Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật

Xin gửi tới bạn đọc bài viết: Hội thảo khoa học “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận về những vấn đề lý luận, thực trạng và hệ thống giải pháp, khuyến nghị xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 19/12, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nhà báo…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, trong thời gian qua, thông qua việc thông tin sai lệch, mập mờ, phiếm diện, các thế lực phản động và các phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng các trang mạng xã hội để bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, công khai bày tỏ quan điểm đối lập, khơi gợi hận thù chế độ, khai thác tâm lý bức xúc của người dân… Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, xuất hiện một số tác phẩm có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm những mặt trái của đời sống xã hội mà không cảm nhận được đầy đủ bản chất, chiều sâu, tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước. Đó chính là biểu hiện của sự phản ánh sai lệch bản chất đời sống xã hội, đi ngược lại chính sách phát triển văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về việc bảo vệ nền tảng lý luận, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái và xử lý những thông tin xuyên tạc.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: VH)

Theo PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Hội thảo “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật” nằm trong chương trình thực hiện đề tài cấp Bộ về “Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học nghệ thuật” của Viện Báo chí. Hội thảo nhằm góp phần làm rõ lý thuyết và tình hình thực tiễn vấn đề nghiên cứu, thực trạng, vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào 4 mục tiêu: Hệ thống hóa, xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin Việt Nam hiện nay; Nhận diện, phân tích thực trạng chủ thể, nội dung, phương thức và hình thức xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin Việt Nam hiện nay; Chỉ rõ những vấn đề đặt ra, đề xuất hệ thống giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất quy trình và khuyến nghị khoa học để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, cùng với những nỗ lực và thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước, công tác lãnh đạo đảm bảo an ninh quốc gia trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng đạt được những kết quả quan trọng. Trong thời gian tới, cần tăng cường tính chiến đấu của mảng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, nhất là các cơ quan chỉ đạo quản lý và các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật chủ lực; Coi trọng việc đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm với thông tin, quan điểm sai trái, phản động ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, báo chí, xuất bản mà các thế lực thù địch, cơ hội phát tán trên mạng internet và các phương tiện, loại hình truyền thông hiện đại.

Với kinh nghiệm thực tiễn, Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải, Báo Quân đội Nhân dân nêu rõ giải pháp phát tán, truyền tải thông tin sai lệch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật là tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, từ đó khuyến khích họ sáng tác các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nhận thức rõ sự nguy hại của các tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung sai lệch, xuyên tạc, phản động, đề ra biện pháp kịp thời, sát thực, khả thi nhằm ngăn chặn hữu hiệu sản phẩm văn học nghệ thuật xấu độc, góp phần giữ vững mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa tinh thần của xã hội.

VH