Đình làng xứ Thanh: Di sản văn hóa và câu chuyện bảo tồn (Bài 3): Buồn trông... đình cổ

Cùng niềm tự hào về hàng trăm di sản đình làng do người xưa để lại còn hiện hữu ở khắp các miền quê xứ Thanh, thì câu chuyện phát huy giá trị di sản, bảo tồn đình cổ cũng đang đứng trước nhiều thách thức khi mà nhiều di tích đang trong hiện trạng xuống cấp, đòi hỏi cần được trùng tu, tôn tạo. Và có hàng loạt nguyên do được nêu ra dẫn đến hiện trạng nỗi buồn... đình cổ.


Loay hoay... đình Thượng Phú

Lần thứ ba ghé thăm đình Thượng Phú, xã Hà Đông (Hà Trung - Thanh Hoá), vẫn là cảm xúc buồn xót xa. Ngôi đình nghiêng về phía trước nhiều hơn, cùng với đó là những hạng mục bên trong đang xuống cấp từng ngày. Gặp lại bác Trần Văn Nam, người làm công tác trông coi đình Thượng Phú gần 20 năm qua, bác cũng không giấu được những tiếng thở dài “lực bất tòng tâm” của mình trong câu chuyện với chúng tôi: "Đình xuống cấp nhiều quá, nhưng chẳng biết làm thế nào. Mỗi khi trời mưa to, nước lại ngập vào bên trong đình"!

Đình Thượng Phú có lịch sử ra đời cách đây khoảng 600 năm, bị xuống cấp và chưa được trùng tu.

Đình Thượng Phú được xem là một trong số ít di tích đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm hiển hiện bên trong các điêu khắc, hoa văn chạm trổ. Theo đó, kết cấu trong đình mang nét kiến trúc văn hóa cung đình với điêu khắc tứ linh (long, ly, quy, phượng). Cùng với đó là hình ảnh phản ánh sinh hoạt văn hóa dân gian (chọi gà, bắt cá dưới ao, muông thú quần thảo, bắt hổ, bắt lợn... chạm khắc vô cùng tinh xảo trên các xà, chếnh. Tất cả giống như một bức tranh sống động. Đình Thượng Phú cũng nổi bật với hệ thống cột gỗ quý giá (lim, sến) vô cùng chắc chắn.

Tương truyền, đình Thượng Phú có lịch sử ra đời cách đây khoảng 600 năm. Người dân địa phương tin rằng, chính những người thợ Chăm với tài năng về gốm, điêu khắc do tướng Trần Khát Chân thu nạp trong các cuộc chinh phạt dưới thời Hồ đã tận tâm thực hiện nhiệm vụ kiến thiết nên di tích đình Thượng Phú, một trong những công trình thuộc vùng đất Đại Lại (Ly Cung nhà Hồ) xưa kia, ngày nay thuộc xã Hà Đông. Trải qua thời gian, đến thời Nguyễn, di tích được trùng tu song vẫn cơ bản giữ lại kiến trúc ban đầu (văn bia lưu lại đình năm 1882). Và nếu như vậy, đình Thượng Phú được xem là một trong những di tích đình làng có lịch sử ra đời từ rất sớm.

Tuy nhiên, trải qua thời gian hàng trăm năm, đầu những năm 2010, đình Thượng Phú có nhiều dấu hiệu xuống cấp như: Nền sụt lún, mái ngói hư hỏng, cấu kết rui mè mối mọt... Và năm 2015, di tích được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng cho việc trùng tu. Song, việc trùng tu không thể thực hiện. Ông Phạm Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết: Việc trùng tu di tích đình Thượng Phú được dự toán tổng kinh phí khoảng trên 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ 300 triệu, số còn lại giao cho địa phương và nguồn kêu gọi xã hội hóa. Điều này là quá sức với một xã như Hà Đông. Vì vậy, theo quy định, sau 2 năm không thể thực hiện, nguồn kinh phí 300 triệu đã được Nhà nước thu hồi để hỗ trợ cho di tích khác.

Đến nay, việc trùng tu di tích đình Thượng Phú vẫn chưa thể thực hiện. Nhưng không vì vậy mà đình ngừng xuống cấp. Đại diện lãnh đạo xã Hà Đông cũng cho biết thêm: Trước mắt, xã đang kêu gọi nguồn xã hội hóa để thực hiện chám, vá lại những cột kèo bị bong, mối mọt và đảo lại mái ngói bị hư hỏng. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế tạm thời, còn về lâu dài, địa phương vẫn chưa thể có giải pháp cụ thể.

Khi đình làng không còn là không gian sinh hoạt cộng đồng

Xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đến nay vẫn còn lưu giữ ba ngôi đình cổ ở 3 làng: đình Tiên Hòa; đình Thanh Xá và đình Bái Ân. Trong đó, đình Thanh Xá được xác định niên đại kiến trúc thời Lê, còn đình Tiên Hòa và Bái Ân khởi dựng thời Nguyễn. Các di tích đình làng ở Hà Lĩnh ngoài chức năng sinh hoạt cộng đồng thì đều là không gian tâm linh thờ Thành hoàng. Và mỗi làng lại thờ một vị Thành hoàng khác nhau.

Ở thời điểm hiện tại, đến thăm đình làng Tiên Hòa, chúng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng của một không gian văn hóa sinh hoạt cộng đồng làng xã. Là những bàn ghế xếp ngay ngắn, bảng biển ghi chép hương ước, quy ước của làng... tuy nhiên, cũng đã một thời gian rồi, ở nơi này dường như không diễn ra việc hội họp. Anh Hà Văn Tâm - Trưởng làng văn hóa Tiên Hòa, chia sẻ: "Thời gian trước, đình làng Tiên Hòa là nơi thờ Thành hoàng (hậu cung bên trong) và hội họp dân làng bên ngoài. Nhưng từ khi có nhà văn hóa thì việc hội họp được chuyển từ đình ra nhà văn hóa. Hiện nay, chỉ có những việc lớn của làng như cần xin ý kiến các dòng họ, người cao tuổi... thì mới ra đình để họp. Hay như ngày tết tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ, ngoài các ngày lễ lớn thì chủ yếu chỉ các cụ cao niên đến đình đánh cờ, đọc thơ, giao lưu".

