Giữ gìn bản sắc vùng cao
Ở Nguyên Bình, người dân thường nhắc tới anh Hoàng Mạnh Ngọc, quê ở Nam Ðịnh nhưng từ lâu đã gắn bó với núi rừng bằng tình cảm ấm nồng và những việc làm thiết thực. Phia Oắc - Phia Ðén trước đây chỉ là miền núi rừng hoang sơ, nghèo khó. Nhưng từ khi Khu sinh thái Kolia hình thành và phát triển đã mang lại đời sống vật chất, tinh thần phong phú cho nhân dân.
Ðưa chúng tôi đi tham quan, anh Ngọc chỉ về phía khoảng rừng đang vang lên những âm thanh rộn ràng, thì ra đó là đàn trâu đang thong dong gặm cỏ, cổ con nào cũng đeo mõ thiếc. Xa xa, những cô gái dân tộc Dao Tiền đang gùi chè về cũng để lại sau lưng tiếng rung reng của bạc trắng trên trang phục truyền thống. Vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ ấy đã cuốn hút anh Ngọc ngay từ buổi đầu đặt chân tới đây.
Ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, Phia Oắc - Phia Ðén quanh năm sương mù bao phủ, quần tụ chung quanh các chân núi là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, H’Mông, Dao... làm nên một quần thể văn hóa giàu bản sắc. Ðó là những yếu tố rất thích hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái. Miệt mài tham khảo các tài liệu liên quan đến nông nghiệp sạch, mời chuyên gia trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, khảo sát các điều kiện tự nhiên của huyện Nguyên Bình, năm 2011, anh Hoàng Mạnh Ngọc quyết định đầu tư trồng trà hữu cơ và bảo tồn bản sắc Cao Bằng tại đây. Có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, nhưng để phát triển, Khu sinh thái Kolia có khởi đầu nhiều khó khăn từ việc tìm nguồn nước để bảo đảm chăn nuôi, trồng trọt cho tới giao thông, cơ sở hạ tầng. Chỉ bằng sức người, lần lượt những con đường được mở để xe vào. Những sườn đồi hoang, cây bụi chằng chịt
được phát quang cỏ dại.
Cho đến bây giờ, vợ chồng anh Ngọc và chị Hoa vẫn giữ nguyên vẹn kỷ niệm của bao tháng ngày cùng bà con vỡ hoang gần 30 ha đất, dựng lều lán bằng bạt giữa nắng gió, sương mù để trồng những cây trà giống Kim Tuyên, Thanh Tâm của Phú Thọ xuống đất Nguyên Bình. Qua khởi đầu gian khó, khi những vạt đồi trồng cây trà dần xanh tốt cũng là lúc người dân huy động mọi nguồn lực, đưa máy nông nghiệp vào mở rộng quy mô. Ðến nay, Khu sinh thái Kolia đã đầu tư khá hoàn thiện với homestay, nhà sàn, đồi chè, hồ bơi, cánh đồng hoa, vùng dược liệu, rau sạch, khu chăn nuôi gia súc...
Sự vất vả, khó khăn còn nhân lên gấp bội khi doanh nhân sản xuất trà Hoàng Mạnh Ngọc lựa chọn ưu thế cạnh tranh là sản xuất và cung cấp cho thị trường sản phẩm trà hữu cơ. Anh Ngọc chia sẻ, để có sản phẩm trà cung cấp ra thị trường phải khắt khe từ khâu chọn đất, bảo vệ cây trồng, toàn bộ sử dụng sản phẩm hữu cơ, tuân thủ theo quy trình khắt khe, dài ngày. Phấn khởi là sản phẩm trà Kolia được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế cấp chứng nhận và đã đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Hiện nay, sản phẩm trà của đơn vị vừa xuất khẩu, vừa có mặt tại thị trường trà cao cấp trong nước. Quyết định sản xuất trà sạch đem lại hiệu quả kinh tế và lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Nguyên Bình. Chỉ tính riêng năm 2019, trong gần 40.000 lượt khách tham quan của huyện, Kolia chiếm tới hơn 10.000 lượt khách. Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách tuy giảm so với năm 2019, nhưng vẫn khá đông nhờ khách trong tỉnh, trong nước thường xuyên đến Kolia.
