Bài đăng này đã dẫn nghiên cứu “Lượng virus SARS-CoV-2 trong hạt khí dung hô hấp từ bệnh nhân Covid-19 trong lúc thở, nói và hát”, được công bố trên trang https://academic.oup.com.
Chủ tài khoản Twitter viết: “Nghiên cứu mới đã được thẩm định cho rằng Covid chủ yếu lây lan thông qua hạt khí dung và qua không khí. Nếu đúng vậy thì khẩu trang không bảo vệ bạn mà chỉ làm bạn cảm thấy an toàn mà không biết rằng bản thân không được bảo vệ”.
Kiểm chứng thông tin
• Trên thực tế, nghiên cứu nêu trên cho rằng, sự lây nhiễm qua hạt khí dung đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của đại dịch Covid-19. Dù nhận định các hạt virus lây lan thông qua hạt khí dung nhưng nghiên cứu này ủng hộ việc tiếp tục đeo khẩu trang.
Nhóm nghiên cứu kết luận, các kết quả ủng hộ “lời kêu gọi bảo vệ hệ hô hấp phù hợp” dưới hai hình thức là toàn dân đeo khẩu trang và sử dụng khẩu trang N95 và FFP3 cho nhân viên y tế và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Phản hồi dòng tweet đã bị xóa, tác giả chính của nghiên cứu này khẳng định, trên thực tế các kết quả nghiên cứu “ủng hộ lời kêu gọi toàn thế giới đeo khẩu trang”.
• Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang để giúp làm giảm sự lây lan của Covid-19.
• Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khẩu trang giúp chặn hạt khí dung và mức độ ngăn chặn tùy thuộc vào loại khẩu trang.
Theo CDC, khẩu trang N95 có thể lọc ít nhất 95% các hạt trong không khí, từ hạt có kích thước nhỏ cho đến kích thước lớn.
Khẩu trang y tế không có khả năng bảo vệ người dùng với tỷ lệ cao như vậy, nhưng loại khẩu trang này được thiết kế để giúp những người chung quanh tránh hít phải các hạt virus.
Khẳng định
Nghiên cứu khoa học đã phát hiện SARS-CoV-2 lây truyền qua các hạt khí dung, nhưng điều này không có nghĩa là khẩu trang là công cụ không hiệu quả trong việc kiểm soát đại dịch.