Sáng 9/1, tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, khiến 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Không chỉ lên án mà phải nghiêm trị nhóm chống đối
Đường qua khu vực xã Đồng Tâm sáng 9/1. (Ảnh: Việt Đức)
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đối với hành động của nhóm chống đối tấn công, khiến 3 chiến sĩ làm nhiệm vụ hy sinh không chỉ đáng lên án, mà phải nghiêm trị theo pháp luật.
“Tôi cho rằng, việc sử dụng lựu đạn, dao phóng, bom xăng và nhiều pháo nổ của nhóm chống đối là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Hành động chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng cần bị lên án và trừng trị, để giữ kỷ cương phép nước”.
“Hơn nữa, chúng ta phải làm rõ, để chính người dân lên án và yêu cầu luật pháp xử lý nghiêm minh hành động chống người thi hành công vụ trên”.
Hành động chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng cần bị lên án và trừng trị, để giữ kỷ cương phép nước.
Ông Nguyễn Túc
Trong vấn đề này, ông Túc cho rằng, cần phải xác định rõ nguyên tắc kiên trì giải thích rõ cho nhân dân hiểu. Theo đó, phải giữ vững kỷ cương đất nước.
“Chúng ta không chấp nhận kiểu hành động “vô Chính phủ”. Kiểu hành động “muốn làm gì thì làm”.
“Quan trọng nhất bây giờ là huy động sức mạnh của dân, phải để nhân dân tự sắp xếp các vấn đề nội bộ của mình. Còn phương án sử dụng quân đội và công an là biện pháp cuối cùng, không mong đợi”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng trong tình hình hiện tại, việc huy động lực lượng quân sự và công an vào cuộc chưa chắc đã phát huy được yêu cầu thực tế và giải quyết hiệu quả vấn đề tại địa phương. Thay vào đó, công tác vận động, thuyết phục người dân cần được chú trọng, để tạo ra dư luận tích cực cho chủ trương đề ra.
“Đây là sự việc vô cùng đáng tiếc xảy ra tại Hà Nội, đặc biệt là vào dịp giáp Tết Âm lịch. Tôi cho rằng, một trong những vấn đề nổi cộm là hướng giải quyết vừa qua đã thực sự thỏa đáng, hay vẫn chưa thực sự đạt được đồng thuận giữa chính quyền và người dân”.
Theo ông Thuận, chỉ khi công tác vận động nhân dân đạt đến mức chín muồi, khi đó chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề nội tại. Bài học này không chỉ áp dụng trong tình hình quốc nội, mà còn trong giao bang quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.
Xử nghiêm tội ác dã man của những kẻ chống đối ở Đồng Tâm
Trả lời VTC News, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) ủng hộ quan điểm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với nhóm người chống đối tại Đồng Tâm hôm 10/1.
Ông Kim cho rằng, việc quan trọng là phải tuyên truyền cho người dân hiểu về pháp luật, về chính sách. "Nhưng với các hành vi chống đối, vi phạm pháp luật thì cần phải áp dụng các biện pháp bắt giữ, ngăn chặn".
"Người dân phải thực hiện theo đúng pháp luật và phải duy trì, bất cứ đất nước nào cũng thế chứ không chỉ riêng ở Đồng Tâm. Bất cứ ở đâu việc không tuân thủ pháp luật bắt buộc phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật", ông Kim nói.
Cũng đồng quan điểm trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu rõ: "Không thể chấp nhận nổi! Vụ việc này không chỉ là chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng mà có dấu hiệu của tội Giết người với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “giết nhiều người”, “với người thi hành công vụ...” và các tội danh khác như tội Chống người thi hành công vụ, Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng... sẽ được áp dụng để xử lý với nhiều đối tượng quá khích trong vụ việc này".
Cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để trước pháp luật các đối tượng có hành vi chống đối.
Luật sư Đặng Văn Cường
Theo luật sư Cường, nhắc đến vụ việc tranh chấp khiếu kiện đông người ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) thì rất nhiều người đã biết và theo dõi thông tin về vụ việc này nhiều năm nay.
Năm 2017, nhiều kẻ ở Đồng Tâm quá khích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ và đỉnh điểm là bắt giữ hơn 30 chiến sĩ cảnh sát cơ động và có hành vi gây rối trật tự công cộng.
“Hành vi này là rất đáng lên án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính quyền đã tạo cơ hội vận động, giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành pháp luật, không áp dụng triệt để các chế tài của pháp luật nhưng nhiều đối tượng vẫn còn ngoan cố, chống đối và hung hãn hơn".
"Việc bùng nổ sự việc thế này có lẽ các cơ quan chức năng cũng lường trước, tuy nhiên một số đối tượng quá manh động sử dụng cả lựu đạn, bom xăng, dao phóng... để chống lại lực lượng chức năng. Bởi vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, triệt để trước pháp luật các đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự”, luật sư Cường nói.
