Bài học điền từ

“Con cái biết ơn… con đực”, có sai không?

bai-hoc-dien-tu-1635696329.jpg 

Rèn luyện bốn kĩ năng “nghe, nói, đọc, viết” là một yêu cầu cần thiết cho bất cứ ai học ngoại ngữ cũng như trong quá trình thụ đắc tiếng mẹ đẻ. Với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông của chúng ta hiện nay, muốn học tốt môn Văn và Tiếng Việt, các em bắt buộc phải làm quen với các bài tập rèn luyện bốn kĩ năng trên. Chương trình sách giáo khoa cũng đã thiết kế một nội dung phù hợp hướng tới việc trau dồi năng lực tiếng Việt của các em thuộc các cấp học và bậc học khác nhau.

Trong ảnh (mà chúng tôi giới thiệu đây) là một phần trong bài tập điền từ (thuộc kĩ năng viết) mà cô giáo ra đề cho học sinh bậc trung học cơ sở. Cụ thể, bài tập là:

"Em hãy chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống thành câu văn hoàn chỉnh:

1) Con cái cần phải biết ơn………

2) ……… biết ơn Thầy Cô giáo."

[Lẽ ra nên viết “(Em) hãy chọn từ thích hợp, điền vào chỗ trống để có một câu hoàn chỉnh” thì chính xác hơn]

Em học sinh nọ đã chọn hai từ để điền vào chỗ trống. Kết quả là:

1) Con cái cần phải biết ơn "con đực".

2) "học sinh" biết ơn Thầy Cô giáo.

[Hai từ mới điền vào tôi đặt trong ngoặc kép và giữ đúng cách viết chính tả]

Giáo viên chấm bài chỉ chấp nhận câu 2, còn câu 1, bị cho là sai, với từ chữa lại là “bố mẹ”. Đúng là theo logic thông thường, điền từ “bố mẹ/ cha mẹ” vào đây là thích hợp hơn cả. Từ “biết ơn” được dùng với nghĩa “hiểu và ghi nhớ công ơn của ai đó đối với mình”. Việc con cái biết ơn những bậc sinh thành (như ông bà, cha mẹ…) hay những người dạy dỗ, chỉ giáo (như thầy cô giáo…), hay những tổ chức, cộng đồng có công lao đối với mình (như nhà trường, quê hương, đất nước…) là một điều hiển nhiên, ai cũng thấy rõ. Việc trả lời theo đáp án của người chấm là hợp với lẽ thường, đạo lí, được coi là thuận.

Nhưng xét về mặt ngôn ngữ, câu trả lời của học sinh nọ không thể coi là sai. Bởi tổ hợp “con cái”, ngoài cặp trái nghĩa “con cái/ bố mẹ” vẫn có thể thiết lập một cặp trái nghĩa nữa, là “con cái/ con đực”. Con cái và con đực ở đây là hai chủ thể cần có trong quan hệ tính giao. Không có con đực, con cái không thể thực hiện chức năng sinh sản. Kiến thức sinh học này các em đã được học cũng như ít nhiều đã được tiếp xúc qua sách báo. Trong bài kiểm tra, học sinh nọ đã trả lời "lệch đáp án mà đề thi hướng tới" chứ "không sai về tri thức ngôn ngữ" cũng như khả năng diễn đạt cú pháp (Thực ra, viết như vậy (Con cái biết ơn con đực) trong bài kiểm tra này là ngồ ngộ, buồn cười). Bắt lỗi như vậy là chưa chuẩn xác. Để tránh nhầm lẫn, người ra đề không nên chọn những khả năng xảy ra từ ngữ mơ hồ hoặc nên đưa vào ngữ cảnh mở rộng (Ví dụ: Được nuôi nấng, học hành nên người, con cái cần phải biết ơn……).

Ngoài ra, tiêu bản trên cần phải lưu ý thêm:

- Không viết hoa các từ “bố mẹ”, “thầy cô giáo” vì đó chỉ là những danh từ chung, còn từ “học sinh” phải viết hoa vì đứng đầu câu;

- Nên thay từ “bố mẹ” bằng “cha mẹ”, vì “cha mẹ” là từ toàn dân, có nghĩa trung hòa, nói khái quát, chỉ hai bậc sinh thành (cha và mẹ). Còn “bố mẹ”, “ba mẹ”, “tía má”, “thầy mẹ”, “thầy u”,… cũng là từ mang nghĩa khái quát như thế nhưng là biến thể vùng miền.

Nói chung, những bài tập kiểm tra kĩ năng ngôn ngữ cần phải được soạn thảo cẩn thận, chính xác, tránh sai sót. Hiện nay, nhiều cơ sở trường học ở ta đã xây dựng các ngân hàng đề thi cho tất cả các kĩ năng (và liên tục cập nhật theo từng năm). Mỗi đề thi đều kèm theo đáp án để giáo viên có căn cứ thực hiện.