Thanh Hoá: Điện Càn Long - Để “sống dậy” một khu di tích

Nhắc đến dấu tích vương triều Hậu Lê trên vùng đất xứ Thanh, có rất nhiều di tích đã trở thành một phần lịch sử. Là núi rừng Lam Sơn, nơi khởi phát và diễn ra cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc vĩ đại, để rồi một Lam Kinh nguy nga bề thế được khởi dựng với chức năng của kinh đô tâm linh còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay, trở thành niềm tự hào và ngưỡng vọng của hậu thế đối với một vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử... Và trong số đó, còn có một điện Càn Long - nơi yên nghỉ của đấng...

Nhắc đến dấu tích vương triều Hậu Lê trên vùng đất xứ Thanh, có rất nhiều di tích đã trở thành một phần lịch sử. Là núi rừng Lam Sơn, nơi khởi phát và diễn ra cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc vĩ đại, để rồi một Lam Kinh nguy nga bề thế được khởi dựng với chức năng của kinh đô tâm linh còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay, trở thành niềm tự hào và ngưỡng vọng của hậu thế đối với một vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử... Và trong số đó, còn có một điện Càn Long - nơi yên nghỉ của đấng quân vương thời Lê Trung Hưng cũng mang trong mình những câu chuyện lịch sử.


Không ít người cảm thấy có phần lạ mà quen khi nghe đến cái tên điện Càn Long và sẽ nghĩ ngay chăng đến tên hiệu của một vị hoàng đế nhà Thanh ở phương Bắc. Nhưng không, đây là một quần thể khu di tích điện Càn Long đã từng được lập dựng từ gần 350 năm về trước, hiện hữu trên vùng đất Quả Nhuệ xưa, nay là xã Nam Giang (Thọ Xuân - Thanh Hoá).

Chuyện đức vua Lê Huyền Tông

Vương triều Hậu Lê do đức vua Lê Thái Tổ sáng lập và tiếp nối truyền ngôi cho con cháu sau thời gian thịnh trị cũng không tránh khỏi những dấu hiệu suy yếu. Đánh dấu bằng sự nghiệp Trung hưng nhà Lê do An Thanh Hầu Nguyễn Kim đóng vai trò quan trọng. Nhưng đáng tiếc, mọi việc đang thuận lợi thì ông bị kẻ ác mưu hại. Để rồi sau đó, “sứ mệnh” lịch sử được tiếp tục bởi người con rể Trịnh Kiểm. Và cũng từ đây, mở ra một thời kì vô cùng đặc biệt, có một không hai trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam: Vua Lê - Chúa Trịnh. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam: “Từ năm 1600 trở đi, trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt, đó là chế độ “cung Vua” - “phủ Chúa”. Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của triều đường và phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước. Triều đường (triều đình) vốn là nơi vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự. Tuy nhiên, dưới thời Trung Hưng thực quyền gần như nằm cả trong tay chúa Trịnh, nên khi cần bàn việc quốc sự công việc điều hành guồng máy cai trị, các quan thường sang bên phủ đường hội họp với chúa Trịnh và triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kì”. Từ việc không còn thực quyền, các vua Lê thời Trung Hưng chỉ tồn tại như một biểu tượng tinh thần của quốc gia. Chính vì sự “lép vế” này, dễ hiểu vì sao các tài liệu sử về vua Lê thời này được ghi lại không nhiều, phần nhiều chỉ là những dòng nhận xét ngắn gọn.

 

Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích điện Càn Long tại xã Nam Giang diễn ra vào tháng 1/2020.

Vua Lê Huyền Tông - vị vua thứ 18 của vương triều Hậu Lê, được các sử gia đương thời nhắc đến: “Vua tính trời nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ở ngôi trong nước yên trị, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy”. Vài dòng ngắn ngủi như vậy đủ để hậu thế nhớ đến một vị vua sáng.

Đáng tiếc, chỉ sau 9 năm ở ngôi và chưa đầy 20 tuổi, đức vua qua đời, khiến cho những ấp ủ và khát vọng nỗ lực trị quốc có phần dang dở. Vậy nhưng, nếu ngôi mộ hợp chất nói trên là của vua Lê Huyền Tông thì liệu có phải đã có điều gì khó hiểu xảy ra trong thời điểm ấy? Tại sao thi hài vua không an táng ở ngoài Thăng Long hay một vùng đất nào khác mà lại là vùng đất Quả Nhuệ xưa?...

Và vị Hoàng Thái hậu mẫu mực

Để giải đáp điều này, không thể không nhắc đến người mẹ sinh ra vua Lê Huyền Tông - Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu. Bà vốn là người gốc Quả Nhuệ, con gái của một gia đình có hai chị em gái. Theo một số tài liệu thì Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu vốn người tài sắc vẹn toàn, năm 19 tuổi vào cung sống cùng Hoàng đế Lê Thần Tông. Khi bà mới 27 tuổi thì nhà vua qua đời, con trai bà là Thái tử Lê Duy Vũ được triều thần tôn lên ngôi vua trị vì đất nước: “Nhờ sự nuôi dưỡng của Hoàng Thái hậu và công lao vun đắp phù trì của Hoàng Tổ Dương Vương (Trịnh Tạc) làm cho Huyền Tông Hoàng đế trở thành một vị vua hiền tài, quốc gia được bình yên, văn lễ đều chu toàn”. Và 30 tuổi, bà trở thành Hoàng Thái hậu. Điều đáng nói, dù ở ngôi tuyệt đỉnh vinh quang song Hoàng Thái hậu họ Phạm vẫn luôn quan tâm về quê nhà cùng việc thờ cúng tiên tổ.

