Bắc Ninh: Làng khoa bảng đất Lương Tài

Nói đến làng khoa bảng thì ở xứ Kinh Bắc chẳng phải hiếm song để nối dài truyền thống hiếu học qua suốt chiều dài hàng trăm năm lịch sử phong kiến đến tận ngày nay như ở thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài chắc chắn không nhiều.

Các thế hệ người dân làng Ngọc Quan luôn chú trọng bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống

Vùng đất này xưa nay vang danh nức tiếng bởi đời nào cũng có người đỗ đạt làm quan lớn và được mệnh danh là “nơi sản sinh những khoa bảng”. Không chỉ là tấm gương sáng cho con cháu mà các bậc tiền nhân còn luôn cổ vũ, răn dạy, tinh thần “học để cống hiến, học để phụng sự quê hương, đất nước...”.
Nằm ở điểm gặp gỡ giữa ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, nơi mà người xưa thường bảo một con gà gáy 3 tỉnh cùng nghe, thôn Ngọc Quan hội tụ, giao thoa nét đẹp văn hóa của cả hai vùng văn hóa nổi tiếng Kinh Bắc với văn hóa xứ Đông... Từ một dòng họ Đỗ đến lập làng, rồi đến dòng họ Vũ, họ Hoàng, họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần… đến quần tụ, lập nghiệp. Hiện nay, Ngọc Quan có hơn 10 dòng họ sinh sống với khoảng 500 hộ gia đình và gần 2.000 nhân khẩu. Trải bao thăng trầm của lịch sử, đất Ngọc Quan ngày nay vẫn hiển hiện những dấu tích của một làng khoa bảng nức tiếng.
Dẫn chúng tôi đi thăm lần lượt các di tích, NGƯT Vũ Ngọc Hòa tự hào kể: Ai đến đây cũng đều ngợi khen một làng quê nông thôn hiện đại mà vẫn bảo tồn đậm đặc nét đẹp văn hóa truyền thống. Đó là mái đình, cây đa, giếng nước, chùa làng; là cầu đá, bến sông, đài tưởng niệm; là văn chỉ và hệ thống nhà thờ, lăng tẩm… Trong đó đình làng, văn chỉ Ngọc Quan và nhà thờ gia tộc Tiến sĩ Vũ Miên đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Văn chỉ làng Ngọc Quan là di tích kết tinh, phản ánh sâu sắc truyền thống khoa cử của đất Xuân Lan xưa, Ngọc Quan nay được người dân hết sức trân trọng gìn giữ. Văn chỉ được xây dựng từ năm 1844 trên một khu đất cao bằng phẳng, rộng vài nghìn m2. Trung tâm văn chỉ có bệ thờ đức Khổng Tử, hai bên là hệ thống bia đá khắc tên gần 50 vị hiền tài, khoa bảng của làng. Trong đó, có nhiều người giữ những chức quan to như Tể tướng, Thượng thư, Ngự sử, Bộ thị lang...
Nhắc đến truyền thống hiếu học ở Ngọc Quan phải nói đến dòng họ Vũ-một “vọng tộc” của đất Kinh Bắc thế kỷ 18, 19 và cũng là dòng họ lớn chiếm khoảng 50% dân số làng Ngọc Quan ngày nay. Trong số gần 50 vị đỗ đạt ghi danh ở văn chỉ của làng thì có 43 người mang họ Vũ. Họ Vũ có nhiều người thành đạt, tên tuổi lưu truyền như Tiến sĩ Vũ Miên, Phó bảng Vũ Giáp; nhà văn, quan đốc học Vũ Quyền, hương cống Vũ Trinh, nhà văn Vũ Ngọc Phan...
Tiêu biểu là Tiến sĩ Vũ Miên, một người nổi tiếng học giỏi, kiến thức uyên thâm, đỗ đầu kỳ thi hội dưới thời nhà Lê, làm quan đến chức Tể tướng, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương chức danh hiệu trưởng). Ông mang hết tài năng để phục vụ triều đình, phụng sự Tổ quốc với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Đối với quê hương, ông được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho truyền thống hiếu học ở làng, người có công định hướng, bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ con cháu theo con đường khoa cử để phụng sự Tổ quốc. Sau này, nhân dân địa phương tôn thờ Vũ Miên là hậu thần ở đình làng.
Truyền thống học hành, đỗ đạt ở Ngọc Quan còn được kế thừa, phát huy trong hầu hết các nhiều gia đình, dòng họ hôm nay. Các họ Vũ, họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Trần đều là những dòng họ có truyền thống hiếu học. Nhiều con em quê hương Ngọc Quan trở thành các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực, tiêu biểu như GS.TS Đỗ Văn Ngũ, Thầy thuốc Ưu tú, Chủ nhiệm khoa Vi sinh y học Bệnh viện Bạch Mai là người duy nhất thời hiện đại được ghi danh ở Văn chỉ của làng.
Người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập không cao, nhưng họ đều trân trọng, đề cao đạo học. Các bậc cha mẹ không quản ngại vất vả, đầu tư tiền bạc, vật chất, động viên khuyến khích con em chuyên cần học tập theo gương tổ tiên, cha anh. Điển hình như gia đình cụ Vũ Phú có hơn 20 con cháu có trình độ Đại học và trên Đại học; gia đình cụ Vũ Kha có 1 Tiến sĩ, 20 con cháu đỗ Đại học... Hàng năm, tỉ lệ học sinh Giỏi, học sinh đỗ Đại học ở Ngọc Quan luôn xếp tốp đầu trong huyện. Được biết, có những năm, 100% con em của làng Ngọc Quan đỗ vào những trường Đại học, Cao đẳng có tiếng. Hầu như gia đình, dòng họ và các tổ chức, đoàn thể trong thôn đều có những phần thưởng khuyến khích, phát triển con em học tập.

