Vĩnh Phúc: Công bố nhãn hiệu tập thể sản phẩm Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ

Chiều ngày 15/1, UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức Lễ Công bố nhãn hiệu tập thể sản phẩm Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất phủ do Cục sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa Học và Công Nghệ) cấp giấy chứng nhận. Đây là cơ hội để người trồng bưởi của huyện khẳng định danh tiếng, giá trị đặc thù của sản phẩm địa phương này.

IMG_0312

Trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bưởi Vĩnh Tường

Hiện nay, diện tích trồng bưởi của huyện Vĩnh Tường đạt trên 100 ha, chiếm gần 18% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi như: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh… Trong đó, giống bưởi được trồng chủ yếu là bưởi Diễn với diện tích gần 50 ha, chiếm gần 57%. Diện tích có quy mô 0,5 ha/hộ trở lên khoảng 18 hộ. Bưởi trồng ở huyện Vĩnh Tường được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi ngon, ngọt, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ. Nếu vụ nào mưa thuận gió hòa thì cây bưởi đạt chất lượng tốt cả về sản lượng lẫn chất lượng. Do trong quá trình chăm sóc gia đình các hộ nông dân hầu như không sử dụng các loại thuốc hóa học nên bưởi được nhiều người dân trong vùng tin, mua.

IMG_0316

Đại biểu dán nhãn hiệu sản phẩm bưởi Vĩnh Tường

Xác định quả bưởi là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của huyện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 25 nhiệm kỳ 2015-2020, từ năm 2018, Hội trồng Bưởi huyện Vĩnh Tường đã xây dựng nhãn hiệu “Bưởi Vĩnh Tường – Hương vị đất Phủ”. Ngày 17/10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa Học và Công Nghệ) đã ra Quyết định số 91525/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho cây bưởi Vĩnh Tường. Đây là bước đi phù hợp với các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, là thành quả bước đầu và cũng là đòn bẩy để người sản xuất kinh doanh sản phẩm bưởi phát triển, tạo vị thế của sản phẩm bưởi của huyện trên thị trường.

Tính đến hết năm 2019, toàn huyện có 102,34 ha đất trồng bưởi/511,54 ha diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện (chiếm 20%). Trong đó: Diện tích trồng bưởi cho thu hoạch quả 60,0 ha; còn lại là diện tích bưởi đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản. Theo thống kê của Hội Trồng bưởi năm 2019, tổng sản lượng bưởi bán ra thị trường ước đạt 1.800.000 quả (giá trị gần 40 tỷ đồng).

IMG_0309

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường (ảnh trên) cho biết: Thời gian qua bên cạnh việc chú trọng việc hỗ trợ mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND huyện tập đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thông qua việc xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Từ đó, khẳng định chất lượng sản phẩm, tính đặc thù của sản phẩm đặc sản của huyện để mở rộng thị trường tiêu thụ và kích hoạt sản xuất phát triển.

Đại diện cho các hộ gia đình cá nhân là gương điển hình tiên tiến trong việc sản xuất trồng cây bưởi, ông Phùng Văn Tân (thôn Yên Định, xã Phú Đa) – Chủ tịch Hội trồng bưởi Vĩnh Tường chia sẻ, tận dụng đất đai sẵn có và mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trông bưởi theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất VietGAP. Đến nay, gia đình đã có thu nhập ổn định, đặc biệt sau khi tham gia Hội trồng bưởi Vĩnh Tường, gia đình yên tâm hơn về mặt năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định hơn, mỗi năm cho thu nhập trung bình từ 400 - 500 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục đẩy mạnh việc hình thành nhiều vùng hàng hóa theo hướng tập trung với quy mô lớn, khẳng định được giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi, mang lại giá trị sản xuất cao hơn.