1. Thời vụ ghép
Hoa lan có rất nhiều giống hoa, và mỗi giống hoa lại có những đặc tính riêng. Vì vậy, việc lựa chọn thời vụ ghép hoa đối với từng giống hoa cũng khác nhau.
Ghép cây tốt nhất là khi cây chuẩn bị bắt đầu chu kì mới. Đó là khi cây có chồi non nhú lên, có nắng nhiều hơn giúp cây quang hợp tốt và tổng hợp cá chất cần thiết cho rễ phát triển.
Hầu hết các giống hoa lan đều thích hợp ghép vào mùa xuân. Mùa xuân với khí hậu không quá nóng, không quá lạnh, độ ẩm khá cao nên rất thích hợp để ghép đối với các loại lan. Mùa xuân cũng là mùa lan sẽ được nhận ánh sáng tốt nhất trong năm nên cây có thể tăng trưởng tốt, dễ lên chồi, mầm và cây ít bị thối.
Tuy nhiên, đối với một số dòng thân thòng như: phi điệp, hạc vỹ … ghép tốt nhất là vào mùa nghỉ của cây. Mùa thu cây rụng lá, tích đủ chất dinh dưỡng để chuẩn bị ngủ đông, ghép vào thời điểm này sang xuân cây ra hoa, ra mầm non là vừa.
2. Xử lý trước khi ghép lan
Để trồng hoa lan trên thân gỗ thì việc xử lý thân gỗ và cây lan trước khi ghép là điều người trồng cần lưu ý.
- Đối với thân gỗ: Ngâm thân gỗ trong nước vôi trong 24 giờ sau đó phơi thật khô. Trước khi ghép ngâm nước lã trong vòng 48 giờ rồi thực hiện ghép. Lưu ý khi chọn thân gỗ phải đảm bảo các yếu tố như: lâu mục (để khỏi hư rễ lan và hạn chế phải thay cây khác); có bề mặt thô ráp, không có vỏ bong tróc nhiều lớp). Nếu bạn ghép hoa lên cây sống thì không nên chọn loại cây thay vỏ hàng năm như ổi, bằng lăng… và cũng không nên chọn cây có khả năng tiết ra hóa chất.
- Đối với cây lan: Cây lan chọn để ghép phải xanh, lá không bị dập, thân không bị gãy hoặc trầy xước quá nhiều. Cây mới mua về nên treo chỗ thoáng mát trong 3 ngày và không tưới cây (mục đích của việc này là giúp làm khô vết trầy xước trong quá trình vận chuyển). Sau 3 ngày, thực hiện cắt, tỉa hết các rễ khô, hỏng, lá đốm, vòi hoa cũ và bôi vôi (hoặc Ridomil pha sệt) vào vết cắt. Ngoài ra, có thể ngâm lan trong dung dịch chống nấm và thối nhũn. Trước khi ghép vào gốc cần bó bằng xơ dừa dạng miếng lớn để tạo độ ẩm cho cây và giúp cây bám rễ.
3. Các bước ghép lan
- Bước 1: Cắt đoạn ống nhựa nhỏ, lồng ngoài đinh để tránh bị rỉ sét
- Bước 2: Đóng đinh vào thân gỗ theo hướng vuông góc. Lưu ý khi đóng đinh nên căn sao cho khoảng cách giữa 2 chiếc đinh vừa với thân lan.
- Bước 3: Dùng dây rút hoặc một đoạn thép không rỉ cố định vào vị trí giao giữa đinh đã đóng và thân cây lan sao cho đầu rễ vừa chạm tới cây gỗ.
Bước 4: Tại vị trí cây lan tiếp xúc với thân gỗ, dùng khoan, khoan lỗ vừa với chiếc đũa tre. Đặt đũa tre hướng theo hướng của cây lan (Thông thường đặt hướng đũa chếch lên trên).
- Bước 5: Dùng dây rút hoặc thép không rỉ cố định cây vào đũa tre.
4. Lưu ý sau khi trồng hoa lan trên thân gỗ
Sau khi đã thực hiện các bước để ghép lan vào thân gỗ, các bạn nên lưu ý chăm sóc cây để cây có thể ra rễ, tránh bị hỏng, thối như sau:
- Hoa lan là cây ưa mát nên cần treo lan nơi thoáng mát, tránh nơi có ánh nắng gắt chiếu trực tiếp. Nếu trồng đại trà thì bạn nên làm giàn bằng lưới nilon có lỗ để lan tránh được ánh nắng trực tiếp nhưng vẫn quang hợp được. Tuy nhiên, nếu để ở nơi quá thiếu ánh sáng cũng sẽ làm giảm phẩm chất của cây;
- Khi mới ghép cây thì cần để cây tránh những đợt mưa dài ngày có thể làm hỏng cây;
- 7-10 ngày phun B1 và Atonik xen kẽ. Lưu ý không nên dùng phân NPK – loại dùng cho cây hoa mày để bón cho lan. Thay vào đó, có thể thúc cho lan bằng nước gạo mới vo hoặc rắc xỉ than.
Để lan có thể ra hoa thì ngoài việc ghép đúng kỹ thuật cần phải chăm sóc tốt cho cây
5. Một số sai lầm khi ghép lan trên thân gỗ
Khi bắt đầu trồng hoa lan trên thân gỗ, người trồng thường gặp phải một số sai lầm như sau:
- Không xử lý thân gỗ: Đây là sai lầm thường gặp nhất của người mới trồng. Nếu bạn không ngâm thân gỗ từ 1-2 ngày mà thực hiện ghép ngay thì thân gỗ sẽ bị khô và cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính thân gỗ mà bạn ghép. Ngoài ra, nếu dớn không ngâm hoặc luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, ngoài ra còn có mầm bệnh, côn trùng … trong giá thể sẽ phá hoại lan của bạn ….;
- Ghép cây quá nhiều và um tùm dẫn đến các cây không có không gian để phát triển và đôi khi còn thiếu tính thẩm mỹ nữa.
- Chỉ nên ghép lan vào khi trời khô ráo vì trời mưa cây sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Khi cây mới ghép, bạn phải để cây tránh mưa trong khoảng 1 tháng.
Ngoài cách ghép lan như đã hướng dẫn trong bài viết này, các bạn cũng có thể ghép lan bằng cách ghép áp vào khúc gỗ. Bạn có thể dùng dây rút nhựa, áp thân cây lan lên thân gỗ và thít lại. Tuy nhiên, cách làm này sẽ khiến thân cây bị áp sát vào giá thể, giò lan không được đẹp mắt bằng cách ghép hướng ra ngoài như đã hướng dẫn ở trên. Nhưng nếu bạn không có khoan hay muốn làm cho nhanh thì bạn cũng có thể dùng tạm cách ghép này, cây vẫn có thể sống và phát triển được.
Trên đây là một số chia sẻ về cách thức trồng hoa lan trên thân gỗ cực đơn giản mà các bạn hoàn toàn có thể tự làm ở nhà với những nguyên liệu dễ kiếm. Việc trồng và chăm sóc hoa lan là cả một quá trình dài, đòi hỏi người trồng phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và lòng yêu hoa lan thực sự. Chúc các bạn có thể tự tay mình trồng và chăm sóc lan thành công!