Những nếp mái ngói đao cong cổ kính trầm mặc linh thiêng của các ngôi đền chùa như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, đền Ðô, cùng những cổ vật quý báu của di tích như hệ thống tượng thờ, linh thú, thần phả, sắc phong, bia đá... từng được sử sách và dân gian ca ngợi truyền tụng, nay được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt đã kết tinh và tỏa sáng hàng ngàn năm lịch sử, văn hiến của quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh và là tinh hoa văn hiến của nước Việt Nam.
Toàn cảnh chùa Dâu (xã Thanh Khương, Thuận Thành)
Bắc Ninh-Kinh Bắc là vùng đất hàng ngàn năm văn hiến và một trong những nét văn hiến nổi tiếng được sử sách và dân gian ca ngợi là “xứ sở” của đình chùa và lễ hội. Sử sách đã ghi lại chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện) thuộc vùng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được khởi dựng từ đầu Công nguyên là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Từ vùng Dâu, Phật giáo đã phát triển và lan tỏa đến khắp các vùng miền trong nước.
Ðến nay, chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp vẫn còn bảo lưu được dấu ấn kiến trúc điêu khắc và cổ vật quý giá của các thời đại như Trần, Lê, Nguyễn; đặc biệt là hệ thống tượng Tứ Pháp “vừa là Thần vừa là Phật” linh thiêng, huyền bí. Tượng Tứ Pháp đặt tại trung tâm Thượng điện của chùa và được tạo tác độc đáo: Các ngài tọa thiền trên toà sen, thân cao 1,57m, trong thế ngồi thiền bán kiết; đầu kết tóc thành các cụm xoắn ốc nhỏ đen nhánh, giữa trán nổi lên bạch hào là quý tướng của Phật, lông mày cong lá liễu, mắt khép hờ nhìn xuống nhân từ, miệng mỉm cười đôn hậu; cổ cao ba ngấn, tai to chảy dài. Tay phải giơ lên ngang ngực trong lòng bàn tay để lộ viên minh châu. Tay trái để ngửa lên đùi, ngón tay kết ấn ngón cái bấm vào ngón giữa, trong lòng bàn tay có một viên ngọc sáng. Toàn thân đều sơn mầu mận chín là biểu tượng của một bầu trời no đủ mây mưa sấm chớp. Tượng Tứ Pháp tựa như một người phụ nữ đôn hậu trên đời, nhưng lại là một đức Phật ở thế thuyết pháp, niệm chú. Hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu từng nổi tiếng với lễ hội “rước Phật” vào mồng 8 tháng 4, đã thu hút hàng ngàn vạn phật tử và quý khách từ muôn nơi đến với hội.
Tháp Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp (xã Ðình Tổ, Thuận Thành)
Với cây tháp cao vút như cây bút vẽ lên trời xanh những nét văn hiến của xứ Kinh Bắc, những lớp mái ngói đao cong vút duyên dáng ẩn hiện dưới những lùm cây xanh tốt, chùa Bút Tháp có tên chữ “Ninh Phúc Tự” tọa lạc bên bờ Nam sông Ðuống, thuộc xã Ðình Tổ, huyện Thuận Thành, là công trình kiến trúc điêu khắc nghệ thuật đặc sắc của hai thời Lê - Nguyễn còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Chùa được quý tộc triều đình Lê - Trịnh, đứng đầu là Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho trùng tu mở rộng với quy mô rất lớn nhiều công trình nằm trên một trục “thần đạo” với nhiều tòa ngang dãy dọc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm các tòa như: Tam quan, Gác chuông, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Tích thiện am, Nhà trung, Phủ thờ, Hậu đường, hai dãy hành, nhà Tổ đệ nhất thờ Thiền sư “Chuyết Công”, đặc biệt là vườn tháp và cây tháp Báo Nghiêm cao vút.
Nghệ thuật điêu khắc của chùa Bút Tháp được thể hiện tập trung ở các tòa như: Tiền đường, Thiêu hương, đặc biệt là tòa Thượng điện với hành lanh bao quanh bằng đá, chạm nổi 26 bức phù điêu các đề tài điển tích cổ như: Phượng vũ kỳ lân, Song ngư hý nguyệt, Cô lộ sơn lộc, Tam dương triều nguyệt, Tứ linh tứ quý, Lý ngư hóa long, Tùng trúc đông thiên... tinh xảo nghệ thuật. Chùa Bút Tháp còn nổi tiếng với pho tượng Phật bà Quan âm “Nghìn mắt nghìn tay” được nghệ nhân họ Trương tạo tác vào năm 1656 là một kiệt tác điêu khắc gỗ về tượng Phật: Tượng tọa thiền trên tòa sen được con quỷ biển giơ hai tay đội lên đầu vượt lên sóng biển với chiều cao 2,35m.
