Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam mới công bố của Wolrd Bank (WB) chỉ ra đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021 diễn biến xấu nhanh trong tháng 8. Hệ thống y tế phải chịu áp lực lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Công tác triển khai tiêm vắc-xin được đẩy nhanh, đặc biệt ở Tp.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nguồn cung vắc-xin hạn chế nên tiến độ còn chậm. Đến ngày 11/9, khoảng 24% dân số của cả nước đã tiêm ít nhất một liều so với con số chỉ 5,7% một tháng trước đó.
Báo cáo của WB dẫn số liệu trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Việt nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước.
"Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Mặc dù vậy, giải ngân vốn FDI giảm trong tháng 8 - ở mức 14,3% so với tháng trước và 12,2% so với cùng kỳ năm trước", WB nhận định.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Đức tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội để tiếp tục phục hồi nền kinh tế và hướng tới tăng trưởng GDP bền vững".
Ông Marko Walde phân tích: "Trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam là quốc gia đang giữ vị thế đứng đầu cũng như đem lại nhiều giải pháp hàng đầu nhờ nền kinh tế phát triển linh hoạt cùng khả năng đáp ứng nhanh chóng với tốc độ đổi mới trong sản xuất.
Tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cũng như các chính sách khuyến khích chi tiêu công và hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch".
Đại diện các doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam, ông Marko Walde cũng nhận định Việt Nam là một môi trường đầu tư tiềm năng với cơ cấu chi phí cạnh tranh và nhiều ưu đãi về thuế quan do các hiệp định thương mại tự do đem lại.
"Những hoạch định và các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như vào việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Việt Nam. Về trung hạn, chúng tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam vẫn sẽ giữ vững vai trò quan trọng của mình như một trung tâm sản xuất chính trong khu vực", ông Marko Walde nói.
Kiểm soát dịch trong tháng 9 để kinh tế phục hồi vào quý IV
Báo cáo mới công bố của WB cũng chỉ ra một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,2% so với tháng trước và 7,4% so với cùng kỳ năm trước do các biện pháp giãn cách xã hội khiến việc sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo bị gián đoạn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 8 giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này sâu hơn mức giảm trong hai tuần cách ly toàn quốc vào tháng 4/2020, thể hiện thời gian áp dụng dài hơn và với mức độ nghiêm ngặt hơn của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại ở các thành phố lớn và nhiều tỉnh phía Nam. Trong sự suy giảm này, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất (59,6%), tiếp theo là các dịch vụ lưu trú và ăn uống (19,2%).
So với năm 2020, xuất khẩu hàng hóa giảm 5,7%, trong khi nhập khẩu tăng 21,1%. Hệ quả là nhập siêu tăng lên 3,5 tỷ USD trong tám tháng đầu năm 2021, so với xuất siêu 13,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, đồ gỗ và giày dép bị ảnh hưởng nặng nề nhất (giảm lần lượt 38% và 26% so với cùng kỳ năm trước).
Mặt khác, xuất khẩu điện thoại vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh thực tế là sản xuất điện thoại chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, nơi đợt bùng phát dịch lần thứ tư được kiểm soát thành công hơn. Xuất khẩu máy móc thiết bị chững lại, nhưng vẫn tăng trưởng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn đứng vững, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc và EU sụt giảm lần đầu kể từ tháng 3/2021
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,3% so với tháng trước. Các biện pháp hạn chế đi lại đã ảnh hưởng đến giao thông trong nước và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, dẫn đến giá lương thực, thực phẩm tăng 1,2%, qua đó tạo áp lực lên giá cả nói chung. Cùng lúc đó, giá năng lượng và kim loại thế giới chững lại, giảm nhẹ áp lực lên chi phí vật liệu xây dựng và nhà ở trong nước. Giá cả các mặt hàng ngoài lương thực, thực phẩm khác cũng ổn định do nhu cầu trong nước yếu đi đáng kể trong thời gian giãn cách. So với năm trước, CPI tăng 2,8%, tương đương mức tăng trong tháng 7 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0%.
Trong khi đó, dù tỷ giá trung tâm tương đối ổn định, tỷ giá VND/USD bình quân tăng 0,7% so với tháng trước trên thị trường chính thức trong nước, cho thấy nguồn cung đồng đô-la Mỹ lớn hơn tương đối so với cầu.
Trong điều kiện diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dư nợ tín dụng cuối tháng 8 vẫn tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tốc độ tăng cuối tháng 7. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với thời gian trước đại dịch do các ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 đang diễn ra. Với tăng trưởng tín dụng theo xu hướng giảm nhẹ từ tháng 5/2021, lãi suất liên ngân hàng qua đêm bình quân tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng thứ ba, giảm 30 điểm cơ bản.
Thu ngân sách giảm, trong khi chi thường xuyên tăng mạnh trong tháng 8. Cân đối ngân sách trong tháng 8 ghi nhận bội chi 15,4 nghìn tỷ đồng. Sau khi tăng trong 6 tháng trước đó, tổng thu ngân sách tháng 8 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thể hiện tác động của chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cũng như các hoạt động kinh tế chững lại.
Trong khi đó, chi thường xuyên tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, do phải huy động nguồn lực để chống chọi với dịch Covid-18 và mua vắc-xin. Các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, đặc biệt là ở Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cản trở việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, vốn đã bị chậm trễ từ đầu năm. Hệ quả là giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng chi ngân sách thấp hơn 10,5% so với một năm trước đó.
Mặc dù ghi nhận bội chi ngân sách trong tháng 8, nhưng cân đối ngân sách trong 8 tháng đầu năm vẫn bội thu (86,1 nghìn tỷ đồng), vì 7 tháng đầu năm 2021 ghi nhận thu ngân sách ở mức cao trong khi chi tiêu chững lại.
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách tăng 13,9% và tổng chi ngân sách giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2020. Chính phủ vay 36,2 nghìn tỷ đồng trên thị trường trong nước (bao gồm khoản vay 6,5 nghìn tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội), nâng tổng vay nợ lên 210,3 nghìn tỷ đồng tính từ đầu năm đến nay, tương đương 60% kế hoạch cả năm. Thanh khoản dồi dào tiếp tục làm chi phí vay nợ giảm, trong đó lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp giảm xuống mức kỷ lục 2,05% vào cuối tháng 8.
Theo World Bank, trong thời gian tới, kết quả tổng thể của nền kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch đang diễn ra trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể quay lại trong quý IV.
World Bank nhận định, đẩy nhanh tiêm vắc-xin để bao phủ ít nhất 70% dân số trưởng thành là ưu tiên đặt ra hàng đầu. World Bank cũng cho rằng Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân.
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa.