Báo Đời sống & Pháp luật đề nghị xử lý nghiêm hành vi đăng tin giả bôi nhọ cơ quan báo chí và xúc phạm vong linh các chiến sĩ công an hy sinh vì nhiệm vụ

Ban Biên tập Báo Đời sống & Pháp luật vào chiều ngày 10/01/2019 đã đăng tài bài viết "Đăng tin giả bôi nhọ cơ quan báo chí và xúc phạm vong linh các chiến sĩ công an hy sinh vì nhiệm vụ, cần xử lý nghiêm" phản ứng về hành vi đăng tin giả, vu khống cơ quan báo chí và xúc phạm vong linh các chiến sĩ công an anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xử lý nghiêm minh thích đáng theo quy định của pháp luật. Xin chia sẻ nội dung bài viết trên tới cộng đồng để cảnh báo sự giả mạo, tránh sự hiểu lầm không đáng có.

Một vài cá nhân trên mạng xã hội đã bịa đặt,đưa ra thông tin và hình ảnh sai sự thật về việc Báo Đời sống & Pháp luật sử dụng một hình ảnh nhiều lần trong bài viết về sự hy sinh của chiến sĩ công an,sau đó lan truyền trên Facebook với nhiều bình luận bôi nhọ báo chí và xúc phạm vong linh người đã hy sinh.

Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin bịa đặt do tài khoản Chu Mộng Long đăng tải ngày 9/1/2020 về việc, trang Đời sống & Pháp luật Online (địa chỉ https://www.doisongphapluat.com/) sử dụng một hình ảnh nhiều lần cho các bài viết khác nhau.

 

Trong status này, tài khoản Chu Mộng Long cố tình ghép ảnh bài báo “Một chiến sỹ công an hy sinh khi vây bắt tội phạm ma túy” đăng tải ngày 4/10/2015 với ảnh một bài viết của trang điện tử Cánh cò (địa chỉ https://canhco.net/) đăng tải ngày 9/1/2020 có sử dụng hình ảnh giống với bài báo trên của trang Đời sống & Pháp luật Online.Trên thực tế, bài báo “Một chiến sỹ công an hy sinh khi vây bắt tội phạm ma túy” đăng tải ngày 4/10/2015 sử dụng hình ảnh có ghi rõ nguồn từ Báo Đắc Nông điện tử, thể hiện vụ việc chiến sĩ đang công tác tại Công an huyện Đắk Song hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ vào năm 2015.

Một bài báo khác có tên “Chiến sĩ công an hy sinh khi giúp dân chạy lũ ở Lâm Đồng”, cũng được tài khoản Chu Mộng Long nhắc đến trong status , đăng tải trên trang Đời sống & Pháp luật Online ngày 10/8/2019, sử dụng hình ảnh ghi rõ nguồn từ báo Tiền Phong, thể hiện hình ảnh các lực lực cứu hộ tích cực giúp đỡ người dân ở Lâm Đồng vượt qua khó khăn vì bị lũ lụt ảnh hưởng.

Báo Đời sống & Pháp luật khẳng định, trang Đời sống & Pháp luật Online không sử dụng một hình ảnh cho nhiều bài báo như thông tin tài khoản Chu Mộng Long đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Hành động đăng tin sai sự thật của tài khoản Facebook Chu Mộng Long đã bôi nhọ cơ quan báo chí, cũng như xúc phạm vong linh các chiến sĩ công an hy sinh vì nhiệm vụ. Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm hành động này.

Ban Biên tập Báo Đời sống & Pháp luật

Việc tung tin đồn thất thiệt dù bất kỳ lý do gì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn thất thiệt mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định này cũng quy định: Xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì có thể bị xử lý hình sự về tội Vu khống, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 , quy định về Tội vu khống:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%77;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên78;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.