Xây dựng nông thôn mói cần gắn liền với giá trị truyền thống

Nông thôn mới (NTM) đang nảy sinh nhiều vấn đề mới trong xã hội nông thôn. Trên phương diện văn hóa, quá trình xây dựng NTM đã hình thành nhiều giá trị văn hóa mới trong đời sống của người dân ở nông thôn ở nhiều cấp độ khác nhau. Càng ngày, các giá trị văn hóa mới này càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển ở nông thôn. Vậy nên, làm sao để phát huy các giá trị văn hóa mới này vào quá trình xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo sẽ là một vấn đề quan trọng cần phải được quan tâm.

 

Trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã chủ động tham mưu, ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nhìn chung, các văn bản được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đối với xây dựng NTM, để thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ VHTT&DL đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương trong triển khai thực hiệnCác địa phương trong cả nước đã kịp thời xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện tiêu chí số 6 và 16 trên địa bàn quản lý.

Công tác tuyên truyền được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú có chiều sâu từ trung ương đến địa phương. Ở cấp Trung ương, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đưa nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về cơ sở với chủ đề “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, qua đó phản ánh khách quan cuộc sống lao động sản xuất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt, công tác xã hội hóa, kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho việc phục vụ lưu động của thư viện đạt hiệu quả thiết thực.

Một vấn đề quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa mới vào xây dựng NTM chính là nhận thức về mối quan hệ giữa các yếu tố văn hóa mới và yếu tố văn hóa truyền thống. Nếu xem đây là những giá trị mang tính đối lập nhau thì sẽ rơi vào cực đoan và không tốt cho quá trình xây dựng và phát triển nông thôn. Bởi nếu quá xem trọng yếu tố truyền thống và bài trừ yếu tố mới hay ngược lại đều tác động tiêu cực đến cuộc sống. Các nền văn hóa đều trải qua các quá trình biến đổi và các giá trị văn hóa không phù hợp sẽ mất đi đồng thời các giá trị văn hóa mới hình thành và bồi đắp vào nền văn hóa đó. Nói cách khác, quá trình phát triển văn hóa là sự chọn lọc, thay thế giữa các yếu tố văn hóa cũ và mới. Xây dựng NTM cần nhận thức rõ về quy luật đó. Ở nông thôn Việt Nam, các giá trị văn hóa cũ là sản phẩm của xã hội khép kín, của các nhóm kín với sức liên kết chặt chẽ nhưng lại thiếu sự linh động. Các giá trị văn hóa mới lại được hình thành và phát triển trong quá trình hội nhập, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và thị trường hóa nên mang đặc trưng là linh động, cởi mở. Vậy nên, xây dựng NTM trong giai đoạn mới cần coi trọng nhiệm vụ kết hợp hài hòa giữa các giá trị văn hóa truyền thống với các yếu tố văn hóa mới sao cho hợp lý nhằm tạo nên một bức tranh nông thôn vừa có nền tảng vững chắc của văn hóa truyền thống, vừa có sự cởi mở, linh động của nông thôn hiện đại để hội nhập và phát triển. Để làm được điều đó thì cần phải có quan điểm cởi mở, tạo ra một môi trường năng động để các yếu tố văn hóa liên tục được bổ sung, điều chỉnh, cạnh tranh và thay thế. Đây chính là cơ chế để nền văn hóa tự vận động, tiếp nhận và chọn lọc các giá trị văn hóa hợp lý trong quá trình phát triển.

Phát huy các giá trị văn hóa mới vào xây dựng nông thôn mới là quá trình làm cho các giá trị văn hóa này lan tỏa trong cuộc sống ở nông thôn. Các giá trị văn hóa cá nhân khi được coi trọng đúng mức sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân vươn lên sáng tạo hơn, trách nhiệm hơn và làm việc hiệu quả hơn bởi khi đó con người riêng tư, cá nhân được cởi trói. Giá trị nhóm mới cũng vậy, khi được tạo điều kiện thuận lợi sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển nông thôn. Sự liên kết nhóm nhìn thì lỏng lẻo nhưng sức sống vẫn rất mạnh mẽ. Nó sẽ là nguồn lực mới cho việc định hình các giá trị cộng đồng trong giai đoạn tới. Còn với các thiết chế mới thì dễ dàng nhận thấy hơn bởi càng ngày, vai trò của các doanh nghiệp, công ty, câu lạc bộ hay hợp tác xã kiểu mới càng quan trọng đối với sự phát triển. Tôn trọng các giá trị văn hóa do các thiết chế này tạo ra cũng là một sự thu hút các nguồn lực quan trọng cho phát triển nông thôn. Như vậy, phát triển nông thôn trong giai đoạn mới cần nhận thức rõ và phát huy được các giá trị văn hóa mới đang ngày càng có vai trò quan trọng ở nông thôn.

TTHTQT