Các địa phương quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện bằng được ‘mục tiêu kép’

(Chinhphu.vn) – Đảng, nhân dân, chính quyền các địa phương đều phấn khởi trước những kết quả ấn tượng, toàn diện trên các lĩnh vực của cả nước đã đạt được, quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện bằng được “mục tiêu kép”.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, lãnh đạo UBND TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế, Đồng Tháp, Kon Tum, Cao Bằng…đều cho rằng, năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đã thành công trong phòng, chống kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới và khu vực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương ở mức khá, bảo đảm an sinh xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả tích cực, nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Nhân dân, cán bộ, Đảng viên ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết thành phố đã triển khai một cách nghiêm túc và chủ động, bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, về cơ bản Thành phố đã đạt được mục tiêu tổng quát, “mục tiêu kép” với những kết quả quan trọng, toàn diện trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Thành phố đạt được một số dấu ấn quan trọng như: Đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng Hà Nội, được đánh giá là thực chất, trọn vẹn và tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp; thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, Thành phố đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt; có giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều hoạt động kết nối với các địa phương cung cầu hàng hóa, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,98%, quy mô nền kinh tế trên 44 tỷ USD, thu ngân sách ước thực hiện khoảng 280.000 tỷ đồng, tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019…

Bên cạnh đó, Hà Nội tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô, thúc đẩy nhiều công trình hạ tầng giao thông, xử lý nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Ngay từ đầu tháng 1/2021, thành phố Hà Nội sẽ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.

Trong năm 2020, TPHCM đã chủ động, tích cực, sáng tạo triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả; xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh và vận dụng linh hoạt, hiệu quả đối với từng đợt bùng phát dịch bệnh trên địa bàn. Làn sóng dịch bệnh thứ 3 xuất hiện và đã cơ bản được khống chế.

Thành phố đã vượt 2 chỉ tiêu, hoàn thành 14 chỉ tiêu đề ra, đây là một kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong bối cảnh vừa giữ vững những thành quả của công tác phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, đó là tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị; chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoại trừ yếu tố kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ cũng đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, khai thác dư địa của các động lực tăng trưởng từng ngành, địa phương.

“Bài học về sức mạnh kỷ luật, sự đồng thuận, chung sức đồng lòng trong thời điểm khó khăn nhất của đất nước là bài học quý báu cho chúng ta trong quá trình phục hồi và phát triển đất nước sau đại dịch”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Chưa gượng dậy sau đại dịch COVID lần 2, các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên-Huế nói riêng phải đương đầu, gánh chịu tác động nặng nề do bão, lũ, lụt trong tháng 9, tháng 10. Trong những thời điểm khó khăn đấy, nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên kịp thời của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của hệ thống chính trị, những tấm lòng nhân ái chia sẻ vật chất, tinh thần của bà con cả nước đã góp phần hạn chế, khắc phục hậu quả bão, lũ gây ra, làm vơi đi những mất mát, đau thương của người miền Trung gánh chịu trong bão lụt.

Năm 2021 là năm khởi động đầu nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, cần tập trung nguồn lực cho đầu tư khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi các cấp, các ngành phải năng động, sáng tạo và sẵn sàng với "trạng thái mới" trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo, điều hành.

Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2021 của quốc gia cũng như của địa phương, Thừa Thiên-Huế cho rằng, thời điểm hiện nay phục hồi, đón đầu cơ hội nền kinh tế là nhiệm vụ cấp bách của đất nước. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá sự thích nghi, chủ động của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và quy mô toàn cầu.

Ông Phan Ngọc Thọ đề nghị cần tiếp tục có lộ trình chuyển đổi, hình thành chuỗi sản xuất tin cậy, đa dạng, chủ động, tạo nền tảng cho phát triển nền kinh tế, có năng lực phản ứng nhanh, linh hoạt, thích ứng với biến động của nền kinh tế. Đây là thời điểm cho Việt Nam tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch bệnh gây nên.

Tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, kịp thời giải quyết, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, tập trung chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước…

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trong năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bằng các chính sách và gói hỗ trợ; các chính sách kích cầu trong kinh tế, trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn xây dựng cơ bản; trong phòng chống, khắc phục thiên tai, hạn mặn ở ĐBSCL; lũ lụt, bão ở miền Trung; rét hại ở miền Bắc.

Cũng theo lãnh đạo thành phố Cần Thơ, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn một số vấn đề cần nghiên cứu và có giải pháp kịp thời tháo gỡ như việc kết nối giao thông của các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn; khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn; vẫn còn bất cập, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng giúp kinh tế-xã hội đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong nước và ngoài nước, đặc biệt là những cơ chế, chính sách cho phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ, đáng chú ý, tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016-2020).

Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội như: Tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hoàng Giang