Vĩnh Phúc chủ động cung cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân

Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang khẩn trương gieo cấy xong diện tích lúa Xuân trong khung thời vụ. Hiện, trà lúa Xuân đang vào thời kỳ sinh trưởng, phát triển đẻ nhánh, nhu cầu về nước khá cao. Ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc chỉ đạo các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Thủy lợi thực hiện các biện pháp cấp nước đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho lúa.

 

chonghan5

Nhân viên Trạm bơm Quán Bạc, Xí nghiệp Thủy lợi Yên Lạc (Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn) vận hành máy bơm đảm bảo nước tưới cho lúa Xuân

Vụ Xuân 2020, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn phục vụ tưới tiêu cho gần 20.000 ha lúa trên địa bàn 6 huyện, thành phố: Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Yên và một phần diện tích thành phố Phúc Yên và huyện Mê Linh (Hà Nội). Trong đợt I xả nước (từ ngày 20/1 đến 24h ngày 23/1/2020), Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn đã lấy đủ nước cho trên 40% diện tích gieo cấy. Bám sát lịch xả nước đợt II (từ ngày 5/2 đến 12/2) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đêm 4/2, Công ty đã phân công cán bộ trực 24/24h, vận hành các máy bơm hoạt động bơm phục vụ sản xuất và trữ nước vào các ao, hồ phục vụ tưới dưỡng cho cây trồng. Cùng với đó, thường trực liên tục tại các lưới chắn rác để vớt rác, không để chênh lệch mực nước ảnh hưởng đến việc điều tiết nước phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Quân – Giám đốc Công ty Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn cho biết: Quán triệt phương châm “Chủ động, kịp thời, chất lượng, hiệu quả”, ngay từ đầu vụ, công ty đã rà soát, đánh giá lại nguồn nước, từ đó xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, chi tiết cho từng công trình, xứ đồng; điều hành, điều phối, hòa mạng các nguồn nước đảm bảo không bị thiếu nước; phối hợp chặt chẽ với ngành điện xây dựng phương án sử dụng điện đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời nguồn điện cho hệ thống các trạm bơm hoạt động; lắp đặt các máy bơm dã chiến ven sông, ven suối, ao đầm; nạo vét các cửa khẩu lấy nước, kênh dẫn, lòng dẫn và hệ thống kênh mương; sửa chữa, bảo dưỡng các công trình trên kênh như cống lấy nước, cống điều tiết, cánh cống, các thiết bị đóng mở cống vận hành an toàn, đảm bảo kín nước; chủ động thông báo lịch cấp nước cho các địa phương để người dân biết chủ động lấy nước. Công ty đã bảo đảm trên 80% diện tích gieo cấy đã được đổ ải.

Do có sự chủ động của ngành Nông nghiệp và các địa phương nên công tác cũng cấp nước đến nay cơ bản thuận lợi. Kết thúc đợt I lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân, đến ngày 3/2/2020, diện tích có nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 73% so với kế hoạch và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương có tỷ lệ lấy nước cao nhất, trong đó, các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Sông Lô, Tam Dương cơ bản lấy đủ nước phục vụ sản xuất. Tính đến ngày 5/2/2020, trên địa bàn tỉnh có 133 máy bơm hoạt động, 19 trạm bơm dã chiến đang bơm nước phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh đã có hơn 23.000 ha diện tích gieo cấy đã có nước, đạt gần 80% kế hoạch và gần 17.000 ha diện tích đã cấy đạt hơn 57% kế hoạch, riêng huyện Tam Đảo gieo cấy vượt kế hoạch; các huyện: Lập Thạch, Tam Dương đạt hơn 96% kế hoạch; Sông Lô đạt hơn 94% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo dự báo, năm nay, thời tiết có khả năng nóng ẩm, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, do đó, việc chủ động lấy nước, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất là hết sức cần thiết. Để đảm bảo đủ nước phục bà con cấy lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đề nghị các công ty TNHH một thành viên Thủy lợi cần phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tiếp tục bơm nước vào đồng ruộng. Chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không xả rác, lấn chiếm kênh mương gây ách tắc dòng chảy.

Với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nước gieo cấy và chăm sóc cho diện tích lúa Xuân trong khung thời vụ, sự chủ động, tích cực của ngành Nông nghiệp, chính quyền các cấp và nông dân sẽ là tiền đề quan trọng giúp lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần giành thắng lợi trong vụ xuân trên địa bàn toàn tỉnh.