Tôi chợt nhớ đến chia sẻ của một chuyên gia về kiến trúc gỗ: Sự đặc biệt của kiến trúc gỗ chính là yếu tố “hơi người”. Có nghĩa, khi con người thường xuyên ở trong đó thì sẽ tránh được sự ẩm mốc, mối mọt. Còn nếu đóng cửa và không thường xuyên quét dọn thì vô hình chung làm ảnh hưởng đến “tuổi thọ” của công trình.

Đình Tiên Hòa, xã Hà Lĩnh với nhiều hạng mục đang bị xuống cấp.

Đình Tiên Hòa là không gian tâm linh thờ Thành hoàng Cao Sơn. Tương truyền đây là vị thần có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết dân gian cũng cho rằng, thần Cao Sơn chính là thần núi Tản Viên, một trong “tứ bất tử” của đất nước ta. Và từ khởi dựng đình Tiên Hòa, nhân dân trong làng đã tôn thần Tản Viên, Cao Sơn Đại Vương là Thành hoàng, cầu mong sự bảo trợ cho đời sống nhân dân địa phương.

Năm 2012, đình Tiên Hòa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đình được dựng lên bởi hệ thống cột gỗ (lim, sến) quý giá. Nhưng do yếu tố thời gian kéo dài, đến nay, di tích cũng không tránh khỏi sự xuống cấp bởi mối mọt. Là những cột gỗ tưởng vững bền với thời gian nhưng đang trong hiện trạng bị mối xông, các khớp nối bị hư hỏng... Dù chưa đến mức nghiêm trọng nhưng nếu không được trùng tu kịp thời, việc di tích xuống cấp nhanh chóng có thể chỉ là câu chuyện của một ngày không xa.

“Sức ép” kinh phí lên câu chuyện trùng tu di tích đình làng

Hà Trung không phải địa phương duy nhất trên địa bàn cả tỉnh có di tích đình làng. Song có thể khẳng định chắc chắn đây là huyện có số lượng đình làng đã, đang và còn tồn tại nhiều nhất ở xứ Thanh. Trong quá khứ, người dân Tống Sơn (Hà Trung ngày nay) từng vô cùng tự hào bởi “đình huyện Tống”. Theo các nhà nghiên cứu, đình làng huyện Tống Sơn xưa kia nổi tiếng bởi quy mô và vẻ đẹp kiến trúc.

Đến thời điểm hiện tại, Hà Trung còn lưu giữ 63 di tích đình làng (đã xếp hạng và chưa xếp hạng) tập trung nhiều ở các xã Hà Vân, Hà Tiến, Hà Lĩnh... Tuy nhiên, theo đánh giá, có 40% số lượng đình làng trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu xuống cấp và khoảng 5 đình làng trong hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng, đứng trước nhiều nguy cơ xuống cấp. Tình trạng chung bắt gặp ở hầu hết các di tích đình làng bị xuống cấp là do ẩm thấp, cột gỗ mối xông, rui mè mộc mại, mái ngói xô lệch nắng chiếu, mưa dột...

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng VHTT huyện Hà Trung cho biết: Hà Trung là địa phương có số lượng di tích khá nhiều, trong đó loại hình di tích đình làng chiếm số lượng lớn. Đây là niềm tự hào nhưng thẳng thắn mà nói thì đó cũng là “sức ép” không chỉ với huyện mà cả bản thân các  đơn vị sở hữu di tích trong câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Được biết năm 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung đã ban hành nghị quyết về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ di sản vật thể và phi vật thể; tập trung trùng tu, tu sửa cấp thiết các di tích xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn ngân sách huyện và cũng bởi quy định Nhà nước nên đến nay, thực tế để huyện Hà Trung đầu tư ngân sách trực tiếp cho hoạt động trùng tu di tích là chưa có. Bằng việc kêu gọi nguồn xã hội hóa, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được khoảng 10 tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo di tích nói chung (đền, phủ, đình...). Và điều này, nếu so với nhu cầu thực tế là chưa nhiều.

Theo lãnh đạo Phòng VHTT huyện Hà Trung, việc trùng tu bảo tồn di tích đình làng liên quan đến khá nhiều yếu tố: Kiến trúc thẩm mĩ, điêu khắc, đặc trưng... trong đó, khó khăn nhất chính là nguồn kinh phí quá lớn. Những năm qua, dù ngân sách Nhà nước các cấp đã quan tâm, hỗ trợ kinh phí “kích cầu” cho các địa phương có di tích đình thực hiện trùng tu. Nhưng kinh phí thực tế cần đến khá nhiều, nếu địa phương không có “mạnh thường quân” hay làm không tốt công tác xã hội hóa thì rất khó khả thi. Với những di tích đình hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, tạm thời huyện đang chỉ đạo cho các xã có phương án gia cố, chống đỡ trong thời gian... chờ có kinh phí!

Cùng với lịch sử, di tích đình làng đã ra đời và tồn tại trải suốt hàng trăm năm qua. Vậy nhưng, mọi thứ đều sợ thời gian và di tích đình cổ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Phải làm thế nào để di sản văn hóa của tiền nhân tiếp tục được giữ gìn, bảo tồn... Đó phải chăng vẫn là câu hỏi rất khó khăn để tìm ra lời giải!