Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ

“Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ” là câu tục ngữ được nhiều người cho là có xuất xứ từ phương ngữ Nam Bộ. Điều lạ là trong cuốn Từ điển tục ngữ Việt (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010), tác giả Nguyễn Đức Dương, một người Nam Bộ chính hiệu lại không thống kê tục ngữ rất quen thuộc này.

ken-re-1633959732.jpgCái cảnh đi hỏi vợ cực trăm bề. Ảnh internet

"Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ", có nơi còn nói là "ăn hết bị đòn, ăn còn mất vợ". Nhưng dù nói "đánh đòn" hay "bị đòn" thì ngữ nghĩa cũng gần như nhau, tức là ai đó phải nhận về một "hình thức tác động mạnh và trực tiếp vào đối phương để gây tổn thương, gây thiệt hại, có tính chất như một sự trừng phạt" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Đa số mọi người đều cho rằng câu tục ngữ này nói về hoàn cảnh của một chàng trai nào đó trong quá trình đi tìm vợ. Chuyện "trăm năm đôi lứa" đâu phải dễ. Trước tiên, chàng ta phải đối mặt trước một hiện thực, coi như một bài test thử thách: Ăn như thế nào trước "hội đồng" là những người trong gia đình nhà vợ?

Câu tục ngữ có 8 âm tiết, chia đều thành hai vế đối nhau. Ta thấy có 2 cặp đối: ăn hết >< ăn còn, đánh đòn >< mất vợ. Căn cứ vào từ ngữ tường minh, nhiều người hiểu nôm na câu này là "Nếu (chàng trai nọ) đi ăn cơm khách (nhà cô gái đang tìm hiểu) mà ăn hết sạch mọi thứ thì sẽ bị nhận hình phạt "đánh đòn", còn nếu ăn không hết (ăn còn) thì hậu quả còn lớn hơn, chuyện lấy vợ coi như chấm hết".

Chà, nếu vậy thì "đau" quá phải không? Bởi thực tế chắc chắn chỉ có hai "đáp án", mà cả hai đáp án đều dẫn đến hậu quả xấu như nhau. Biết ứng xử thế nào khi "ăn hết" hay "ăn không hết" cũng đều chết cả. Cứ như nhà cô gái cố tình đưa "phò mã" tương lai vào thế cục "thiên la địa võng", đường hầm không lối thoát (một là tử địa, hai là tù binh).

Đi hỏi vợ kiểu này khác gì ra trận mà cứ liều lĩnh xông vào lưới lửa đã giăng sẵn? Thôi chả chơi. Không vợ cũng chả chết ai chứ trên đường tìm ý trung nhân mà chưa chi đã bị ăn ngay "thẻ đỏ" như vậy thì danh dự bị tổn thương, xấu hổ và bẽ bàng hết nhẽ. Không khéo sau cú ngã ngựa này chẳng có cô gái nào dám nghĩ chuyện "nâng khăn sửa túi" cho chàng nữa. "Gút bai" chàng trai xấu tính!

Thực tế không đơn giản như thế. Vậy câu thành ngữ chắc chắn có vấn đề cần phải bàn (may ra "gỡ tội" cho chàng trai phần nào).

Vấn đề ở đây nằm ở hai tổ hợp" ăn hết" và "ăn còn". Nguyễn Đức Dân trong bài viết của mình (mục "Tìm hiểu tục ngữ: Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ", Ngôn ngữ & Đời sống, s. 3, 1996) cho rằng, "ăn hết" được hiểu là "món ăn nào cũng chạm đũa vào một chút, nhưng chỉ là một chút thôi (chứ không phải là ăn hết nhẵn)".

