Trong cuộc sống, lý trí có thể được hiểu là lý tính quan sát, nhận định và đối đãi với con người và sự việc. Kỳ thực, người có lý trí chính là người làm bất cứ điều gì cũng có thể tiết chế , bảo trì được sự cân bằng, không quá mức hạn cho phép.
Hhông có lý trí suy cho cùng đó cũng là bởi vì dục vọng quá lớn (ham muốn) của con người mà ra. Người ta nói, các cao tăng trong quá khứ thông thường đều là người có lý trí, đó là bởi vì họ có thể buông bỏ được “thất tình lục dục”. Họ không có ham muốn truy cầu công danh, lợi lộc mà đã tu luyện được một loại tâm thái bình thản “được dửng dưng, mất ung dung”. Hơn nữa, người có lý trí là bởi vì họ đã trải qua ma luyện, việc gì đều cũng đã trải qua, đã biết được bất luận sự tình nào cũng đều không thể làm quá, họ đã học được đạo trung dung rồi.
Có lý trí chúng ta mới biết nên làm gì, không nên làm gì. Lý trí nhận thức là không tách rời với việc nên hay không nên làm việc nào đó. Có lý trí chúng ta mới biết được một việc nên làm như thế nào và không nên làm như thế nào.
Lý trí có thể giúp người ta nhận định được thời thế, đi được đúng hướng dẫn đến thành công. Trái lại, người khuyết thiếu lý trí thường dựa vào cảm xúc nhất thời để hành động, kết cục đều là uổng phí thời gian, tinh lực, rốt cuộc trở thành “kẻ vô tích sự”, thậm chí là “đầu rơi máu chảy”.
Người lý trí có thể đối đãi chính xác với các loại cảnh ngộ nhân sinh
Người lý trí “thắng không kiêu, bại không nản”, gặp thuận cảnh, đắc ý mà không kiêu căng, gặp nghịch cảnh, hay bị người đời khinh bỉ mà vẫn bảo trì được sự bình tĩnh. Trái lại, người không có lý trí gặp cảnh bất thường là quên tất cả, khi thất bại là mất niềm tin, hoặc phẫn nộ đến mức mất phương hướng.
Người lý trí khi gặp việc đều suy nghĩ thấu đáo mới hành xử. Đó là bởi vì khi làm việc, họ có thể bảo trì được tâm thái bình thản và đầu não thanh tỉnh. Điều đó giúp họ thoát khỏi tự tư tự lợi và có một ý chí khoan dung rộng lượng. Trái lại, người không lý trí gặp chuyện sẽ nổi trận lôi đình, nóng giận mà làm ra một số việc hại người hại mình. Đó là bởi vì người không lý trí có tri thức và kinh nghiệm không đủ. Điều này đặc biệt xảy ra ở những người trẻ tuổi nôn nóng, dễ dàng bị kích động.
Vậy làm sao để có thể lý trí làm người, làm việc? Một người chỉ có thoát khỏi nô dịch của dục vọng, của lòng tham mới có thể lý trí, thanh tỉnh và thực sự tự do. Khi không còn làm nô dịch cho dục vọng, người ta mới có thể không vị tư vị lợi mà làm việc một cách có lý trí, có lợi cho người cho mình.
Người lý trí dễ dàng học được cách bao dung người khác
Trong đường đời sinh mệnh, mỗi một bước đi đều không ai có thể tránh khỏi những sự tình không như ý, những chuyện khiến người ta phiền não là rất nhiều. Chúng ta có thể tự nhiên bị người khác chỉ trích, bịa đặt vô căn cứ, thậm chí tạo ra những lời đồn không hay… Khi ấy, nếu chúng ta không thể khoan dung mà luôn lo được mất của bản thân thì sống sẽ rất mệt mỏi, cuộc đời cũng vì thế mà mất đi rất nhiều điều tốt đẹp, thoải mái.
Một số người cho rằng, bao dung là nuông chiều sai lầm, là biểu hiện của kẻ yếu thế. Kỳ thực không phải như vậy mà trái lại, bao dung là biểu hiện của người lý trí và có tình yêu thương mạnh mẽ, là một loại trí tuệ “hóa giận thành vui”, là “đại trí giả ngu” đứng ngoài cuộc tranh đấu.
Nhường nhịn người khác, lấy đức báo oán không phải sợ người mà là một loại phong độ khiêm cung và cảnh giới cao thượng. Chỉ người có lòng dạ hẹp hòi, kẻ yếu, mất lý trí mới khó bao dung người khác. Chỉ người có lý trí mới lý giải được nỗi khổ riêng của người khác mà bao dung họ.
Lý trí là cách tốt nhất mở ra cánh cửa trực giác
Hiểu được nỗi khổ của người khác là phải chú ý lắng nghe. Mà chú ý lắng nghe không phải chỉ là dùng tai để nghe mà càng phải dùng tâm để nghe, thậm chí dùng tất cả các giác quan của cơ thể để nghe. Khi ấy, người ta sẽ tỏa ra một loại năng lượng lớn mạnh hơn, thấu hiểu người khác hơn.
Một người có lòng dạ hẹp hòi, ánh mắt thiển cận thường quá nghiêm khắc với người khác bởi vì những xung đột mâu thuẫn trong nội tâm của người này vĩnh viễn không được giải thoát, khiến cho mối quan hệ giữa người và người trở nên căng thẳng, cách xử sự tùy tiện, rối loạn, mất lý trí, đồng thời cũng khiến bản thân sống trong u buồn.
Cho nên, học được cách hiểu nỗi khổ của người khác có lẽ là cách xử sự cao thượng nhất trong cuộc đời nhưng cũng gian nan nhất. Người có thể hiểu được nỗi khổ của người khác trước tiền cần phải là người có tu dưỡng, lương thiện và lý trí thanh tỉnh.
Người lý trí có thể đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ
Đặt mình vào hoàn cảnh người khác mà suy nghĩ, nghe thì đơn giản nhưng lại không phải chuyện dễ làm. Có đôi khi, một phút xúc động, một phút bị kích thích có thể chiến thắng lý trí.
Cổ nhân giảng rằng: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn” (Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng). Người không có lý trí, khi ở vào lúc bị kích động dễ dàng nói những lời ác và gây hậu quả khôn lường.
Ở cùng hay kết giao với người khác, học được cách suy nghĩ cho người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác một chút, nói những lời thận trọng hơn một chút chỉ chỉ là thể hiện của người có lý trí mà còn là người có tu dưỡng. Trong cuộc sống, không có ai là không thay đổi, không có thế giới bất biến nên phải lý trí làm người làm việc mới không dễ bị mất phương hướng.