Khu sinh thái Kolia hiện đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 lao động hợp đồng, hơn 100 lao động thời vụ và liên kết trồng trà hữu cơ với hơn 300 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng ngày đồng bào dân tộc thiểu số lao động sản xuất tại đồi chè, ruộng vườn, trồng cây dược liệu; tham gia đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch. Chi phí trả cho mỗi lao động không dưới 5 triệu đồng mỗi tháng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lý Thị Duyên, người dân tộc Dao Tiền cho biết, mình là lao động hợp đồng tại khu sinh thái với mức thu nhập ổn định. Ngoài trồng trọt theo mùa vụ, chị còn tham gia hướng dẫn khách du lịch và biểu diễn văn nghệ với những điệu múa, bài hát dân ca của dân tộc mình; đời sống vật chất và tinh thần được bảo đảm. Ðồng bào người Dao chiếm tỷ lệ khá cao tại địa phương nên việc giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống được chú trọng. Nhiều tua du lịch từ Kolia tỏa đến các bản làng để du khách trải nghiệm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lao động sản xuất của người dân. Ðiển hình như xóm Hoài Khao, cách Khu sinh thái Kolia khoảng 5 km, nơi đồng bào Dao Tiền sinh sống vẫn còn giữ nguyên vẹn được những nếp nhà truyền thống, tục nuôi ong, thờ ong không khai thác mật mà chờ mùa đông ong rời tổ, người dân mới thu hoạch sáp ong về làm hoa dệt lên trang phục. Sắp tới, các doanh nghiệp đơn lẻ như Kolia dự định kết hợp với chính quyền, các đơn vị văn hóa phục dựng lại 12 khu nhà đặc trưng cho 12 nhánh của dân tộc Dao; vận động bà con tới sinh sống, làm việc và phục dựng bảo tàng sống động về văn hóa, lao động sản xuất của người Dao. Mô hình này góp phần bảo tồn bản sắc qua lễ cấp sắc, tục vẽ tranh thờ, các làn điệu dân ca và nhạc cụ, nghệ thuật chạm bạc, thêu nhuộm...; đồng thời tạo thu nhập cho đồng bào.
Tự tin hội nhập
Chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa nhưng Nguyên Bình cũng cởi mở tiếp thu các giá trị mới nhằm phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Chẳng hạn, để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, nhiều điểm check-in mới đã được hình thành, như: thung lũng hoa tam giác mạch, bức tường toàn hoa hồng cổ, "bậc thang lên thiên đường", "hồ bơi vô cực", ẩm thực bốn mùa, khu nhà xông hơi trị liệu, lầu thưởng trà, giao lưu với các đội văn nghệ thôn bản...
Khi cây chè đã cho sản phẩm cơ bản, chủ yếu được chế biến bằng phương pháp thủ công, anh Hoàng Mạnh Ngọc quyết định sang các tỉnh lân cận và nước ngoài để học tập kinh nghiệm, mua sắm thiết bị, máy móc nhằm phát triển hệ thống nhà xưởng với quy trình tự động hóa cao, chất lượng bảo đảm. Nhờ đó, sản lượng chè từ Kolia tăng mạnh từng năm, đa dạng về chủng loại, như: trà xanh thơm, trà ô long, thanh trà, bạch trà, hồng trà... Ðến nay, thương hiệu đã vươn xa đến nhiều tỉnh, thành phố và một số nước trong khu vực. Sản lượng trà hữu cơ đạt hơn 10 tấn búp trà khô, thu nhập đạt hơn 5 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2017, Kolia tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phia Ðén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng". Những khu nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt và phun sương được áp dụng để canh tác một số loại rau, hoa ôn đới an toàn, chất lượng cao như bắp cải, đậu Hà Lan, súp lơ… an toàn theo tiêu chuẩn, quy mô đạt hơn 10 ha mỗi vụ.
Chưa dừng lại ở đó, những người dân Nguyên Bình đang đẩy mạnh triển khai trồng nhiều loại dược liệu quý trong đó có các loại sâm. Các nhà khoa học được mời lên để nghiên cứu thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh của Kon Tum, Gia Lai về Nguyên Bình. Kết quả cho thấy, điều kiện độ mùn, chất đất, khí hậu ở đây phù hợp. Bên cạnh đó, người dân còn nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Các nhà nghiên cứu cho biết, ở Việt Nam, mô hình này đã có nhưng hầu hết đều ở môi trường trong nhà; còn hiện tại, địa phương nơi đây đang áp dụng nuôi trồng tự nhiên, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Nông Quốc Hùng chia sẻ, Khu du lịch sinh thái và trồng trà hữu cơ Kolia đã góp phần quảng bá, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện Nguyên Bình. Bên cạnh đó, địa phương tập trung đầu tư, phát huy giá trị bản du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Dao Tiền; tạo ra các điểm nhấn, từng bước phát huy đưa tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện Nguyên Bình trở thành thực tiễn giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, làm giàu.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai mô hình nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái, anh Hoàng Mạnh Ngọc cho biết, bí quyết đầu tiên là sự chân thành, gắn bó, "cầm tay chỉ việc" và tâm huyết tạo ra thay đổi của bà con để sản xuất ra sản phẩm trà đáp ứng nhu cầu khách hàng khó tính; kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái thu hút du khách. Kolia tiếp tục hướng tới mục tiêu tạo vùng sản xuất trà cung cấp rộng rãi cho thị trường trong nước và nước ngoài, phát triển du lịch bền vững kết hợp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương.