Đang ngồi cà phê cùng anh Thế Phương nhạc sỹ cổ nhạc trong đoàn, như biết thắc mắc của tôi anh kể tôi nghe chuyện cái Bàn thờ Tổ nghiệp.
Anh nói:
- Trong gánh hát Cải lương lúc nào cũng có cái bàn thờ Tổ để phía sau hậu trường, nghệ sỹ trước khi bước ra sân khấu đều chấp tay hướng về Bàn thờ Tổ xá ba xá có ý muốn cho Tam vị thánh Tổ độ cho vai diễn của mình được trơn tru trọn vẹn.
Trước năm 1975, gánh hát lớn nhỏ gì cũng phải có Bàn thờ Tổ đặt bên trong hậu trường, còn gọi là khánh Ông. Khánh làm bằng gỗ và chỉ ghép mộng không được đóng đinh? Trên khánh có hai cốt đẽo bằng cây vông nem cở con búp bê của con nít hay chơi . Đầu chít khăn, áo mặc cho cốt chỉ xài ba màu xanh, vàng, đỏ. Quần thì màu trắng, hai cốt đó người ta gọi là Ông Làng. Cái tích hai cái cốt là tương truyền về hai vị Hoàng tử mê hát trốn đi xem rồi kiệt sức hay sao đó mà chết.
Sau năm 1975 thì đoàn hát không còn thờ cốt mà chỉ thờ Bài vị, để chữ TIÊN SƯ hay TỔ SƯ , không còn thờ cốt có lẽ vì thời đó cho là mê tín dị đoan.
Ngày giỗ Tổ ngành Sân khấu là ngày 12/8 Âl Hàng năm. Nghệ sỹ lớn nhỏ phải nhớ câu :
Mười một cúng chay, mười hai cúng mặn.
Nghĩa là tối ngày 11/8 âl chỉ được cúng bông hoa, bánh trái... Đúng 0 giờ ngày 12 âm lịch thì bày ra cúng mặn, ưu tiên cho nghệ sỹ nào muốn cúng trước hay sáng mai có việc gì mà đó không có mặt . Sáng ngày 12 thì Bầu gánh lớn nhỏ gì cũng phải quay một con Heo cúng Tổ . Nếu gánh nhỏ thì Bầu xin úp bộ một đêm không phát lương, cũng như tụi mình vừa bị bầu gánh úp bộ vậy.
Thấy tôi tròn xoe đôi mắt anh nói tiếp :
- Tới giờ cúng phải lựa một ông kép lão làng, thường là chọn biện tuồng đại diện cho cả đoàn dâng hương khấn:
- Cung thỉnh chư vị Tổ sư. Thái sư, Tiên sư, Tam giác đạo sư, Tiên hiền, Hậu hiền cảm ứng chứng minh...
(Sau này giỗ Tổ sân khấu gồm :
Hát bội, cải lương, kịch nói, ca sỹ, diễn viên, lô tô, hội chợ, PD cùng nhau ai cũng cho là Tổ của mình, nói chung Bàn thờ Tổ gọi chung là thờ TAM VỊ THÁNH TỔ )
Trong khu vực Bàn thờ Tổ là không cho mang Trái thị đem vô vì tương truyền mùi trái thị sẽ rủ ông Tổ đi chơi? Huýt sáo cũng là điều kỵ và cái kỵ hơi lãng là trong đoàn nhiều ông Bầu cấm đánh cờ tướng?
Nhưng trên bàn thờ Tổ đâu chỉ riêng thờ Tam vị Thánh... dưới chân bàn thờ Tổ có thờ một cái Lư hương nhỏ hỏi mấy đàn anh chỗ đó thờ ai mấy anh cười thần bí nói nhỏ:
- Thờ ông "Nghịch".
Mà ông "Nghịch" là ông nào? Đa số anh chị em cao niên trong đoàn cũng chẳng ai biết.
Ông Nghịch là... ông "Ngỗ Nghịch," xưa ổng theo quét dọn làm việc lặt vặt trong một gánh hát bội và ổng rất hiền, hầu như chưa ai thấy ổng hát lần nào. Có một lần đoàn hát thiếu người hát vai Quỷ, ông Nghịch xin được hát thế tuy không biết ông có hát được không nhưng vì ở thế kẹt nên ông Bầu bằng lòng cho ông hát. Trước khi hát ông bước ra sân khấu nói rõ đêm nay tui hát vai con Quỷ xin bà con ai yếu bóng vía đừng xem. Bà con ai nấy cười ngất tưởng cha này nói cho vui ai dè khi tới lớp ông nghịch hóa trang bước ra sân khấu lưỡi thì lè ra, miệng thì nanh gút tùm lum, có mấy người sợ quá lật ngang chết tốt, xong xuất hát thì ông Nghịch cũng chết luôn.
