Từ xa xưa, đốt pháo nổ vào dịp tết Nguyên đán là một trong những hoạt động truyền thống của nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo nổ gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe của nhân dân. Thời gian trước đây, nhân dân ta thường tự điều chế thuốc nổ thủ công để sản xuất pháo, thậm chí sử dụng thuốc nổ trong các loại bom, mìn còn lại sau chiến tranh để sản xuất pháo nổ, quá trình sản xuất pháo hết sức nguy hiểm, các loại chất nổ sử dụng để sản xuất pháo thường là chất nổ mạnh, độ nhạy nổ cao, có sức công phá lớn. Khi sản xuất pháo, thuốc nổ thường được người dân tích trữ thành khối lượng lớn và không được bảo quản cẩn thận do vậy đã có nhiều vụ tai nạn do các khối thuốc nổ trên phát nổ. Cùng với sản xuất pháo, sử dụng pháo nổ cũng gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Với đặc điểm là các chất nổ có độ nhạy nổ cao, sức phá lớn, sử dụng pháo là nguyên nhân gây ra các vết thương bỏng, thậm chí cụt các chi trên cơ thể khi pháo nổ. Đốt các loại pháo trong nhà dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn. Các loại pháo thường được bán trái phép trên thị trường (Ảnh: Internet) Bên cạnh các nguy cơ về thương tích, hỏa hoạn, việc sử dụng thuốc nổ tràn làn dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, tích trữ thuốc nổ để sự dụng vào các mục đích trái pháp luật, gây mất ANTT. Chính vì các lý do nêu trên, ngày 08/8/1994 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 406 – TTg về việc Cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, theo đó kể từ ngày 01/01/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Mặc dù Nhà nước đã cấm, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những đối tượng sản xuất pháo, nhập lậu các loại pháo qua biên giới để tiêu thụ. Ngày 15/04/2009 Chính phủ ra Nghị định 36/2009/NĐ-CP về Quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa. Vết thương gây ra do pháo nổ trên tay người sử dụng (Ảnh: Internet) Mọi hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc pháo; sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm tại Điều 305 BLHS năm 2015. Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn lậu" quy định tại Điều 188 BLHS năm 2015. Đối với hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" quy định tại Điều 189 BLHS năm 2015. Người nào có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán trong nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Buôn bán hàng cấm", "Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm" căn cứ tại Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015. Mọi hành vi đốt pháo nổ đều bị xử lý về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" quy định tại Điều 318 BLHS năm 2015. Người nào đốt pháo nổ gây ra hậu quả đến sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác trong luật này, tương xứng với hậu quả do hành vi đốt pháo nổ gây ra. Cùng với đốt pháo, thả "đèn trời" là một hoạt động truyền thống có từ lâu của nhân dân ta trong các dịp lễ, tết. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây việc đốt, thả "đèn trời" trở thành một trong những nguyên nhân gây ra hỏa hoạn tại nhiều địa phương. Tại các khu vực nông thôn, khi đốt thả "đèn trời" sau một thời gian đèn cháy trên không trung, khi đèn rơi những tàn lửa của đèn bén vào các công trình bằng gỗ dẫn đến hỏa hoạn, cùng với đó thời điểm thả đèn trời là vào buổi tối, ban đêm, khi người dân đang nghỉ ngơi do vậy công tác phòng cháy chữa cháy không kịp thời dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đối với khu vực thành thị, khi đốt thả "đèn trời" đèn dễ mắc vào đường dây cấp điện, đường dây thông tin liên lạc, dẫn đến cháy chập gây nguy hiểm cho người dân, đồng thời gây ra mất điện, mất liên lạc tại khu vực xảy ra cháy chập. Đốt, thả "đèn trời" (Ảnh: Internet) Cùng với đó, trong khu vực thành thị, khi "đèn trời" tắt, rơi xuống khu vực trạm xăng, kho xăng dầu, khu vực nhà của người dân dễ gây ra hỏa hoạn khôn lường. Do vậy, ngày 17/07/2009 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 95/2009/QĐ-Ttg về việc Cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả "đèn trời". Mọi hành vi tàng trữ, vận chuyển, đốt thả "đèn trời" đều bị xử phạt hành chính về hành vi "Vi phạm quy định về trật tự công cộng" căn cứ tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. |
Các quy định pháp luật về cấm sử dụng pháo nổ, thả "đèn trời"
16/01/2020