Bình luận viên bóng đá có nên nói “mở tỉ số”

“Chúng em nghe đài, xem tivi hay đọc báo hay thấy các bình luận viên bóng đá của ta hay nói (và viết), chẳng hạn: “Trong trận đội Nga gặp Ả Rập Xê út tại World Cup 2018, ngay từ phút 12, Gazinskij đã chớp thời cơ mở tỉ số trận đấu cho đội Nga”, hay “Tỉ số đã được mở, 1-0 cho đội Pháp, điều này làm cho các chú "gà trống Gaulois” đá mạch lạc hơn”; v.v.

bong-da-1632919225.jpgẢnh internet

Chúng em thấy cách nói là “mở tỉ số” chả có ổn chút nào. Bởi với bất kì trận đấu bóng nào thì khi bắt đầu, tỉ số đều đã có rồi (là 0-0, hoặc 0:0), vậy thì cần gì phải “mở” tỉ số làm gì nữa. Vô lí quá!”. Đó là thắc mắc của một số sinh viên K62, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội).

Là một thuật ngữ của ngành toán học, tỉ số (tỉ: so sánh, số: con số) vốn dùng để chỉ “thương số các số đo của hai đại lượng cùng loại với cùng một đơn vị đo” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Với học sinh phổ thông (mà kiến thức toán học được giảng dạy bắt đầu từ cấp tiểu học), hẳn các em không xa lạ với kí hiệu biểu thị tỉ số, thường viết theo quy định thống nhất, ví dụ: ¼, ¾…

Như vậy, tỉ số được thiết lập khi có sự so sánh tương quan giữa hai đại lượng. Nếu căn cứ vào những tri thức thuần túy toán học thì có hai vấn đề đáng lưu ý khi bàn về cách nói của các bình luận viên bóng đá mà các em sinh viên vừa thắc mắc ở trên: 1. Không thể có chuyện “mở tỉ số”, vì khi trọng tài thổi còi cho trận đấu bắt đầu, tỉ số xuất phát của hai đội vào sân bao giờ cũng là 0-0; 2. Không ai biểu thị kí hiệu tỉ số như đang thấy, chẳng hạn như 1-4 (1 trừ 4), 3:4 (3 chia cho 4) cả. Đó là kí kiệu biểu thị của phép trừ và phép chia đấy chứ?

Nhưng thực tế, cả cách nói và cách viết như vậy trong thể thao, nhất là trong bóng đá là rất phổ biến và quen thuộc, tới mức nếu bây giờ ai đó thay đổi khác đi (cho đúng tinh thần toán học) thì lại bị cho là bất bình thường.

Trước hết là cụm từ “mở tỉ số” (mở: làm cho xuất hiện một tình hình, một thời kì mới đầy triển vọng – nghĩa 6, Từ điển tiếng Việt, đã dẫn), dùng để chỉ tình huống “bàn thắng đầu tiên đã được ghi trong trận đấu”. Đối với mọi cuộc tranh tài thể thao đối kháng của một số môn (như bóng đá, futsal, bóng chày, khúc côn cầu,…) thì đây là một diễn biến rất quan trọng, mang tính đột phá. Lúc này cục diện hai bên đã có sự thay đổi, với lợi thế nghiêng về một đội. Và thường sau sự kiện đó, trận đấu sẽ sôi nổi hơn.

Cùng trường nghĩa với “mở tỉ số” còn có một loạt tổ hợp (theo cấu trúc “X + tỉ số”), như “SAN BẰNG TỈ SỐ”: đối phương bị dẫn bàn đã có bàn thắng gỡ hoà (Ngay lập tức, L. Messi đã khéo léo đi qua ba hậu vệ đội bạn, sút chéo góc, san bằng tỉ số trận đấu); “rút ngắn tỉ số”: đối phương bị dẫn bàn đã có bàn thắng làm giảm bớt sự chênh lệch (số bàn thắng) giữa hai bên (Cú vô lê từ giữa sân của W. Rooney đã rút ngắn tỉ số thua của M. U. xuống còn 1-3) ; “NÂNG TỈ SỐ”: đội thắng lại có thêm bàn thắng làm cho cán cân nghiêng về phía có lợi cho mình (Phút 52, Công Phượng lập siêu phẩm, nâng tỉ số lên 2-1 cho Đội tuyển Việt Nam); “ẤN ĐỊNH TỈ SỐ”: bàn thắng có giá trị chốt lại tỉ số của trận đấu (Pha làm bàn vào phút bù giờ của Ronaldo thật nhẹ nhàng, ấn định tỉ số trận derby thành Madrid là 3-2, nghiêng về phía Real);…

Như vậy, tỉ số ở đây được coi là một đối tượng được tác động bởi trái bóng và cách nói như vậy là sự kết hợp ngôn từ (thuật ngữ toán học với cách nói khẩu ngữ đời thường) giúp cho việc theo dõi các diễn biến trong trận đấu đơn giản, cụ thể và rõ ràng hơn, người nghe (và đọc) thấy sinh động và dễ hình dung hơn.

Ngoài ra, còn có một vài từ được coi là “đặc sản” của dân nghiền thể thao, đang rất hay được dùng. Chẳng hạn tổ hợp “LỘI NGƯỢC DÒNG”, vốn dĩ chỉ một hành động ai đó phải vượt (bằng cách lội bộ) một dòng nước đang chảy ngược về phía mình (vượt dòng suối về phía thượng nguồn, vượt thác, vượt dòng mương đang chảy xiết…). Nhưng cụm từ này đã “chuyển di” ngữ nghĩa, dùng để chỉ một vận động viên hay một đội nào đó, trước đó bị dẫn điểm nhưng đã nỗ lực hết sức, không chỉ gỡ hòa mà quay lại “thắng ngược”.

Trong lịch sử, không hiếm những trận tranh tài thể thao có kịch tính tới mức không thể tin được (Tất cả những ai yêu mến trái bóng tròn, hẳn không quên trận đấu tranh Cup C1 (1999) giữa hai đội Bayern Munich và Manchester United, chỉ trong 3 phút bù giờ, lợi thế dẫn bàn của B. M. đã tan thành mây khói khi 2 cầu thủ mới thay của M. U. (T. Sheringham và O. G. Solkskjaer đã ghi liền 2 bàn thắng, giúp M. U. vô địch Cup C1 năm đó, hoàn tất cú ăn ba trong lịch sử). Dân thể thao thường hay ví những tình huống như vậy là “cuộc lội ngược dòng ngoạn mục” và lạ thay, cách nói “lội nước” này chỉ tồn tại trong thể thao, đặc biệt đắc dụng trong các bản tin bình luận bóng đá.

Như vậy, mỗi một lĩnh vực trong cuộc sống đều có một số lượng từ ngữ và cách nói riêng. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tận dụng những từ ngữ từ các lĩnh vực khác, thậm chí từ các thuật ngữ khoa học để làm phong phú vốn từ vựng trong giao tiếp. Khi có sự vay mượn đó, ý nghĩa và cách sử dụng hoặc có thể giữ nguyên, hoặc có sự thay đổi. Âu cũng là chuyện bình thường bởi “Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất, đó là quan điểm của người bản ngữ”. ( F. de Saussure)