Một tác phẩm tranh tường mang đến nhiều cảm xúc hoài niệm cho người xem
Không chỉ phát triển, sáng tạo ở các không gian công cộng ngoài trời mà tranh tường xuất hiện ngày càng nhiều trong quán cafe, nhà hàng, khách sạn, văn phòng, trường học... Nhiều gia đình cũng chọn tô điểm, trang hoàng ngôi nhà của mình bằng những bức tranh phong cảnh rộng lớn, màu sắc phong phú, nét vẽ tinh tế, mang đến cảm giác được hòa cùng thiên nhiên sông núi, biển trời hay cảnh sắc mộc mạc, bình dị của những cây đa, bến nước, sân đình, đồng lúa, đồng hoa...
Là người trân quý, nặng lòng với văn hóa truyền thống quê hương nên ngay từ khi bắt tay thiết kế ngôi nhà mới giữa trung tâm thị xã Từ sơn, ông Nguyễn Thức, một cán bộ ngành lực lượng vũ trang luôn đau đáu ý tưởng làm đẹp không gian sống của mình bằng những tác phẩm tranh tường theo chủ đề văn hiến Kinh Bắc xuyên suốt từ truyền thống đến đương đại. Bắt đầu là nơi chôn rau cắt rốn với vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng qua hình ảnh dãy Nguyệt Hằng ẩn hiện lồng trong truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên; trải qua 4 mùa xuân hạ thu đông trưởng thành rời quê hương đi học tập, công tác, lại trở về ngôi làng thân thương vinh quy bái tổ, rồi hòa mình vào những hội làng, hội tổng, đắm say cùng những canh hát Quan họ vắt từ đêm này sang đêm khác...
Dẫn chúng tôi tham quan các tác phẩm mỹ thuật được đắp vẽ công phu, ấn tượng quanh tổ ấm mới, ông Thức tâm đắc: Phải nhờ đến các họa sĩ có nghề, giàu kiến thức và hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống Bắc Ninh-Kinh Bắc để thể hiện các bức tranh. Bởi chỉ cần một vài chi tiết rất nhỏ chưa thật chuẩn là có thể khiến ý tưởng bị sai lệch, giả sử như vẽ chiếc thuyền Quan họ của liền anh, liền chị mà na ná thuyền thúng của người miền biển là hỏng!...
Nhu cầu trang trí, làm đẹp không gian sống gia đình cũng như các không gian chung của cộng đồng như thư viện, trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ giải trí, các hàng quán... đang khá thịnh hành, mở ra cơ hội cho các họa sĩ sáng tạo và tăng thu nhập. Chi phí của mỗi bức tranh tường tùy theo vị trí bề mặt, kích cỡ, nội dung và được tính theo m2. Độ bền của tranh tương đối cao, ở trong nhà rất bền, còn ngoài trời ảnh hưởng mưa nắng thì sau 4-5 năm mới bạc màu.
Nguyễn Văn Tùng, cựu học sinh Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, người có kinh nghiệm gần 5 năm vẽ tranh tường tại Bắc Ninh và một số tỉnh, thành phố lân cận cho biết: Để có được một bức tranh tường gồm nhiều công đoạn từ phác hình, sơn nền, đẩy chi tiết đến phủ sơn bóng... Quan trọng là làm sao cho màu sắc đẹp, bố cục hài hòa, nét vẽ tinh tế, tranh có chiều sâu. Đề tài phong phú, đa dạng, có thể do khách hàng chọn mẫu song phần nhiều là khách đưa ra ý tưởng rồi họa sĩ dựa theo đó sáng tạo màu sắc, bố cục, chi tiết... Thể loại đang được ưa chuộng hiện nay là tranh 3D, tranh hoài cổ miêu tả sinh hoạt đời sống của những tháng năm xưa ở thời bao cấp... đòi hỏi người họa sỹ phải có trình độ, kỹ thuật và sự hiểu biết, sáng tạo mới bật được ra thần thái của bức tranh, giúp người xem có cảm giác trở thành một phần trong bức tranh đó.
Bức tranh tường của tác giả Nguyễn Văn Tùng, cựu học sinh Khoa Mỹ thuật, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh
Nhận định về xu hướng chuộng tranh tường hiện nay, Thạc sĩ, Họa sĩ Đỗ Hữu Bảng, hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh cho rằng: “Sản phẩm nào thì công chúng ấy, đó là sở thích, thị hiếu thẩm mỹ của phần đông người dân. Tôi cho rằng tranh tường cũng là một trào lưu phù hợp với nếp nghĩ, nếp sống phổ quát của công chúng đương thời. Nghệ thuật giống như tủ thuốc Bắc có rất nhiều ngăn và trình độ thẩm mỹ của mỗi người giống như những chìa khóa, nếu anh có nhiều chìa thì mở được nhiều ngăn và ngược lại!”.
Ở một số không gian công cộng, tranh tường góp phần làm đẹp phố phường, mang đến những địa chỉ vui chơi giải trí “check in” thú vị, tạo ấn tượng với khách du lịch. Ở nhiều làng quê nông thôn mới, tranh tường đang tô điểm, làm cho diện mạo xóm làng như bước sang một trang mới, đầy sắc màu tươi đẹp, hi vọng về một cuộc sống hạnh phúc, thanh nhã, mang đến cảm giác thư thái, yên bình...
Loại hình nghệ thuật trang trí tranh tường được dự báo có khả năng xuất hiện ngày càng nhiều hơn, nhất là ở những nơi công cộng. Hơn nữa, ngoài những sáng tạo độc đáo, các ý tưởng mới lạ, khác biệt cũng có không hiếm tác phẩm tranh tường lặp lại nội dung, chủ đề, sao chép mô phỏng phong cách đâu đó, nhất là thể loại tranh phong cảnh nên đôi khi người xem cảm giác những bức tranh tường có mô típ na ná, kiểu đồng phục...
Như vậy, dù muốn hay không thì đến một lúc nào đó, thực tế đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, tác động của quản lý để bảo đảm rằng những bức tranh tường được xuất hiện ở đúng nơi cần sự hiện diện của nó và được bảo trì, tô vẽ sửa chữa theo thời gian, góp phần tạo điểm nhấn và làm đẹp không gian chung của cộng đồng...