Thằng con chuẩn bị lấy vợ ở tuổi 33 ông anh rể tôi mừng lắm. Hôm nay anh mời mấy anh em lên nhà để bàn việc tổ chức cưới cho con. Hăm hở đến họp sớm, chẳng ngờ đến nơi đã thấy bác Cả ngồi ở đó từ lúc nào.Ông anh rể đang hớn hở pha trà, đon đả :
- Cậu vào uống nước,trong khi chờ đủ thành phần, bác Cả với cậu tư vấn cho phần đi mời cưới hộ với nhá ,cưới con lần đầu lo nhất là việc đi mời cưới!
Ở cái thị trấn nho nhỏ miền núi này dân thị trấn đều quen biết nhau hết,họ hàng, thông gia, liên gia nhằng nhịt,đám cưới nhỏ cũng mời đến bốn trăm khách,đám cưới to ngót nghét ngàn khách, thì việc đi mời cưới quả là vấn đề nan giải.Người có chức sắc thì chỉ cần alô,gửi thiếp nhờ lâu la, đệ tử mang đến cho gia chủ là xong, phận thảo dân không đến tận nhà mời trân trọng mọi người không đến dự tiệc, ế cỗ thì có mặt mo.
Đang trộm nghĩ vậy thì thấy bác Cả vạch ống quần lên chỉ vào vết sẹo đen sì ở bắp chân:
- Đây! đi mời cưới, chó cắn nham nhở cả chân đây. Hôm nào có danh sách,viết thiếp xong chú lên nhà, anh cho mượn hai cái mo cau để bọc ống quyển, chứ như anh lúc đầu không có bảo hộ chân, chó cắn phải nằm bẹp hai ngày không đi mời được.
Ông anh rể nói chen ngang “thế thì em phải kiếm thêm cái gậy gỗ nghiến mang theo cho chắc ăn”
- Ấy chết! chú đi mời cưới mà mang gậy gộc vào nhà gia chủ thì coi sao được. chưa nói đến việc dạo này bọn trộm chó gần Tết hoạt động mạnh,mình đi mời cưới toàn vào lúc chạng vạng tối ngộ nhỡ dân làng tưởng nhầm là trộm chó, trói gô cổ vào thì chết,ở Thanh Hóa đã có trường hợp đánh nhầm chết người rồi đấy.
Ông anh rể thần mặt quay sang hỏi tôi.
- Cậu có cách gì ổn hơn không ?
Chưa kịp nói thì ông bác Cả cướp lời:
- Chú cứ kiếm cái cặp sách, vừa đựng thiếp cưới,vừa làm khiên che cho tiện, lịch sự mà an toàn.Có hôm tôi lên Quảng Thái phải chống đỡ với một đàn chó mới vào được nhà họ ,chủ nhà cười khềnh khệch nói : “Nhìn thấy bác em mới ra tiếp chứ thấy có người đến mời cưới , thu tiền lệ phí nọ kia là em kệ, em trốn luôn..” nghĩ cay thật.
Thấy hai chú em chăm chú nghe, bác Cả hứng lên bộc bạch: Chó cắn không sợ. sợ nhất là đi lại năm lần bảy lượt chẳng gặp được gia chủ, gặp chủ nhà đon đả chào hỏi còn phấn khởi chứ nhiều người mình đến mời cưới, mà người tiếp mặt như đâm lê, rồi lôi một bọc thuốc ra than thở ốm đau thì buồn lắm.
Có ông bạn thấy mình đến mời cưới thì lôi một chồng thiếp ra hồn nhiên trình bày “ Khổ quá hàng chục đám mời rồi, ông là thứ mười một, chết tôi rồi…”.Mình không dám đưa thiếp ,nén giận bảo: “ Tôi đến báo cho ông biết thôi tôi không mời ông đâu.” Rồi về thẳng. Có hôm quần áo chỉnh tề, ra cửa đi mời cưới,thằng hàng xóm nói đùa: “ Chuẩn bị đi quăng chài đấy à ?” giận quá muốn đốp vào mặt nó “ Bố nhà ông ,ông hai năm cưới ba đứa con,tôi hơn mười năm nay mới cưới đứa thứ hai quăng chài cái con khỉ!”
Rồi nhiều cụ già không mời thì trách là coi thường người già,có cụ mời xong vừa ra đến cửa đã thấy nói với nhau trong nhà : “Già rồi mà cũng không tha…” Nghĩ cũng tức nhưng về nghĩ lại cũng phải,không phải ai bảy mươi tuổi cũng nhai xương rau ráu như mình,có cụ răng rụng hết, trơ lợi ra, trông như động Phong Nha Kẻ Bàng, ăn chẳng ăn được, đến ngồi lẫn vào bọn trẻ,ăn uống cười hô hố,nhạc pùm… pùm chịu sao nổi.Ấy là nhiều người thế chứ tớ đây! ai cứ mời trân trọng là đi ngay chẳng kể sang hèn,mình U 70 rồi đi ăn cưới con người ta mãi, giờ còn khỏe lúc nào thì cố mà đi. Đi ăn cưới cho trẻ người ra.Dân phố Huyện mình là trọng tình làng nghĩa xóm lắm,chẳng như ở Hà nội,đèn nhà nào nhà ấy sáng,sống chết mặc bay. Hôm tớ cưới con ,lặn lội về Hà Nội mời cưới ,anh bạn ở nhà chung cư với con mãi tít tầng tám, nhìn thấy bạn bị khóa trong nhà, đứng bám chấn song cửa sắt như Gấu nhốt lấy mật,hai người thò tay ôm nhau qua song sắt khóc rưng rức, buồn quá chẳng dám mời cưới nữa.
Đang say sưa trải lòng thì có tiếng người lao xao ngoài ngõ bác Cả khoát tay :
- Thôi để hôm nào rỗi tôi kể tiếp, các cô chú đến họp rồi. chú cứ chuẩn bị danh sách mời cho lịch sự ,mình con đầu cháu sớm chắc chắn sẽ đông vui thôi. Mà nhớ đừng làm thiếu cỗ khách đến “bắt phèo” là không biết chui vào lỗ nẻ nào đâu đấy.
Theo Chuyện làng quê