm này mang tính chất bí mật một công việc động trời, liên quan đến ngai vàng của dòng họ Ngô, vận mệnh của đất nước và vận mệnh của dòng họ Dương. Dương Tam Kha lại bê chén nước, uống một ngụm, đặt chén xuống và nói:

- Sở dĩ hôm nay ta bàn với các huynh làm chính biến, lật đổ Ngô Xương Ngập vì có mấy lý do: thứ nhất cái ngai vàng này, giang sơn này sau họ Khúc thì đến họ Dương ta tiếp quản và giữ gìn rất khó nhọc. Cha chúng ta là Dương Đình Nghệ đã đánh bại quân Nam Hán, dành lại quyền tự chủ sau 7 năm Khúc Thừa Mỹ làm mất. Làm được như vậy là họ Dương và cha đã tốn bao công sức chuẩn bị 7 năm trời. Ngô Quyền chỉ là người kế thừa sử dụng lực lượng của chúng ta đánh bại quân Nam Hán năm 938. Vả lại, Ngô Vương cũng chỉ là con rể. Sau chiến thắng, đáng lý phải trả lại ngai vàng cho chúng ta thì đệ ấy lại không làm như vậy, lại ngồi vào ghế Tiết độ sứ mà xưng vương. Nay Ngô Vương đã mất, ta lấy lại ngai vàng là hợp lý.

Dương Tam Kha ngừng lại uống nước và lại nói tiếp:

- Thứ hai, Nam Sách vương Ngô Xương Ngập ngày nay không thể nào sánh được với Ngô Vương ngày xưa, phần còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm cai trị đất nước, không có tài kinh bang tế thế. Suốt một năm ngồi trên ngai vàng ở Cổ Loa không làm được một việc gì cho đất nước mà đất nước thì có biết bao nhiêu việc bức xúc phải giải quyết, phải làm. Đã thế lại còn thói ích kỷ, chuyên quyền, không coi ai ra gì, coi các bác, các chú và các Đại thần triều đình như cỏ rác. Thử hỏi không phát triển kinh tế, không phát triển quân đội hùng mạnh, nay mai Trung Nguyên kết thúc cục diện Ngũ đại thập quốc, thống nhất quốc gia, nước mà chúng tấn công xâm lược đầu tiên là nước Việt ta, dân tộc khi đó nguy vong mà chúng ta chết không có đất mà chôn. Cho nên đệ cho rằng đệ phải thay thế Ngô Xương Ngập. Các huynh thấy thế nào?

Dương Nhất Kha nghe xong giận tím mặt, nói gay gắt:

- Từ đâu đệ lại có tư tưởng phản nghịch như vậy. Đành rằng cơ nghiệp, lực lượng là do cha ta gây dựng nên. Nhưng ngay chính khi cha còn, Ngô Vương bằng tài năng trí tuệ của mình đã đóng góp công lao hầu như quyết định. Ngô Vương đã đánh bại quân Nam Hán năm 931, tiêu diệt quân tiếp viện của Thừa chỉ nhà Nam Hán Trần Bảo. Những ngày sóng gió của họ Dương ta năm 937, khi cha bị sát hại, chính Ngô Vương đã vững tay lái, bình tĩnh sáng suốt, đưa nước nhà và họ Dương ta vượt qua sóng gió hiểm nghèo. Ngô Vương đã có công xây dựng quân đội Khúc-Dương, nâng lên thành một quân đội có trang bị, tổ chức, có sức mạnh mới, từ đó đã chiến thắng thù trong giặc ngoài năm 938. Ngô Vương đã làm cho bọn bán nước và quân xâm lược cướp nước phải run sợ, khiếp đảm muôn đời. Cho nên năm 939 Ngô Vương lên ngôi là xứng đáng.

- Thứ hai, Nam Sách Vương là cháu của chúng ta, Dương Thái hậu là em gái của chúng ta. Họ Ngô ở ngôi cũng như họ Dương ở ngôi, có gì mà phải tranh giành nhau. Cháu còn trẻ thiếu kinh nghiệm trị quốc thì các đại thần, các chú các bác và Dương Thái hậu phải khuyên bảo.

- Thứ ba, khi lâm chung, Ngô Vương tin tưởng đệ mà giao di mệnh cho đệ, phải giúp đỡ phò tá Nam Sách Vương. Nay làm trái di mệnh là bất nghĩa, bất tín, bất trung, để tiếng xấu muôn đời. Họ Dương chúng ta không thể làm được.

Nói xong Dương Nhất Kha tức giận bỏ ra về. Bóng ông mất hút ngoài mái hiên trong đêm tối. Dương Tam Kha, Dương Nhị Kha, Dương Cát Lợi còn nghe tiếng của Dương Nhất Kha:
- Phản rồi, phản rồi, chúng ta chết không có đất mà chôn rồi.

Dương Tam Kha nhìn theo điềm nhiên nói:

- Huynh ấy già rồi, quá bảo thủ, quá thương cháu. Kệ huynh ấy. Các huynh có ý kiến gì không?

Dương Nhị Kha nói:

- Nam Sách Vương không phải là còn trẻ mà là do tính cách của Vương là như vậy. Đúng là bất tài bạc nhược nhưng lại bảo thủ, không nghe lời các đại thần, chú bác và ngay cả Dương Thái hậu, lại hay nghi ngờ, lo sợ bị cướp ngôi. Nhưng điều cơ bản là Vương không có tài kinh bang tế thế, khả dĩ đưa đất nước phát triển hùng mạnh, cũng không có uy vũ để buộc các hào trưởng địa phương khuất phục, thay đi là phải. Nhưng huynh còn lo…

(Còn nữa)

CVL