Quang cảnh buổi họp báo
Bà Hà Thị Hồng Nhung - Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Kinh tế Vĩnh Phúc năm 2019 có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,05% so với năm 2018. Trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 13,11%, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh 5,90 điểm %; khu vực nông – lâm nghiệp, thủy sản giảm 2,77%, làm giảm tăng trưởng chung 0,18 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,80%, đóng góp 1,41 điểm%; thuế sản phẩm tăng 3,28%. Tổng thu ngân sách đạt 34.946 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 46,14%; ngành dịch vụ chiếm 22,34%; ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,46%. Thu hút vốn đầu tư FDI và DDI vượt xa mục tiêu đề ra, với 115 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn đăng ký 670 triệu USD, tăng 34% kế hoạch và tăng 27,2% so với năm ngoái; 48 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 13,55 nghìn tỷ đồng, cao gấp 4,5 lần kế hoạch, tăng 54% so với năm ngoái. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 24.433 lao động.
Theo thống kê mới nhất dân số Vĩnh Phúc là 1.151.154 người, trong đó dân số nam chiếm 49,83% và dân số nữ 50,17%. Kết quả đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Vĩnh Phúc, GRDP của tỉnh giai đoạn 2010 - 2018 tăng bình quân 8,14%/năm, tương ứng tăng 5.613 tỷ đồng/năm. GRDP theo đánh giá lại có sự điều chỉnh tăng/giảm ở từng khu vực theo từng năm nhưng chủ yếu ở thuế sản phẩm, với mức tăng bình quân 24,69%.
Ông Phùng Đắc Hưng, Cục phó Cục Thông kê Vĩnh Phúc phát biểu tại họp báo
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế. Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô là cơ sở để các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trước mắt là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.