Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, tận tâm, chuyên nghiệp, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong tình hình mới

Trên chặng đường vẻ vang của cách mạng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà nước, ngành ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành và phát triển, góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.

Kế thừa và phát huy tinh hoa ngoại giao truyền thống, các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sự tận tâm, chuyên nghiệp của bản thân và tinh thần đoàn kết của tập thể, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Bộ Ngoại giao dự Đại hội XIII. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đội ngũ cán bộ ngoại giao từng bước phát triển và trưởng thành

Kể từ khi thành lập ngày 28/8/1945, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi “cán bộ là cái gốc của công việc”, Bộ Ngoại giao luôn coi trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ. Từ đội ngũ ban đầu với hơn 20 cán bộ và 3 cơ quan đại diện ở nước ngoài, hiện nay Bộ Ngoại giao có hơn 2.200 cán bộ làm việc tại các đơn vị trong nước và khoảng 1.100 cán bộ nhân viên công tác tại 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp và kinh nghiệm quý báu qua các thế hệ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao, được đào tạo chuyên môn cơ bản, có trình độ ngoại ngữ tốt, nhiều lần được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cách mạng, ngành ngoại giao luôn có những cán bộ xuất sắc, những con người đã trở thành tấm gương về lòng yêu nước, về tinh thần tự học hỏi, về bản lĩnh chính trị, về phong cách và nghệ thuật ngoại giao.

Trong thời gian gần đây, nhiều nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam đã khẳng định năng lực, bản lĩnh khi công tác và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng trong môi trường quốc tế, như Tổng thư ký ASEAN, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc…

Tập thể cán bộ ngoại giao, với trên 70% là đảng viên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đoàn kết gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng và lợi ích quốc gia-dân tộc, có lòng tự hào về ngành, có nhiệt huyết, gắn bó và yêu nghề.

Khai mạc Hội thảo khoa học về đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo khoa học 'Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, tháng 6/2021. (Ảnh: Tuấn Anh)

Yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đất nước đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, bên cạnh khẳng định vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Trong đó, tính “toàn diện” thể hiện trên các chủ thể, địa bàn, cả song phương và đa phương, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân qua các kênh triển khai đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Tính “hiện đại” được thể hiện ở tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quy trình làm việc và cơ chế vận hành thông suốt, khoa học, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ, hiệu suất cao, và đặc biệt là đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp, tận tâm, đoàn kết, đạt trình độ khu vực và vươn tầm quốc tế.

Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trong tình hình mới

Trước đòi hỏi của tình hình nhiệm vụ, bám sát chủ trương “Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình” được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trong thời gian tới cần tập trung vào một số phương hướng, nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, không ngừng nâng cao bản lĩnh, phẩm chất của cán bộ ngoại giao. Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân”.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục coi trọng hơn nữa công tác đào tạo, rèn luyện cán bộ ngoại giao, trước hết là về bản lĩnh chính trị. Đội ngũ cán bộ ngoại giao phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của quốc gia- dân tộc; thực hiện nghiêm chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy định của ngành; giữ vững kỷ cương, nền nếp, kỷ luật, tác phong chuyên nghiệp, chuẩn mực; đủ bản lĩnh hoạt động độc lập trong môi trường quốc tế, vững vàng, tỉnh táo trước mọi tác động của các thế lực thù địch.

Tất cả cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong và ngoài nước cần nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giáo dục tư tưởng, lịch sử, truyền thống cho cán bộ ngoại giao, tạo mọi điều kiện cần thiết để bồi dưỡng và vun đắp tình yêu nghề, khơi dậy lý tưởng và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ trẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, tận tâm, chuyên nghiệp, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong tình hình mới
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Do phải thường xuyên cạnh tranh, cọ xát với giới tinh hoa các nước khi làm việc trong môi trường quốc tế, cán bộ ngoại giao của chúng ta cần phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác; cần trang bị đầy đủ những kiến thức về hệ thống chính trị, pháp luật quốc tế, nắm vững xu thế lớn của thế giới và khu vực, chiều hướng hợp tác-đấu tranh giữa các quốc gia, hiểu rõ bản chất-lợi ích, thế mạnh-điểm yếu, điểm tương đồng và khác biệt của các đối tác chủ chốt trong quan hệ với Việt Nam.

Đây chính là cơ sở vững chắc giúp các cán bộ tự tin, tích cực, chủ động triển khai các hoạt động đàm phán, thỏa thuận hợp tác quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực mới; góp phần ứng phó hiệu quả và biến những thách thức thành cơ hội trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trong thời gian tới cần tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới chuyên gia, cán bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực, đối tác quan trọng, song song với phát triển đội ngũ đa năng, giỏi một việc-thạo nhiều việc.

Bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ cũng phải tinh thông ngoại ngữ, làm chủ phương tiện kỹ thuật số, mạng máy tính để vừa có khả năng làm việc, tác chiến độc lập, vừa đủ năng lực tổ chức làm việc nhóm; chủ động, sáng tạo, đủ khả năng, uy tín tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả tại các tổ chức khu vực, quốc tế và các cơ chế đa phương; tham gia dẫn dắt trên một số lĩnh vực mà Bộ có thế mạnh nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trong thời gian tới cần tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng mạng lưới chuyên gia, cán bộ chuyên sâu về một số lĩnh vực, đối tác quan trọng, song song với phát triển đội ngũ đa năng, giỏi một việc-thạo nhiều việc.

Thứ ba, không ngừng xây dựng, phát triển và hoàn thiện đội ngũ theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Bản sắc văn hóa và hệ giá trị của cán bộ ngoại giao cần được xây dựng hoàn thiện trên cơ sở phát huy truyền thống tốt đẹp của nền ngoại giao Hồ Chí Minh, kết hợp với những yếu tố tiến bộ của thế giới trong kỷ nguyên số.

Văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của vốn hiểu biết sâu rộng cùng tài trí, nghị lực, bản lĩnh phi thường với phong thái giản dị, gần gũi, cởi mở, thẳng thắn và phong cách lịch thiệp, tế nhị, chu đáo. Nghệ thuật ứng xử ngoại giao của Bác là sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc với sự am tường phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới.

Cán bộ ngoại giao cần tìm hiểu, học tập và phát huy nét độc đáo trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình mới, góp phần xây dựng bản sắc của ngoại giao Việt Nam.

Theo đó, đội ngũ cán bộ ngoại giao phải xây dựng cho mình nền tảng vững chắc về văn hóa dân tộc, khai thác tốt nhất nhân tố thời đại phục vụ cho lợi ích quốc gia dân tộc, biến ngoại lực thành nội lực, nâng cao giá trị văn hóa dân tộc và chia sẻ các giá trị của văn hóa Việt Nam với thế giới.

Đồng thời, cán bộ ngoại giao cần tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành như đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, tận tâm, kiên định, tự tin, linh hoạt, giàu nhiệt huyết với công việc và tự hào về truyền thống của ngành, phấn đấu để xứng đáng là đại diện của đất nước trong giao lưu thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Trên tinh thần đó, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nỗ lực đoàn kết, chung sức đồng lòng, xây dựng đội ngũ vững mạnh, đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, chủ động, sáng tạo, nhạy bén, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.