Vu Lan Nhớ Nhà

Một mùa Vu Lan nữa lại đến, một mùa Vu Lan nữa sắp qua, bạn hôm nay có gọi về nhà không?

chuy-qu2x-1629607421.jpgẢnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

Có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ tất cả chạy về nhà, sà vào lòng mẹ cha nói rằng con mệt quá, con dừng lại có được không? Thi thoảng tôi cũng cảm thấy như vậy, yếu lòng mà gục xuống nơi phố thị ồn ã. Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng cả. Với tôi hay với bất kỳ một ai đó trên thế giới này.

Có những ngày nghỉ ngắn ngủi về quê, nhìn nơi mình sinh ra và lớn lên, nhìn những đứa trẻ năm nào lội bùn nghịch đất, một câu không vừa ý liền lao vào đánh nhau giờ đây đều đã trưởng thành, gặp lại nhau qua loa vài câu hỏi rồi chẳng biết phải nói gì, ngượng nghịu, cách xa. Khoảng cách của "người lớn" và "trẻ con" nghe thì nhẹ nhàng, nhưng nó chẳng khác gì "một bầu trời" và "miệng cái giếng". Khi bạn trưởng thành có nghĩa là những thứ ngây thơ thuở bé cũng dần rời xa, thay vì thấy vui vẻ thì nghĩ về lại cảm thấy có chút ấu trĩ, ấu trĩ mà lại khiến lòng mình hoài tiếc không thôi. Ai trong đời này có lẽ cũng đôi lần tự hỏi nơi nào bán một tấm vé về lại tuổi thơ, cho tôi mua một vé?

Có những ngày trở về, ngồi sau lưng cha trên chiếc xe cà tàng nhả khói khét ngòm, thấy bóng lưng cha vẫn rộng lớn như xưa, vẫn vững chãi như thuở nào, ngước mắt nhìn mái tóc hoa râm đã bạc thêm nhiều, nước da rám nắng đen sạm đi. Trên gương mặt hiền từ vẫn là nụ cười tươi nhưng giờ đây lại thêm nhiều nếp nhăn mới, những nếp nhăn in sâu khoé mắt cha, lòng tôi bỗng quặn thắt, tay tì vạt áo cha, mặt lại đẫm nước.

Trở về nhà thấy mẹ mỏi mệt đứng bên cạnh sân lúa phơi dở, mẹ gầy đi, đôi tay gồng lên mỗi khi nâng cái cào, gân xanh lại lộ từng đường, vất vả bủa vây nhưng cha mẹ chưa từng kêu khổ. Nghĩ lại quãng đường mình đi qua, thời gian khổ sở ngày nào mình nghĩ, hoá ra mọi thứ chẳng khó khăn như vậy, ít nhất so với sự cực khổ của mẹ cha thì những thứ mình trải qua chẳng là gì cả.

Ai rồi cũng vậy, cùng đều phải trải qua cảm nghẹt thở để trưởng thành.

Có những ngày cha mẹ gọi điện ra, hỏi vài câu đơn giản: con ăn cơm chưa, ăn nhiều không gầy đi xấu lắm,... tôi im lặng, không đáp lời và tự nhiên thấy muốn bật khóc. Thế giới này mênh mông lắm, nhưng mênh mông bao nhiêu cũng vĩnh viễn không bằng nhà mình.

Hôm nay là Vu Lan, cũng là rằm tháng bảy. Ngồi ngẩn ngơ nhận ra, bao lâu rồi nhỉ? Bao lâu rồi mình không cùng cha mẹ đón một cái lễ Vu Lan trọn vẹn? Năm năm hay mười năm? Hay còn lâu hơn cả thế nữa?

Nhớ một sớm mai ngày đó mẹ đi chợ chuẩn bị đồ, trầu cau vàng mã rồi hoa quả. Bố ở nhà làm thịt gà, tôi đồ xôi, làm bánh và món phụ, tất cả bày vào cái mâm nhôm đặt lên bàn thờ, sau đó bố thành kính làm lễ, tôi và mẹ cùng các em yên lặng bên cạnh. Lễ xong, hương hết, tôi lại cùng bố đi hoá vàng, sau đó cả nhà quây quần ăn cơm, nói cười vui như tết. Chiều lại qua nhà bác, nhiều lúc rằm tháng bảy mà y như chạy show, mỗi nhà ghé một tí. Nhưng gia đình tôi luôn đón cùng nhau, nhất định phải ăn cùng nhau.

Sự nhất định ấy theo thời gian chẳng còn duy trì được nữa. Chúng tôi lớn dần lên, tôi đi làm, em tôi đi học, nhà còn mình thằng út cùng cha mẹ. Thi thoảng thằng út sẽ điện ra thủ thỉ:

"Em nhớ Hi quá, hôm nay bố làm thịt gà mà chị không có ở nhà để ăn."

