Tiếng Trung được đánh giá là một trong những ngôn ngữ “khó nuốt” nhất thế giới với hơn 80.000 ký tự. Để có thể biết đọc và viết, một người phải ghi nhớ khoảng 2.000 ký tự trong số đó.
Tiếng Trung được đánh giá là một trong những ngôn ngữ “khó nuốt” nhất thế giới.
Tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin, hai “ông lớn” công nghệ của Trung Quốc là Tencent và Alibaba đã phát triển mô hình AI có thể hiểu được ngôn ngữ khó nhằn của quốc gia tỷ dân này. Thậm chí hai mô hình này còn giỏi hơn cả con người.
Trong kỳ thi CLUE, AI của hai công ty nói trên đã đạt được điểm số cao nhất từ trước đến giờ. Không chỉ có vậy, đây là lần đầu tiên mà trí tuệ của máy móc có thể vượt xa con người đến vậy.
Cụ thể, AI của Tencent có tên gọi là “Hunyuan”, đã dần đầu với số điểm là 86,918. Ngay dưới là AI AliceMind của Alibaba, đạt 86,685 điểm. Mức cao nhất về hiểu biết tiếng Trung mà con người từng đạt được là 86,678. Xếp thứ 4 và 5 lần lượt là AI của Oppo và Meituan.
Đại diện Alibaba chia sẻ với SCMP rằng: “Đã có sự thay đổi thứ hạng rất lớn giữa trí tuệ nhân tạo và con người mà trước đây AI chưa thể làm được”.
AI của 2 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc, Tencent và Alibaba giỏi tiếng Trung hơn con người
Đầu năm 2022, Baidu, công ty tìm kiếm Internet của Trung Quốc, đã chế tạo ra robot AI “Du Xiaoxiao”. Sau đó họ đã để cho AI này thực hiện một bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học (Gaokao). Kết quả bất ngờ là Du Xiaoxiao đã đạt kết quả cao hơn hầu hết học sinh.
Dù các trí tuệ nhân tạo đã đạt được những thành tựu, dấu mốc mới trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng đối với các nhà khoa học AI còn cả chặng đường dài phía trước mới có thể hiểu hết các ngôn ngữ phức tạp của con người, thậm chí là cả loài vật.
Vốn là một đất nước có nhiều tham vọng trong lĩnh vực công nghệ, không chỉ cải tiến về các sản phẩm, thiết bị, dịch vụ mà Trung Quốc còn nâng cao tầm hiểu biết của thế hệ trẻ về AI.
Bộ giáo dục nước này đã triển khai “Chương trình giáo dục AI ở tiểu học và trung học”. Theo đó, các khái niệm chính về trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một trong sáu “khóa học bắt buộc tùy chọn” ở tất cả các trường THPT từ năm 2022-2023. Các quy chuẩn đầu ra quy định rằng, học sinh phải biết khái niệm cơ bản về thuật toán cốt lõi của AI và các thách thức về đạo đức và bảo mật trong một xã hội thông minh.
Tháng 4/2018, Trung Quốc đã xuất bản một cuốn sách giáo khoa về trí tuệ nhân tạo dành cho học sinh trung học. Trước đó, sinh viên đại học cũng được phổ cập kiến thức và được giáo dục về trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc muốn đào tạo những “mầm non tương lai của đất nước” về AI trong cuộc chiến mang tính toàn cầu sẽ diễn ra ở tương lai.
Còn tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để “xóa mù” AI cho nước ta, đưa công nghệ này vào trường học, tạo điều kiện giúp thế hệ trẻ học tập và phát triển.