Xe lôi miền Tây Nam bộ

Trên các ngả đường của miền Tây Nam Bộ, từ những đại lộ đến những con hẻm nhỏ, thường xuyên có những chiếc xe lôi xuôi ngược, như những con thoi đu đưa trên đường phố. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hoá, sinh hoạt của người dân ở đây.

xe-loi-1630861827.jpg 

 “Miền Tây, miền Tây, ơi miền Tây chân chất

Xe lôi chòng chành mà thẳng tắp niềm vui...”

Hình ảnh xe lôi, biểu tượng của lục tỉnh Nam kỳ xưa, nay chỉ còn lại ở Châu Đốc nằm bên bờ sông Hậu. Cùng với thời gian, xe lôi miền Tây Nam bộ biến mất ở Cần Thơ, Hậu Giang, Long Xuyên... vốn xưa kia đi vào văn chương, nhạc, họa với hình ảnh thân thương bình dị, đại diện cho tầng lớp lao động bình dân đậm đặc sắc màu “miền Tây”.

Trên các ngả đường của miền Tây Nam Bộ, từ những đại lộ đến những con hẻm nhỏ, thường xuyên có những chiếc xe lôi xuôi ngược, như những con thoi đu đưa trên đường phố. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hoá, sinh hoạt của người dân ở đây.

Có nhiều ý kiến cho rằng, xe lôi ngày nay có lịch sử thoát thai từ chiếc xe kéo của thời Pháp thuộc. Cơ cấu chiếc xe gồm: thùng xe có mui che và băng ngồi phía sau, đặt trên hai bánh xe lớn và cặp gọng gỗ dài nhô ra phía trước, người phu xe còng lưng kéo xe. Ban đầu, loại xe kéo này chỉ phục vụ cho các quan Tây hoặc giới quan lại vương giả người Việt; dần dần xe kéo được xã hội hoá, nên đã trở thành phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ rộng rãi cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo dòng thời gian, chiếc xe kéo đã được cải biên: cắt bỏ hai gọng gỗ, thay vào đó là một tấm ván gọt đẽo thành hình mũi tàu nhô lên ở giữa với một vòng sắt tròn ở chóp nhọn, dùng để móc thanh sắt đinh ốc, hoặc hàn chặt vào sườn xe, và đã trở thành chiếc xe lôi như ngày nay.

Vào trước năm 1975, chiếc xe lôi có cục gù nhô lên ở giữa, vì lúc đó mỗi xe chỉ được phép chở 4 ngườ khách: hai người ngồi ở băng trước và 2 người ngồi ở băng sau, quay mặt đối diện lại với nhau. Mui xe chỉ che mát cho người ngồi ở băng sau, còn người ngồi ở băng trước thì phải chịu hứng nắng mưa. Do vậy, băng sau thường dành cho những người già hoặc phụ nữ còn băng trước là nam giới thanh niên...

Ðến sau năm 1975, theo nhu cầu của cuộc sống, cái mũi tàu kia không còn nhô lên như trước, mà nó phẳng lì và bầu tròn ở hai góc ngoài, để có thể chở được khoảng 5,6 người. Tấm ván gỗ cũng được thay thế bằng tấm nhôm cho sạch đẹp và sáng sủa.

Vào thời kỳ đầu, xe lôi được kéo bằng xe đạp không có mui. Ðến thập niên 1940-1960 đã xuất hiện xe lôi máy Mobylette của Pháp, xe gắn máy động cơ Sachs của Ðức, lắp vào các loại sườn như Gobel, Bosch, Mamut... và sau đó là các loại xe của Nhật như Honda, Suzuki, Yamaha... là đầu xe kéo được ưa chuộng, trong số đó thì loại Honda 67 được xem là mạnh và bền, được giới xe lôi sử dụng rộng rãi. (Về sau, lượng xe lôi máy tăng nhanh chóng, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông nên nhà nước ra chủ trương cấm lưu thông, khiến cánh xe lôi buồn vời vợi. Ngày nay, giữa chốn đô thị ồn ào náo nhiệt, có mấy ai còn nhớ đến phương tiện thô sơ thuở nào).

Bên cạnh xe lôi còn xuất hiện nhiều loại phương tiện vận chuyển công cộng khác như: xe buýt, taxi, Daihatsu, Honda "ôm", xe đạp "ôm"... nhưng vẫn còn số đông hành khách thích đi xe lôi. Sự tiện ích của xe lôi là có thể chở khách đến tận cùng ngõ hẻm, kể cả hành lý, giá cước, lại vừa túi tiền với mọi người nhất là dân lao động mua gánh bán bưng. Ði xe lôi cũng là thú vui của một số đông thanh niên học sinh: họ thích đi cùng vài người bạn trên chiếc xe lôi, vừa ngắm cảnh, hóng mát, chuyện trò vui vẻ thoải mái vì không gian trên xe cũng vừa đủ ngồi, không ảnh hưởng mọi người xung quanh như trên xe đò, xe buýt.

