Vĩnh Phúc: Địa chỉ Giáo dục truyền thống hiếu học và văn hóa dân tộc

Không chỉ là một điểm tham quan hấp dẫn, Văn miếu Vĩnh Phúc và Bảo tàng Vĩnh Phúc còn là địa chỉ giáo dục tinh thần hiếu học, giúp khách tham quan và học sinh có những trải nghiệm độc đáo, qua đó hiểu thêm về truyền thống văn hóa của quê hương và đất nước.

van-mieu-vinh-phuc2-1630447686.jpgHọc sinh chăm chú tìm hiểu về Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Ngành Giáo dục đã xây dựng chuyên đề học tập lịch sử thông qua cuộc thi “Theo dòng lịch sử”, hoạt động của các câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, tôn vinh học sinh có thành tích xuất sắc tại Văn Miếu tỉnh, lễ báo công tại Nhà lưu niệm Bác Hồ với Vĩnh Phúc. Đồng thời, biên soạn tài liệu và tổ chức truyền dạy một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc; đưa các trò chơi, trò diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ vào các hoạt động ngoại khóa của học sinh trong hệ thống trường học toàn tỉnh. Học sinh đi tham quan được các nhà trường bố trí đảm bảo an toàn, hiệu quả, nội dung chương trình  được sắp phù hợp với chương trình giáo dục của từng cấp học, sinh động, hấp dẫn và bổ ích.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tp Vĩnh Yên Cho biết: Học sinh đến Văn miếu tỉnh có thể học về lịch sử, truyền thống hiếu học, kiến trúc, mỹ thuật, phong tục tập quán. Đến nay, Chương trình đã xây dựng được nhiều chủ đề giáo dục theo lứa tuổi, cấp học, tích hợp với kiến thức trên lớp. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản sinh động và mang nhiều ý nghĩa. Qua chương trình sẽ giúp các em học sinh ở nhiều lứa tuổi hiểu biết về lịch sử, văn hóa của địa phương, từ đó thêm yêu quý, tự hào về quê hương, có ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy hiệu quả các giá trị di sản truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Bà Chung cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, ngành giáo dục Vĩnh Yên đã đưa gần 3000 học sinh tham quan, trải nghiệm tại Văn miếu và Bảo tàng tỉnh. Sau khi tham gia các hoạt động trải nghiệm tại di tích Văn miếu và Bảo tàng các em rất hào hứng, bởi khi đến đây biết được nhiều về lịch sử của nước nhà, cũng như truyền thống hiếu học của quê hương, khi bình thường, nhiều em rất "ngại" học môn Lịch sử. Hoạt động ý nghĩa, thiết thực này khiến học sinh cố gắng học tập hơn nữa để trở thành người tốt phục vụ cho đất nước, cho quê hương.

van-mieu-vinh-phuc1-1630447686.jpgLễ kết nạp Đội viên của trường tiểu học Định Trung, Tp Vĩnh Yên được tổ chức tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Ông Mai Văn Trung – Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phúc cho biết: Ngoài các hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên như lễ dâng hương và tôn vinh các bậc tiên thánh, tiên hiền, danh nhân khoa bảng được tổ chức vào dịp đầu Xuân. Tại Văn miếu Vĩnh Phúc, chúng tôi tổ chức các buổi trưng bày chuyên đề như lịch sử tự nhiên Vĩnh Phúc, danh nhân khoa bảng, truyền thống hiếu học, Vĩnh Phúc quê hương người Việt cổ. Từ đầu năm 2021 đến nay tại Văn miếu tỉnh tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tham quan, “Tặng chữ đầu Xuân” của hội viên CLB Hán Nôm tỉnh; trải nghiệm giáo dục “Nét chữ - Nết người” do các em học sinh của Trường tiểu học Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên thực hiện; triển lãm những bức thư pháp nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1941) và các hội viên CLB Hán Nôm trong tỉnh. Tái hiện lại hoạt cảnh các kỳ thi cử xưa kia; tổ chức phiên chợ Tết kết hợp với trưng bày sinh vật cảnh và cổ vật…Với trên 2000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, được trưng bày tại Bảo tàng “Vĩnh phúc từ thời kỳ tiền sơ sử. Đối với khách tham quan Bảo tàng, sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu  theo từng đối tượng khách tham quan tại bảo tàng Vĩnh Phúc 

van-mieu-vinh-phuc3-1630447686.JPGHoạt động trải nghiệm của học sinh tại Bảo tàng Vĩnh Phúc. Ảnh Thu Hà (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ký kết phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc tổ chức các hoạt động giáo dục lịch sử, văn hóa thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh thăm quan, trải nghiệm ở Văn miếu Vĩnh Phúc và Bảo tàng tỉnh nhằm tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc, đất nước, con người Việt Nam, địa danh, truyền thống khoa bảng, thi cử, hiếu học của quê hương Vĩnh Phúc.