Xin một vé về tuổi thơ

Gần đây câu này trở nên thân thuộc với tất cả chúng ta khi nhớ lại, nhìn thấy hình ảnh tuổi thơ của mình nhất là những người sinh sống ở vùng nông thôn.

mot-ve-ve-tuoi-tho-1643157256.jpgẢnh minh họa

 

Một  thời cực khổ, thiếu thốn nhưng đầy ý nghĩa. Ai cũng thổn thức, luyến tiếc và ray rứt... về cái thuở dại khờ đó. Những lúc trà dư tửu hậu nhắc lại hào hứng xuýt xoa hay những lúc soi gương, vuốt tóc thở dài chép miệng bâng quơ: xin một vé về với tuổi thơ. Tuổi thơ gắn liền với hình ảnh ba mẹ, anh em, bạn bè, lối xóm, mái trường thân thương, quê hương yêu dấu một thời...

Nhà thơ Giang Nam cảm tác :

"Ai bảo chăn trâu là khổ ?"

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được...

chưa đánh roi nào đã khóc...

Nhà thơ Đỗ Trung Quân với:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày...

Một số nhà văn viết về đề tài thiếu nhi gây cảm xúc mạnh và lan tỏa như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Nhật Ánh... với những tác phẩm đi vào lòng người, người lớn đọc cũng thấy mình trong đó và da diết nhớ tuổi thơ.

Tuổi thơ tôi ngày một buổi đến trường, một buổi chăn bò trên những cồn bãi, cánh đồng thơ mộng. Có những trưa hè không ngủ, phá làng phá xóm bị đòn roi của cha mẹ là chuyện thường. Những lúc ham chơi để trâu bò ăn lúa, hoa màu bị hàng xóm bắt đền, sợ đến muốn đứng tim. Những trò chơi dân gian mộc mạc ngày ấy còn in đậm mãi khó phai mờ mà bây giờ đã mai một hết: trốn tìm, bắn bi, đá cá, bắn chim, đánh tổng, cù quay, thả diều, nhảy ngựa, nhảy dây, đá banh gói...

Hình ảnh những chú bé cởi trần quần đùi, cô bé quần bà ba trốn trong đụn rơm, bụi chuối, bờ tre...ê a tiếng hô năm mười, mười lăm, hai mươi... tiếng cười rúc rích hay cãi nhau chí chóe, từng đàn con nít tắm mương trần truồng... như còn vương mãi đâu đây. Những đêm trăng sáng vằng vặc  đi chơi xóm trên xóm dưới, mê hoặc một thời.

Trẻ con bây giờ dù ở thôn quê vẫn khác xưa khi cuộc sống đầy đủ hơn. Chúng cũng học hành áp lực, ít thời gian rảnh và có những thú vui tân thời hơn. Cuộc sống đã qua thời đói khổ nên chúng ít lam lũ thiếu thốn cái ăn cái mặc. Chúng say mê với game shown trên truyền hình, trò chơi điện tử trên điện thoại, đọc truyện tranh hầu hết của nước ngoài... cũng là dễ hiểu. Đô thị hóa khắp nơi, có thể nói văn minh 4.0 soi rọi đến mọi miền thì những giá trị văn hóa dân gian bị ảnh hưởng là tất yếu. Chúng ta không thể hoài vọng vào thế hệ trẻ hôm nay phải như xưa, cực khổ và thiếu thốn để phải chơi những trò chơi dân gian không tốn tiền. Thực tế không thể phủ nhận những trò chơi hiện đại hấp dẫn và gây nghiện hơn nhiều. Ngay cả chúng ta còn mê face book huống chi trẻ thơ.

Đừng vì hoài cảm mà phàn nàn tiến bộ kỹ thuật của nhân loại. Nhờ những tiến bộ này thì chúng ta mới có những siêu trí tuệ Việt Nam, mới có những quán quân đường lên đỉnh Olympia, những chuyên viên IT theo kịp tiến bộ của thế giới. Chúng ta nao lòng về những trò chơi tuổi thơ bị mai một nhưng đừng buồn làm gì vì xã hội thời nay khác xa rồi. Chúng chỉ còn là hoài niệm đẹp về một thời đất nước khó khăn thôi. Nhiều nhà phê bình hơi cực đoan cho rằng một thế hệ tuổi thơ bị đánh mất khi đánh giá về tuổi trẻ hôm nay. Nếu chúng như chúng ta là đi ngược lại nền văn minh nhân loại à ? Cách tốt nhất là nhiệm vụ của giáo dục phải ưu việt để hướng học sinh đến sự phát triển nhân văn, tiến bộ và thiết thực hơn. Muốn trẻ đọc sách nhiều thì phải có nhiều nhà văn viết sách cho thiếu nhi phong phú hấp dẫn hơn... hạn chế trẻ mê muội vào những trò chơi vô bổ, mất thời gian chứ không thể phê phán công nghệ tân thời được.

Thực ra chúng ta xin một vé về tuổi thơ mà khôn quá, với đầu óc của người trưởng thành hóa thân vào tuổi thiếu nhi. Thực tế lúc đó cực khổ quá, thiếu thốn trăm bề, không chơi các trò chơi dân gian thì chơi cái gì, ai cũng muốn thoát khỏi mà. Nếu xin về mà đầu óc ngây ngô như ngày xưa chắc chẳng ai muốn về lại đâu. Ước chỉ là ước cho có thôi, để cảm hứng nên thơ nên nhạc . Nói thế để cho khuây khỏa nỗi lòng khi quỹ thời gian còn lại ngày càng ngắn đi.

Thôi thì người già mà, hay đau đáu kỉ niệm và trách hờn cũng là điều dễ hiểu.

Theo Chuyện Làng Quê