Theo luật sư Cường, trong vụ việc xảy ra sáng 9/1 chắc chắn cơ quan điều tra sẽ khởi tố nhiều đối tượng về nhiều tội danh khác nhau. Với những kẻ sử dụng lựu đạn làm 3 chiến sĩ công an thiệt mạng sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: dùng phương thức thủ đoạn có thể làm chết nhiều người, giết từ 2 người trở lên, với người thi hành công vụ, có tính chất côn đồ...
Những kẻ không trực tiếp ném lựu đạn vào chiến sĩ công an nhưng là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, giúp sức, xúi giục đối tượng thực hiện hành vi sử dụng lựu đạn cũng sẽ bị xử lý về tội Giết người với vai trò đồng phạm.
Những kẻ bị xử lý về tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy thì sẽ đối mặt với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tăng cường công tác dân vận, kiên trì đối thoại với người dân
Hiện trường vụ gây rối tại xã Đồng Tâm hôm 9/1. (Ảnh: TTXVN)
Ông Nguyễn Túc cho rằng, vụ việc hôm 9/1 tại Đồng Tâm là bài học đắt giá cho Đảng bộ địa phương trong công tác chính trị, vận động quần chúng. Rõ ràng, công tác dân vận còn nhiều yếu kém và hạn chế. Qua đây, chính quyền địa phương phải rút ra những điều chưa làm được hay sai trái để có biện pháp sửa đổi.
Theo ông Túc, cả hệ thống chính trị từ thành phố Hà Nội đến huyện, xã cũng phải vào cuộc và xem xét, rút kinh nghiệm trong công tác dân vận.
“Tôi cho rằng, đại đa số người dân là tốt, do đó công tác chính trị là quan trọng nhất. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất hiện nay là ổn định lòng dân, phải nhanh chóng làm công tác tư tưởng để yên dân”.
"Để làm được điều đó, chúng ta phải làm tốt công tác dân vận tại chính cơ sở, dưới sự lãnh đạo của cơ sở Đảng, Hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên và ủy ban Mặt trận địa phương".
Theo đó, trong bối cảnh hiện nay Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận phải tập trung vào để yên lòng dân. Hiện Đồng Tâm là "điểm nóng", cho nên phải vận dụng nghệ thuật quần chúng, để ổn định tình hình cơ sở.
Chia sẻ với VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nhân dân Đồng Tâm cần hết sức bình tĩnh, nên hành xử đúng pháp luật.
Vấn đề được giải quyết êm dịu, vì có sự đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền. Do đó, chúng ta phải tăng cường đối thoại và đối thoại nhiều lần.
Ông Lê Như Tiến
Người dân cũng không nên manh động, để cho các đối tượng kích động, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, việc sử dụng các vũ khí nóng như lựu đạn, bom xăng, dao phóng… gây thương vong tới lực lượng chức năng là hành động chống người thi hành công vụ.
“Về phía chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, tôi cho rằng chúng ta nên tăng cường đối thoại. Bởi vì, hầu hết người dân tại Đồng Tâm đều tốt, chỉ có một số kẻ cầm đầu xúi giục, chia rẽ và kích động. Từ đó mới gây ra các hậu quả đau xót như trên”.
Theo ông Tiến, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tiếp tục đối thoại, đặc biệt là tuyên truyền, thuyết phục bà con Đồng Tâm.
“Cũng như nhiều sự việc xảy ra trước đó ở nhiều địa phương, vấn đề được giải quyết êm dịu, vì có sự đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền. Do đó, chúng ta phải tăng cường đối thoại và đối thoại nhiều lần”.
Ví dụ điển hình là vấn đề Thủ Thiêm ở TP.HCM. Một lần đối thoại không giải quyết được vấn đề thì phải tiếp tục đối thoại ở cấp huyện, cấp thành phố. Sau đó còn diễn ra đối thoại Ủy ban Mặt trận các cấp và đối thoại với cán bộ Trung ương, Thanh tra Chính phủ. Đối thoại nhiều lần thì người dân mới hiểu hết vấn đề và chấp hành tốt chủ trương đề ra.
Ngoài ra, đối với những người chống đối gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý theo pháp luật. Tại vì người dân có thể bị xúi giục và nghe theo lời kích động của những đối tượng vi phạm pháp luật này.
Cuối cùng, ông Tiến khẳng định: “Chúng ta cần xem xét để giải quyết hài hòa quyền lợi của Nhà nước, đơn vị thụ hưởng đất và người dân địa phương. Nếu giải quyết được bài toán hài hòa lợi ích, tôi cho rằng, người dân sẽ không có những biểu hiện manh động như thời gian vừa qua”.