Bắc Kạn: Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị các ngành hàng lợi thế của địa phương một cách bền vững.

kinh te bac kan

HTX nông nghiệp Tân Thành (TP Bắc Kạn) phát huy hiệu quả từ liên kết trồng, chế biến nghệ.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã có những tín hiệu tích cực, hình thành các sản phẩm mang tính hàng hóa, tạo dựng thương hiệu và đảm bảo chất lượng, đáp ứng về số lượng, cung ứng cho thị trường ngoại tiêu. Việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu đầu vào (sản xuất) cho đến đầu ra (tiêu thụ) được thực hiện với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

Khai thác thế mạnh về nông sản của địa phương, cơ sở sản xuất Miến dong Nhất Thiện (huyện Ba Bể) nổi danh trên thị trường trong và ngoài tỉnh từ nhiều năm nay với sản phẩm miến dong. Trung bình mỗi năm sản xuất từ 600 - 700 tấn miến, cơ sở này luôn phải chủ động nguồn nguyên liệu tinh bột dong riềng cho sản xuất, nhất là vào dịp cuối năm nhu cầu tăng mạnh. Ông Nguyễn Văn Thiện- chủ cơ sở Miến dong Nhất Thiện chia sẻ: “Từ năm 2010, tôi chủ động mua củ giống để cung ứng cho nông dân xã Mỹ Phương trồng với diện tích 20ha và thu mua toàn bộ củ dong cho bà con. Sau vụ dong riềng năm 2013, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chán nản khi dong riềng rớt giá thê thảm. Cũng trong năm này, chúng tôi bắt đầu ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm củ dong cho bà con một số xã quanh vùng. Riêng năm 2019 cơ sở đã thu mua khoảng 700 tấn tinh bột dong riềng của các xã Yến Dương, Mỹ Phương, Phúc Lộc và một vài xã ở huyện Pác Nặm theo đúng hợp đồng đã ký kết, giá mua ổn định từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Vụ dong năm ngoái, các xã ký hợp đồng với cơ sở đều không bị tồn đọng củ dong mặc dù đây cũng là một năm lượng củ dong, tinh bột dong riềng trên địa bàn tỉnh dư thừa, khó bán”.

Tại thành phố Bắc Kạn, HTX nông nghiệp Tân Thành (TP. Bắc Kạn) là một trong những mô hình sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2019, HTX đã thu mua khoảng 1.200 tấn củ nghệ nếp, thanh toán đầy đủ cho người dân với số tiền trên 7 tỷ đồng. Sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Đắk Lắk. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh- Giám đốc HTX Tân Thành cho biết: “Để ổn định vùng nguyên liệu, năm 2020 HTX tiếp tục cung ứng nghệ giống cho người dân địa phương để tăng diện tích trồng nghệ, tập huấn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng. Thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đôi bên cùng có lợi, HTX chủ động được nguyên liệu còn bà con nông dân không lo đầu ra sau mỗi vụ sản xuất”. Nhờ thực hiện ký bao tiêu sản phẩm với HTX, người dân địa phương yên tâm gắn bó với cây nghệ, bởi đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều cây trồng khác. Không ít hộ trừ chi phí đi thu về hàng trăm triệu đồng từ trồng nghệ.

mien dong
Sản xuất miến dong tại cơ sở Miến dong Nhất Thiện.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh và hiệu quả hoạt động của mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tạo nên mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo mô hình kiểu mới, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, có sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định sản phẩm.

Việc xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các nông sản đặc sản đang được các cấp, ngành quan tâm. Đến nay, tỉnh đã có 5 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số sản phẩm chủ lực của địa phương bước đầu được sản xuất hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến như: Vùng trồng dong riềng phục vụ ngành chế biến miến dong; vùng trồng cây chuối tây làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất, chế biến chuối sấy, rượu chuối; vùng trồng quế, hồi cung cấp nguyên liệu cho chế biến tinh dầu; trồng nghệ phục vụ các nhà máy sản xuất tinh bột nghệ, curcumin, nghệ sấy; vùng trồng cam, quýt, trồng chè... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 mô hình, sản phẩm nông sản đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng và có tiềm năng củng cố, hỗ trợ nhân rộng như: Chè Shan tuyết, hồng không hạt, mơ, dược liệu… Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 30% hợp tác xã nông nghiệp đã tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị nông sản. Đây là những yếu tố thuận lợi để Bắc Kạn phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Nhằm hợp tác liên kết, phát huy tiềm năng nông nghiệp của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hợp tác với nhiều tỉnh, thành, tham gia kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cho các siêu thị, hệ thống bán lẻ thực phẩm an toàn. Đặc biệt là các sản phẩm có thương hiệu như miến dong, hồng không hạt, gạo bao thai, cam, quýt và các sản phẩm OCOP. Năm 2019, có 9 nông sản của tỉnh đã ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống 17 siêu thị GO!/BigC ở khu vực phía Bắc. Ngoài ra, hàng trăm sản phẩm OCOP Bắc Kạn đang phát huy thương hiệu, được thị trường ngoài tỉnh ưa chuộng.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, song thực tế liên kết sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn hiện còn nhiều bất cập. Các mối liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân vẫn chưa chặt chẽ như mong muốn, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên. Đôi khi còn diễn ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng khi có sự biến động về giá cả, thị trường tiêu thụ, không thanh toán tiền đúng thời hạn… Trong khi hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý. Ngoài ra, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã hạn chế, ảnh hưởng lớn đến mô hình liên kết. Trong chuỗi giá trị nông sản địa phương, khâu đầu tư chế biến sâu và thị trường tiêu thụ ổn định là những vấn đề đáng lưu tâm, vì vậy, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông sản chưa cao.

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi đang là hướng đi mới giúp nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy thương hiệu nông sản địa phương. Nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp của tỉnh quy mô còn nhỏ, manh mún, đa phần sản xuất theo kiểu truyền thống, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa càng trở nên cần thiết.

Xác định mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Bắc Kạn tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết sản xuất chuỗi giá trị đồng thời phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Để thực hiện mục tiêu, tỉnh tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp, thu hút các thành phần kinh tế hợp tác, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế trang trại trong lĩnh vực chăn nuôi, có sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm khai thác tiềm năng, phát huy giá trị nông sản hàng hóa./.