nha-giao

Nhà giáo Ưu tú Vũ Ngọc Hòa kể chuyện, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa quê hương với học trò.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Ngọc Hòa tâm sự: “Người dân Ngọc Quan chúng tôi đều hiểu tài sản nhất mà cha mẹ để cho con cái không gì quý bằng con chữ, tri thức. Từ rất sớm, con em trong làng được giáo dục truyền thống, rèn luyện ý chí nghị lực tiếp bước cha anh chuyên tâm dùi mài kinh sử. Dẫu gia đình có khó khăn đến mấy, bố mẹ có phải thắt lưng buộc bụng cũng quyết tâm nuôi con học tập đến nơi đến chốn. Thương bố mẹ vất vả, có người vừa học Đại học vừa làm thêm vẫn quyết tâm vươn lên học tập thành tài...”.
Từ ngôi làng khoa bảng đất Lương Tài, biết bao nhân tài ở Ngọc Quan tỏa đi khắp nơi công tác, phục vụ, cống hiến tài năng cho quê hương và các vùng miền Tổ quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ, thôn Ngọc Quan hiện có 1 Giáo sư, 4 Phó Giáo sư, 1 Thầy thuốc Nhân dân, 1 Thầy thuốc Ưu tú, 1 Nhà Giáo Ưu tú, 13 Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ, hàng chục sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm cử nhân, kỹ sư, bác sĩ ở các lĩnh vực khác nhau, nhiều người giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước, nhiều người là những doanh nhân lớn có Tâm có Tài...
Thăm làng khoa bảng, được nghe chuyện học hành nơi đây, chúng tôi ngưỡng mộ sự thành danh của các bậc tiền bối một phần thì cảm phục họ mười phần bởi từ sớm đã hình thành và vun trồng mục đích của đạo học. Với người dân Ngọc Quan, việc nỗ lực trui rèn theo con đường khoa cử không phải chỉ “học để thoát nghèo, thoát khổ” hay để thỏa mãn tình yêu tri thức đơn thuần mà quan trọng là “học để cống hiến”, “học để phụng sự” quê hương, đất nước, nhân loại...

Việt Thanh