Cam, bơ, sữa… là những thực phẩm sẽ gây hại cho thận nếu bạn ăn quá nhiều.
1. Quả bơ
Mặc dù quả bơ rất phổ biến và được yêu thích vì giàu dinh dưỡng nhưng ăn quá nhiều loại quả này có thể gây nguy hiểm cho thận, đặc biệt nếu bạn đã bị bệnh thận. Lý do là vì quả bơ có hàm lượng kali rất cao.
Cơ thể chúng ta cần nhiều kali nhưng quá nhiều chất này trong máu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như chuột rút cơ bắp và nhịp tim không đều.
2. Thịt
Ăn quá nhiều thịt có thể gây ra các vấn đề về thận vì protein động vật có thể rất khó chuyển hóa, khiến việc loại bỏ các chất thải trở thành gánh nặng cho thận. Một chế độ ăn giàu protein động vật cũng có thể dẫn đến phát triển sỏi thận. Thịt có lượng purin cao kích thích sản xuất axit uric, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận.
Thay vào đó, bạn có thể ăn nhiều rau và các loại hạt hơn để có đủ cho cơ thể.
3. Muối
Một chế độ ăn uống lành mạnh nên bao gồm tối đa 2.300 mg natri mỗi ngày (khoảng một muỗng cà phê muối). Nếu bạn ăn quá nhiều muối, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng natri dư thừa, do đó cơ thể bắt đầu giữ nước có thể dẫn đến huyết áp cao.
Để giữ cho thận khỏe mạnh, bạn có thể thêm gia vị và thảo mộc vào thức ăn thay vì lạm dụng muối. Bạn cũng có thể giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến và đóng gói vì chúng thường chứa nhiều muối.
4. Chuối
Nếu bạn nghi ngờ mình có vấn đề về thận nhưng bản thân lại có chế độ ăn uống hợp lý thì nên chú ý vào các thực phẩm tiêu thụ nhiều như chuối vì chúng có hàm lượng kali rất cao, có thể gây hại cho những người thận yếu hoặc bị bệnh thận.
Một người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn 3.500- 4.700 mg kali mỗi ngày từ thực phẩm và một quả chuối trung bình (150g) đã chứa 537 mg. Nhưng nếu bạn bị bệnh thận, lượng kali tiêu thụ nên giảm đi để đảm bảo thận không phải làm việc quá nhiều.
5. Sữa
Mặc dù các sản phẩm sữa rất giàu vitamin và chất dinh dưỡng nhưng tiêu thụ quá nhiều sữa, sữa chua và phô mai có thể gây hại. Nguyên nhân là do lượng phốt pho cao có trong những thực phẩm này có thể gây quá tải cho thận.
Hơn nữa, nếu thận làm việc không hiệu quả thì khó loại bỏ hết phốt pho ra khỏi máu và điều này có thể dẫn đến loãng xương theo thời gian.
6. Bánh mì làm từ lúa mì
Bánh mì làm từ lúa mì nguyên chất rất tốt cho sức khỏe và bổ dưỡng nhưng ăn với số lượng lớn và đặc biệt là những người có vấn đề về thận, có thể gây hại nhiều hơn. Nguyên nhân là do lượng phốt pho và kali cao có trong loại bánh mì này. Một lát bánh mì ngũ cốc nguyên chất chứa 70 mg kali và 57 mg phốt pho, so với một lát bánh mì trắng chỉ có 25 mg kali mỗi lát.
7. Cam và nước cam
Dù cam và nước cam có lượng calo thấp và giàu vitamin C nhưng chúng cũng chứa hàm lượng kali cao. Một quả cam cỡ trung bình cung cấp 240 mg kali và một cốc nước cam có thể chứa khoảng 470 mg kali.
Do đó, việc tiêu thụ cam và nước cam nên được chú ý, đặc biệt là khi bạn có vấn đề về thận để tránh kali bị dư thừa trong máu gây nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, thường thì người bệnh thận không có triệu chứng gì cho đến khi chức năng thận của họ suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng 10-15%. Triệu chứng sớm nhất có thể thấy đối với người bệnh thận là lượng nước tiểu thải ra giảm đi, tiểu ít, mệt mỏi nhiều, biếng ăn nhất là những lúc mắc các chứng bệnh thông thường như cảm cúm, đau đầu, tiêu chảy,…
Bệnh nhân cũng có dấu hiệu phù thủng chân tay, huyết áp cao thường xuyên tăng bất ổn, cơ thể ngứa ngáy mà không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp có thể tiểu ra máu, hoặc khi xét nghiệm nước tiểu, hàm lượng chất đạm (protein) chứa trong nước tiểu rất cao. Người bị viêm thận do virus hay sỏi thận thường có dấu hiện đau ở eo lưng, gần chỗ thận, cơn đau có thể bộc phát và kéo dài dai dẳng./.