Đó có thể coi là cách ăn của một người lịch sự, ý tứ, biết lễ nghĩa. Nhưng cách hành xử này lại bị chê trách là "ăn tham, bất lịch sự, không biết nhường nhịn ai. Hỏng, điểm zéro". Còn "ăn còn" được hiểu là "khi gắp thức ăn lại gắp vào giữa đĩa nên thức ăn vẫn còn tóe loe ra xung quanh". Đang trong quá trình hỏi vợ mà vô ý vô tứ như thế thì sau này mọi thứ khác còn tệ hơn cũng nên. Loại thanh niên này không thể chấp nhận được. Tất nhiên là không thể gả "con gái rượu" cho hắn được. Điểm liệt. Thế là "mất vợ" chỉ vì đôi đũa của chàng "gắp lung tung".

Nguyễn Đức Dân rút ra kết luận với giải thích đầy vẻ cảm thông "Cái cảnh đi hỏi vợ cực trăm bề, bị xét nét đủ điều, chẳng khác gì mấy cảnh đi ở rể như chó nằm gầm chạn. Tốt mười mươi mà vẫn bị quở trách. Vô ý một chút là bị loại khỏi cuộc đua - mất vợ". Thật là thảm họa!

Sau đó, Hoàng Văn Hành, trong bài "Ăn hết đánh đòn, ăn còn mất vợ" (Ngôn ngữ & Đời sống, s. 7, 1998) có cắt nghĩa khác hơn một chút về vế đầu "ăn hết đánh đòn". Ông cho rằng, "đánh đòn" cần phải "hiểu theo một quan hệ logic nội tại khác. Ấy là "ăn hết là đánh đòn, ăn còn thì mất vợ". Như vậy, ăn hết là ăn có ý tứ, gắp đều các món ăn, không kén chọn hoặc ăn hết nhẵn, không khách khí. Ăn như vậy coi như là đã "đánh đòn" thắng lợi trước thử thách của nhà gái (tức chàng trai giữ thế chủ động, chứ không phải bị nhà gái đánh đòn về phía mình - PVT). Còn "ăn còn" là "ăn không hết" có thể bị coi là "chê món ăn" hoặc khách khí, ăn không thực bụng. Do đó mà mất vợ".

Nhưng cũng lại có ý kiến cho rằng, chữ "ăn còn" không phải là "ăn không hết các món" (bỏ không gắp một số món, dễ gây phản cảm phía chủ nhà, hàm ý là chê món ăn không hợp, không ngon), mà là "ăn không sạch bát" Lẽ ra khi bỏ đũa đứng lên, bát của chàng phải sạch sẽ, không còn dính thức ăn và nhất là còn để thừa kha khá trong lòng bát. Lẽ ra, dù no hay dù chán đến mấy đi nữa thì chàng trai kia cũng phải thể hiện tinh thần "fair play", cố gắng nhắm mắt nhắm mũi vét cho kì hết thì chủ nhà mới thấy vui, đặc biệt là đánh giá chàng trai chỉn chu, lịch sự, tiết kiệm không lãng phí. Bát đũa sạch thức ăn, lại ngay ngắn gọn ghẽ. Thật đáng mặt con rể tương lai của nhà mình lắm chứ!

Còn nhiều tranh luận lẻ tẻ về cách hiểu câu tục ngữ này, nhưng các chàng trai đang trên đường tìm "một nửa" cho mình cứ yên tâm ngồi vào mâm cỗ ăn sao cho đĩnh đạc, đường hoàng. Tư thế và cách ứng xử khác cũng rất quan trọng. Ăn uống và nói năng sao có ý tứ, lịch sự. "Hội đồng giám khảo" sẽ đánh giá toàn cục hành vi của chàng để chấm điểm khách quan chứ không vì một vài cử chỉ vụng về, chưa khéo của chàng mà làm thay đổi cục diện "trăm năm tính cuộc vuông tròn" của chàng đâu!

Chàng ơi, bình tĩnh mà ăn

Ăn còn hay hết, chẳng cần phải lo

Được mời, cứ “đánh” thật no

Cô này không gật ta chờ cô sau!