Nó dứt câu thì khóc thút thít trong điện thoại. Cha tôi vẫn hay bảo, mỗi lần nhà có món ngon, nó đều nhắc chị Hi và hỏi rằng không biết chị có được ăn ngon không, chị có gầy đi không, hỏi xong đêm về lại ôm gối rấm rứt khóc vì nhớ chị. Những lúc tôi xa nhà về, vẫn đòi em ngủ với Hi, rồi bắt đầu gác chân kẹp cổ tôi làm tôi nghẹt thở, cả đêm không ngủ được vì cứ ba phút lại phải nắm chân nó để qua chỗ khác một lần. Nhưng tôi thích cảm giác đó lắm. Có thêm em, bố mẹ vất vả hơn, nhưng tôi lại cảm thấy rất hạnh phúc. Vì không có em, cha mẹ tôi giờ sẽ ngồi bên mâm cơm quạnh quẽ mà nhớ hai đứa con gái ở xa. Có em út, nỗi nhớ ấy cũng phần nào nguôi ngoai.

Mẹ tôi hay bảo, mỗi lần tôi về là nhà là nhà tôi biến thành cái chợ ngay, suốt ngày chuyện trò đủ thứ. Thậm chí hàng xóm cũng nhận ra, mỗi lần em tôi ra ngoài đều được hỏi: "chị Hi về rồi đấy à, chẳng trách gì mà nhà vui như tết thế kia", nó cười toe toét gật đầu. Mỗi lần tôi đi thì nài nỉ: "Hi ở thêm vài hôm nữa, bao giờ thì chị về tiếp?" Vậy nên mỗi lần về rồi lại đi, hai chị em tôi bắt đầu thay nhau khóc khiến bố mẹ không biết phải làm sao cả.

Thời gian trôi qua, năm dài tháng rộng như vậy, cứ thêm một năm về nhà, lại nghe bố mẹ chuyện trò lúc nửa đêm, khi mà nghĩ rằng chúng tôi đã say giấc. Mẹ thở dài, tiếng thở dài cào xước lòng tôi:

"Chẳng biết chúng ta có thể sống đến ngày thằng út lấy vợ sinh con không nhỉ?"

Tôi ngồi bên bậc thềm nhìn trăng, mắt mờ dần đi, chua xót ngập tràn. Tôi tự hỏi lòng mình, nếu cứ chậm rãi như thế này, liệu tôi có kịp không? Khi mà tôi có thể đủ khả năng lo cho nhà mình, liệu cha mẹ tôi còn không? Lúc đó, tôi phải làm sao bây giờ? Giống như cha tôi sau khói thuốc lào cay xè đôi mắt từng nói với tôi: "mỗi năm qua đi cha lại thêm sợ hãi, sợ hãi không biết mình đủ thời gian và sức khoẻ nhìn các con khôn lớn hết cả, nhìn các con thành gia lập thất, rồi cùng quây quần bên con cháu. Cha sợ không kịp quá." Mỗi lần tôi nghe được ba từ "cha già rồi" là lòng lại cay đắng ngập tràn. Tự dặn lòng mình phải nỗ lực thật nhiều hơn nữa để sau này chẳng phải hối tiếc về điều gì, để có thể báo đáp ơn sinh thành nuôi dưỡng của mẹ cha khi còn có thể. Mâm cao cỗ đầy làm gì khi mà mẹ cha chẳng còn nữa?

Chúng ta ăn đậu đỏ vào Thất Tịch để mong có người yêu, chúng ta dễ dàng nói với ai đó một câu yêu đương mà không mất quá nhiều thời gian để thân thuộc nhưng lại chẳng dễ dàng để mở lời nói câu yêu thương mẹ cha, người yêu chúng ta cả một đời vô điều kiện, ngay cả khi chúng ta đã khôn lớn, trưởng thành, có cho mình một mái ấm riêng rồi, mẹ cha vẫn ở đó, thời gian lấy đi tuổi xuân cùng sức khoẻ của mẹ cha, mỗi ngày vẫn mòn mỏi đợi chúng ta về ăn bữa cơm nhà. Vậy nên, hãy yêu thương họ thật nhiều, hãy ở bên cạnh họ thật lâu, bạn có thể giàu sang hay nghèo đói, cha mẹ cũng sẽ không bao giờ chê bai coi thường bạn. Một lời nói tốt đẹp sưởi ấm cả mấy đêm đông, chúng ta nói được với người ngoài sao lại không thể nói với mẹ cha, người xem chúng ta là tất cả trong cuộc đời này?

Thêm một mùa Vu Lan nữa dần qua, lại thêm một năm nữa tôi xa nhà. Bạn thì sao?

Theo Chuyện làng quê