Ở ĐBSCL, mỗi tỉnh có một dáng vẻ khác nhau về phương tiện xe lôi. Xe lôi ở Cần Thơ có dáng mô phỏng của chiếc xích lô với mui che xếp lại được, còn gọi là "xe vua". Xe lôi Sóc Trăng có dạng như xe thổ mộ của Sài Gòn, có hai khoang mui kín và chở được nhiều người hơn so với xe lôi ở Cần Thơ. Ðặc biệt, xe lôi Sóc Trăng rất tiện lợi đối với bạn hàng từ miệt vườn ra chợ buôn bán trái cây, rau quả... Nếu bạn có đến Phnôm Pênh thì bạn sẽ thấy xe lôi ở Nam Vang giống với xe lôi ở Sóc Trăng! Còn ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vẫn sử dụng xe xích lô như ở TP. HCM.

Thường thì xe lôi có bến đỗ chung với xe đò để rước khách và ở khắp các ngã tư trên đường đi, lúc nào hành khách cũng có thể dễ dàng vẫy tay là có xe lôi dừng lại ngay.

Hiện nay xe lôi máy đã bị cấm hẳn, xe lôi đạp chỉ còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là Châu Đốc bởi nơi đây vẫn còn là một phố thị bình dân. Riêng lễ hội Vía Bà mỗi năm đã kéo du khách từ khắp nơi đổ về, số lượng tương đương bằng số khách du lịch của cả miền Tây Nam bộ. Lúc đó không cậy nhờ xe lôi để di chuyển thì không biết đi lại ra sao. Đội quân xe lôi làm cho Châu Đốc bớt ồn ào tiếng động cơ, cũng làm cho phố có một cái vẻ thanh bình mà dân thành thị xô bồ vốn ao ước. Thành phố cũng nhỏ bé, đường phố kiểu cũ, vỉa hè cũng nhỏ. Xe lôi là phương tiện đi lại hợp lý nhất những lúc muốn xuôi ngược phố phường.

Ở qua một ngày ở Châu Đốc bỗng nhiên nhiễm thói quen của người bản xứ, cái gì cũng chầm chậm thôi, không ồn ào, không hấp tấp. Tháng 7 mưa dầm, nhưng trên đường phố Châu Đốc vẫn không vắng những chiếc xe lôi đầy khách ngược xuôi. Xe lôi Châu Đốc không có mui che nên trời mưa khách được phát một miếng che bằng nilon trông rất thi vị. Vào mùa vía Bà (tháng 4 âm lịch) và các rằm lớn, hàng chục nghìn du khách hành hương về Châu Đốc là mùa làm ăn của cánh xe lôi.

Dù đắt khách, họ không tăng giá mà bản thân còn cố gắng phục vụ tốt hơn ngày thường. Đạp xe lôi là nghề của cơ bắp, không cần học vấn, vốn liếng nhưng giữa cuộc mưu sinh cơ cực các bác tài sống với nhau rất tình cảm. Mỗi khi vắng khách, dân bến xe lại có dịp hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, chia sẻ bao nỗi lo toan trong cuộc sống…

Nếu có dịp nhìn cảnh biết bao nhiêu chiếc xe lôi xếp hàng tại bến "chờ tài", bạn sẽ không khỏi xót xa và thầm khâm phục lòng nhẫn nại của họ! Giờ giấc chạy của xe lôi xem như "có mặt 24/24" để đón khách. Khách du lịch nước ngoài cũng rất thích sử dụng phương tiện này để tham quan thực tế.

Phố thị lặng yên dưới tiếng bánh xe nghiến trên đường đều đều, đó là lúc những tia nắng cuối ngày hắt xuống mặt nước đỏ, gió nhẹ và cảnh sắc êm đềm, làm mềm cả những cảm xúc. Ai đó, chàng trai miền Tây mải miết bỏ xe lôi, ngóng sang phía Châu Giang, nơi những làng Chăm đang vọng tiếng chuông Thánh đường. Phải về Châu Đốc để sống chậm. Đó là lý do mỗi lần tới nơi này một cuốc xe lôi ra bờ sông vào lúc hoàng hôn đều thấy chiều xuống thật chậm, một ngày trôi đi cũng thật chậm.

Quả thật, không thể phủ nhận, chiếc xe lôi vẫn luôn là hình ảnh quen thuộc của người dân đồng bằng Nam Bộ. Hình ảnh đó đã trở thành một nét văn hoá rất độc đáo, ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách khi ghé bước đến nơi này.

 

Theo Chuyện quê