Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khóa V Nguyễn Phương Nga phát biểu khai mạc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chiều 5/12, đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) đã hiệp thương bầu Đoàn Chủ tịch khóa VI, nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 134 Ủy viên.
Đoàn Chủ tịch khóa VI, nhiệm kỳ 2019-2024 họp Phiên thứ Nhất bầu Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp Hữu nghị.
Ban Thường vụ khóa VI của Liên hiệp Hữu nghị gồm 19 ủy viên. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các hữu nghị Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2013-2018 tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2019-2024.
Ông Bạch Ngọc Chiến giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị; ông Phan Anh Sơn giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra Liên hiệp Hữu nghị.
[Khai mạc Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam]
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ và lãnh đạo chuyên trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, tân Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị khóa VI cam kết trước Đại hội: Tập thể Đoàn Chủ tịch khóa VI sẽ đoàn kết, nhất trí, tiếp tục phát huy truyền thống kinh nghiệm và những kết quả mà các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Liên hiệp Hữu nghị đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn; quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đại hội VI và những nhiệm vụ định hướng mà Đại hội VI đã đặt ra đúng với tinh thần, chủ đề của Đại hội; đồng thời, đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, những kết quả mà cả hệ thống Liên hiệp Hữu nghị đạt được trong nhiệm kỳ qua là nền tảng quan trọng cho công tác đối ngoại nhân dân và định hướng hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị trong nhiệm kỳ tới.
Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay đòi hỏi đối ngoại nhân dân nói chung và Liên hiệp Hữu nghị nói riêng, phải thường xuyên và không ngừng đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hợp tác, hội nhập và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và thế giới.
Các đại biểu dự Đại hội thống nhất cho rằng trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, phương thức hoạt động, củng cố tổ chức vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt của Liên hiệp Hữu nghị trong công tác đối ngoại nhân dân, huy động sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Các đại biểu nhất trí trong nhiệm kỳ tới, Liên hiệp Hữu nghị cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với các tổ chức nhân dân các nước, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác, phối hợp tổ chức các hoạt động quốc tế tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, tham gia tích cực, hiệu quả vào các cơ chế, mạng lưới, tổ chức nhân dân đa phương quốc tế, liên khu vực và khu vực, đặc biệt là Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc và Diễn đàn Nhân dân ASEAN; tổ chức thành công Diễn đàn Nhân dân ASEAN năm 2020; đăng cai và tổ chức thành công Đại hội Hội đồng hòa bình thế giới dự kiến vào năm 2021; thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với một số tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách có uy tín.
Hằng năm có ít nhất 5 báo cáo, công trình nghiên cứu về phong trào nhân dân thế giới, đối ngoại nhân dân và phi chính phủ nước ngoài; tiếp tục mở rộng hệ thống Liên hiệp Hữu nghị ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của địa phương; phát huy vai trò của Liên hiệp Hữu nghị trong công tác vận động, quản lý, sử dụng có hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài...
Để thực hiện được những mục tiêu trên, Liên hiệp Hữu nghị xác định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như tiếp tục củng cố, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại phát triển theo chiều sâu mạng lưới bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực, chủ động tham gia hiệu quả các thiết chế đa phương; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phi chính phủ nước ngoài; nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo tham mưu, thông tin đối ngoại; tích cực tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng hệ thống tổ chức Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh, bộ máy cơ quan thường trực tinh gọn, hiệu quả; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại đảng và ngoại giao nhà nước./.
Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)