Bởi vậy, khi con trai là vua Lê Huyền Tông qua đời khi tuổi còn quá trẻ (năm 1671), đó như một cú sốc tinh thần lớn đối với người làm mẹ, dù cho khi ấy, bà vẫn đang ở ngôi cao trọng vọng. Và với tài trí đồng thời thấu hiểu chuyện trong cung, Hoàng Thái hậu hẳn nhiên có những tính toán của riêng mình. Đó có thể không phải chuyện vun vén lấy phú quý giàu sang. Đơn giản là chuyện hậu sự yên nghỉ của chồng, con và của chính mình.

Bắt đầu từ việc Hoàng Thái hậu đưa thi hài con trai là vua Lê Huyền Tông về vùng đất quê ngoài của người: “Khi Huyền Tông Mục Hoàng đế băng hà, linh cữu được đưa về mai táng ở lăng Nhuệ Doanh, gọi là Quả Thịnh và cũng nhân đó mà xây dựng điện miếu để tôn thờ gọi là điện Càn Long. Nhà vua (Lê Gia Tông) ra sắc chỉ cho phép bản, xã (quê ngoại nhà vua) giữ chức Chấp thủ...Khi lăng và điện đã hoàn tất, năm tháng thờ phụng thật là linh thiêng. Đối với các vị tiên tổ bên họ ngoại cũng được quy về điện miếu để phối thờ. Việc thờ phụng như vậy Hoàng Thái hậu đã lo xa chu đáo từ trước”.

Và từ nhiều nguồn cứ liệu khác nhau, các nhà nghiên cứu phần đa đồng thuận với nhận định chính Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu với uy tín và tầm ảnh hưởng của của mình khi đó đã trực tiếp điều hành việc xây dựng điện Càn Long để thờ chồng (vua Lê Thần Tông) và con trai Lê Huyền Tông. Nhờ việc biết lo xa từ trước của vị Hoàng Thái hậu có vị thế mà mà điện Càn Long mới được triều đình nhà Lê chính thức cho lập ở vùng đất Quả Nhuệ để bà thờ chồng, con và gia tộc họ ngoại ở Kim Bảng (Nam Giang ngày nay). Khu miếu điện Càn Long xây quy mô và theo kiến trúc phổ biến triều Lê Trung Hưng lúc bấy giờ.

 

Bên cạnh một số di vật được tìm thấy thì Bia công đức Trường Lưu cũng chứa đựng nhiều tài liệu quý về khu di tích điện Càn Long xưa kia.

Đến giá trị của một khu di tích

Dẫu vậy, trải qua thời gian, đến nay khu di tích miếu điện Càn Long phần nhiều chỉ còn là phế tích với một số di vật và hiện vật: nền móng, gạch ngói, thềm bậc, chân tảng bằng đá cùng hai con chó đá ở vị trí cổng tam quan... và quan trọng nhất có lẽ là tấm bia hộp bằng đá bốn mặt độc đáo vẫn được gọi là bia Công Đức Trường Lưu. Nội dung văn bia mặt thứ nhất ghi tóm tắt về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu; mặt thứ hai ghi công đức trường lưu (công đức lưu mãi); mặt thứ ba liệt ghi các vị ngoại tổ và mặt thứ tư ghi rõ việc chế định chi phí, ngày tháng, nghi thức tế lễ đối với vua Lê Huyền Tông...

Bên cạnh đó, là tư liệu mà một học giả người Pháp Louis Bazacier khi đến vùng đất này đã ghi lại vô cùng chi tiết: “Ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tông gọi là Càn Long điện. Đền dựng tháng Chạp năm Chính Hòa thứ 7 (1688) trên một đám đất hơi cao. Trước cửa tam quan có hai con chó đá canh giữ... trong chính tẩm có xây ba cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tông, bên phải là tượng vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoan Thuần Hoàng Thái hậu sinh ra ở làng Quả Nhuệ...”. Qua đây, hậu thế có thể nào mường tượng rõ hơn về kiến trúc, quy mô của khu di tích điện Càn Long.

Từ việc xác định được đặc điểm kiến trúc cũng như giá trị tâm linh của khu di tích điện Càn Long. Vấn đề được nhắc đến tiếp theo chính là việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Đó đương nhiên không phải việc đơn giản song thực sự cần thiết. Và theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa: “Cần đặt khu di tích điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông trong mối quan hệ mật thiết với toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và các di sản lịch sử - văn hóa trong một khu vực rộng lớn của xã Quả Nhuệ xưa để xây dựng một quy hoạch bảo tồn  và tôn tạo toàn diện, lâu dài với kế hoạch triển khai từng bước một theo lộ trình nhiều giai đoạn”.