Trong đoàn thấy vậy bèn thờ ông dưới cái bàn thờ Tổ và gọi tắt là thờ Ông Nghịch.
Anh kể tiếp:
- Chuyện ông Nghịch linh ứng thì lúc mới theo gánh hát đàn chung với Chú Bảy đàn Kìm Chú có kể tui nghe chuyện như vầy:
- Lúc đó Chú Bảy theo đàn cho một gánh hát bội ở An giang trào 45, đoàn đang di chuyển trên một chiếc ghe tam bản tìm bến hát. Đang gát chèo ghé lên bờ tìm chỗ nấu cơm thì có mấy bô lão mặc áo dài khăn đóng tìm tới Hợp đồng về hát cúng Đình? Mà theo lời các cụ cái Đình cúng cũng gần chứ không xa. Cả đoàn mừng quá vì có chỗ hát và hợp đồng tiền được ứng trước 50%. Chèo ngược lại vài tiếng thì gặp cái Đình to đùng, cờ xí rợp trời bà con buôn bán ì xèo, cả đoàn cũng lấy làm lạ sao lúc nãy chèo ghe ngang sao không ai thấy?
Mấy ông bô lão nói trấn an:
- Thời chiến tranh nên tụi tui cúng không dám phô trương, cờ xí mới treo lên thất thì còn bà con cũng mới tụ lại thôi. Cái Đình nằm khuất bên trong nên sơ ý đi ngang sẽ không thấy. Nghe mấy cụ nói cũng có lý nên chẳng ai nghi ngờ gì. Nhanh chóng dọn đồ lên Đình được đãi ăn uống đàng hoàng xong thì trời sụp tối... Đêm đó hát khán giả đến coi chật cả Đình nên trên sân khấu đoàn diễn sung lắm. Khi vãn hát, một tay kép hát trong đoàn đi vô phía sau nhà bếp tìm đồ nhậu sao mà không thấy trở ra. Mấy người trong gánh xuống tìm, lúc đó vừa 12 giờ đêm thì thấy đám người trong nhà bếp hiện hình là một đám quỷ đang hè hục làm thịt anh chàng kép nát rượu kia. Hoảng hồn nên la lên cả đám bị lũ Quỷ rượt chạy riết về tử thủ trên Sân khấu. Cả đoàn la hét cầu cứu trong vô vọng vì bị Quỷ nó dí chỉ còn nước chờ chết...
Giữa lúc thập tử nhất sinh bỗng ông Bầu gánh trợn cặp mắt rồi vỗ ngực đồm độp lưỡi le dài ra, miệng thì ló ra cặp nanh tay chụp thanh đao nhào tới chém lũ quỷ. Đám quỷ thấy bộ dáng ông Bầu có vẻ chúng sợ lắm nên bỏ chạy mất hết, quay lại thì ông Bầu cũng ngả ngang bất tỉnh. Một tay lớn tuổi trong đoàn nói nhỏ:
- Ông Bầu được ông Nghịch nhập về, mình được cứu rồi...
Cả đoàn nhanh tay dọn đồ xuống ghe còn tay kép nát rượu xấu số cũng tắt thở từ lâu...
Thay phiên chèo đến sáng bét thì tay chân dở lên hết nổi vì đói và kiệt sức, gặp nhà dân ghé chia gạo nấu cơm ăn thấy đào kép mặt mày còn đầy son phấn chủ nhà mới hỏi:
- Ủa vùng này có chỗ nào mà hát?
Nghe kể chuyện, anh chủ nhà tốt bụng mới nói:
- Vậy tui nhớ ra rồi, gần đây xưa có cái Đình. Đang cúng Đình thì bị máy bay bỏ bom sập cái Đình, bà con chết nhiều lắm. Nghe nói tới ngày cúng Đình mấy người chết oan thành Quỷ tụ hội về la hét om xòm mà đâu có ai dám lai vãng vô coi thử đâu.
Lúc lấy tiền trả tiền gạo thì ông Bầu mới bật ngữa ra vì tiền mấy vị hội tề đưa cọc chỉ là xấp giấy tiền vàng bạc...
Từ đó, gánh hát nào cũng thờ thêm Ông Nghịch đặt bên dưới khánh ông mong rằng lúc nguy khốn sẽ có ông linh hiển về ứng cứu.
Sau này nhạc sỹ Thế Phương đầu quân cho đoàn Nhân dân Kiên Giang và gia đình anh được cấp đất cất nhà ở cái khu Hậu cứ của đoàn. Và từ khi cải lương xuống dốc tôi ít khi nào gặp anh để được nghe anh kể chuyện về những đoàn gánh hát ngày xưa.Tuy vậy, chuyên anh kể về cái Bàn thờ Tổ và chuyện ông Nghịch thì tôi vẫn nhớ mãi đến tận bây giờ./.
Theo Chuyện quê