Với triết lý Phật bà Quan âm từ bi, độ lượng, cứu nhân độ thế và được tạo tác tượng có tới 11 đầu; đầu chính đội mũ “Thiên quan” có khuôn mặt nữ tính đôn hậu, đôi mắt nhân từ đẹp thánh thiện; quanh người gần một nghìn cánh tay thon thả, uyển chuyển như một vầng hào quang tỏa sáng; trong mỗi bàn tay là một con mắt để thấu soi mọi chuyện đau khổ của muôn loài và sẵn lòng cứu vớt chúng sinh thoát khỏi lầm than, vận hạn, nên đã đi sâu vào tâm linh mọi người khi đến với cửa Phật để lễ bái kêu cầu.
Tượng Pháp Vân chùa Dâu
Tọa lạc ở sườn phía Nam núi Phật Tích, mặt hướng ra sông Ðuống đỏ nặng phù sa là Ðại danh lam thời Lý chùa Phật Tích nổi tiếng. Chùa Phật Tích có tên chữ là “Vạn Phúc Tự” vốn được khởi dựng từ lâu đời, đến thời Lý được Hoàng thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông cho xây dựng thành Ðại danh lam thắng với các tòa ngang dãy dọc thờ phụng Phật, đặc biệt là cây tháp gạch cao hàng chục trượng mà mọi người từ kinh thành Thăng Long có thể chiêm bái được, trong đặt pho tượng Phật ADiÐà mình vàng. Trải hơn nghìn năm, chùa xưa tháp cũ không còn, nhưng Ðại danh lam chùa Phật Tích còn đó các lớp nền kè đá tảng, nhiều di vật, cổ vật như hàng linh thú, chân cột, gạch ngói... đặc biệt là còn nguyên pho tượng Phật ADiÐà thời Lý đẹp nổi tiếng.
Pho tượng Phật ADi Ðà là một kiệt tác điêu khắc đá về tượng Phật và được đánh giá là có vẻ đẹp vượt thời gian và không gian: Bằng đá xanh nguyên khối, thân cao 2,10m, ngồi thiền định trên tòa sen, hai tay để trong lòng đùi trong tư thế kết ấn. Thân hình tuy to lớn, nhưng lại rất mềm mại bởi những đường cong của lớp áo khoác ngoài mềm mại, óng ả, quanh thân và rủ xuống tận đài sen. Khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, cổ kiêu 3 ngấn, lông mày lá liễu; đôi mắt phượng hiền từ, nhân hậu, khép hờ nhìn xuống như đang thấu hiểu mọi nỗi niềm của chúng sinh mà giáo hóa, độ trì, cứu vớt. Vẻ đẹp của thân hình tượng còn được tôn lên bởi bệ tượng đặt dưới tòa sen bát giác ba cấp, xung quanh chạm rồng, sen dây, cúc dây, đặc biệt là chạm một dàn nhạc thiên thần. Chùa Phật Tích còn nổi tiếng bởi lễ hội “Hoa Mẫu Ðơn” vào mồng 4 tháng Giêng với huyền thoại Từ Thức gặp Tiên giáng trần, đã thu hút hàng vạn quý khách khắp mọi miền đến với chùa và hội để thăm quan, chiêm ngưỡng.
Ðền Ðô và khu sơn lăng cấm địa của các vua nhà Lý thuộc phường Ðình Bảng, thị xã Từ Sơn là nơi tôn thờ bát vị Tiên Vương nhà Lý có công khai lập nền văn minh Ðại Việt. Ðền Ðô có tên chữ là “Cổ Pháp Ðiện” có thế đất “Long chầu Hổ phục” được xây dựng từ thời Lý để thờ phụng các vua nhà Lý sau khi qua đời. Ðến thời Lê Trung Hưng được triều đình cho xây dựng trùng tu với quy mô lớn theo kiểu thành cổ cung điện, phía trước có “Ngũ Long môn” và sân Rồng xưa kia hàng năm các vua quan triều đình về đây tế lễ các vua nhà Lý, cầu cho quốc thái dân an. Tại đền Ðô còn bảo lưu được tấm bia đá có tên “Cổ Pháp điện tạo bi” được dựng vào năm Hoàng Ðịnh thứ 5 (1605) do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn cho biết khá rõ về lịch sử ngôi đền, ca tụng công đức của các vua triều Lý và việc thờ phụng ở đây. Với những giá trị to lớn trên, đền Ðô là một trong những di tích trọng điểm tham quan của các đoàn lãnh đạo Trung ương và các tỉnh, cũng như quý khách trong nước và quốc tế.
Tết đến, xuân về, trong không khí ấp áp tươi vui của mùa xuân, hàng ngàn quý khách từ muôn nơi lại tìm về Bắc Ninh-Kinh Bắc là “xứ sở” của đình chùa lễ hội để trảy hội, tham quan miền đất hàng ngàn năm văn hiến, được chiêm ngưỡng những danh lam cổ tự cùng những báu vật từng nổi tiếng trong lịch sử, mà nay được Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, đó chính là tinh hoa văn hiến Việt Nam.