Bỏ cửa bỏ nhà vì ma hát Bội

Hát Bội là cách gọi của người miền trong cho nghệ thuật tuồng. Tuồng là loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, hình thành và phát triển từ thời phong kiến.

tuong-1633704255.jpgMột lớp Tuồng xưa. Ảnh internet

Nhiều người cho rằng, tuồng xuất phát từ ca vũ dân tộc Việt Nam, ảnh hưởng cách hoá trang và biểu diễn từ hý kịch.

Theo N Dương, Hát tuồng (hát Bội) xuất hiện vào thế kỷ thứ XII đời nhà Trần một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Theo các tài liệu về cung đình Huế, môn nghệ thuật dân gian này phát triển cực thịnh vào thời vua Tự Đức (1848 - 1883).

Ở thời kỳ phát triển, trong các lễ hội lớn ở các làng xã hầu như đều tổ chức diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã. Sau này loại hình nghệ thuật dân gian này phát triển mạnh về phía Nam, ngày càng càng bén rễ trong đời sống, xã hội với những đặc trưng cởi mở, mạnh mẽ, màu sắc, vui tươi hơn.

Nghệ thuật tuồng dần hoàn chỉnh từ kịch bản văn học đến nghệ thuật trình diễn. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, tuồng cổ có ba dòng  chính gồm tuồng cung đình, tuồng sĩ phu yêu nước, tuồng dân gian. Loại tuồng có tuồng thầy, tuồng ngự, tuồng cung đình, tuồng pho, tuồng đồ, tuồng tân thời.

Sử liệu từ wikipedia nói thêm rằng, vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Hoa tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung.

Sang thời nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bắt được một tên quân nhà Nguyên tên là Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Vương tha tội chết cho Cát và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ. Cát cho diễn vở Vương mẫu hiến đào để vua ngự lãm cùng các triều thần xem. Ai cũng cho là hay.

Các loại vai diễn cũng theo sự kiện này lần đầu được ghi nhận, như đán nương (đào), quan nhân (kép), châu tử (tướng), sửu nô (hề),.. Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634).

Năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên đã mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng. Ở Miền Trung Việt Nam trở ra gọi tuồng do chữ "Liên Trường" là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ "liên trường" do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng", "luôn tuồng"...

Còn trở vào trong, được gọi là Hát Bội hay Bộ. Vào thời Nguyễn, tuồng đạt tới đỉnh cao khi được các vị vua yêu thích, cho soạn vở, dành nhiều ưu đãi và mở trường đào tạo nghệ sĩ. Hàng loạt tác giả soạn tuồng như Đào Tấn,... đã tạo nên nhiều tác phẩm lớn. Trong dân gian, tuồng cũng có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt ở Bình Định. Ca dao có câu "Bỏ cửa bỏ nhà vì ma hát Bội".

Sang thế kỷ XX với sự ra đời của cải lương và kịch nói thu hút nhiều khán giả, nghệ thuật tuồng suy yếu nhiều tuy có cố gắng phục hưng với loại tuồng xuân nữ, tức là tuồng diễn theo đề tài xã hội tân thời và hát theo điệu "xuân nữ". Loại tuồng này pha phong cách cải lương, đánh võ Tàu... Dù vậy giới hâm mộ tuồng càng ngày càng ít.