Cách uống chè của nước ta thời phong kiến

Ở Việt Nam, hầu như nhà nào cũng có một ấm pha chè. Nước chè trở thành đồ uống quen thuộc và lâu dần trở thành nét văn hoá.

cach-uong-che-cua-nuoc-ta-thoi-phong-kien-1647273203.jpgPhạm Đình Hổ nói rằng, pha chè không nên pha ấm đồng vì sẽ có mùi tanh của đồng, mà nên pha bằng ấm đất. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)

 

Trong Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ đã bàn về cách uống chè của người Việt. Theo ông, việc uống chè đã có từ lâu. Lục Vũ (733 – 804), người Cánh Lăng, Phức Châu (Hồ Bắc, Trung Quốc), tác giả Trà kinh được coi là trà thánh.

Trong bài viết của mình, Phạm Đình Hổ có nói qua về cách uống chè của người Trung Quốc: “Đến đời Tống mới thấy bày đồ ấm chén, hỏa lò, cấp thiêu, đại khái cũng là những đồ để pha chè. Có ông Giới Phủ thưởng chè Dương tiễn, ông Tử Chiêm thưởng chè Vân long.

Từ đời Minh, đời Thanh trở xuống, cách chế chè càng tinh, đồ dùng chè càng đủ. Những thứ chè bồi sao, chế biến cũng khéo, và những các hồ, ấm, đĩa, chén, than, lửa, hỏa lò, cấp thiêu đều sắm sửa lịch sự cả. Nào là chè Võ Di, lò Thành Hóa, ấm Dương tiễn, đều là những thứ tuyệt phẩm dùng để pha chè. Kể thói tục bày vẽ ra có lắm thứ khác nhau, nhưng chẳng qua cũng mấy thứ ấy mà thôi. Còn như chè tuyết nha, nước suối hồng tâm, dẫu các hạng phong lưu người Trung Hoa cũng chưa được nếm đủ hết, nên không dám nói đến”.

Đoạn này cho thấy, cách uống chè của người Trung Quốc “tiến hoá” dần. Phạm Đình Hổ cũng nhận định, thị hiếu của người Việt cũng hơi giống người Trung Quốc. Theo Phạm Đình Hổ: Đời Cảnh Hưng, trong nước vô sự, các nhà quí tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc.

Thường có nhiều người đến chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy chục khác để mua chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, bày khay chén ra nếm thử.

Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực. Song cái thú uống chè tàu có phải ở chỗ đó đâu! Chè tàu thú vị ở chỗ tinh nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục.

Ấy, người xưa ưa chuộng chè tàu là vì vậy. Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng thức chè tàu càng ngày càng tinh, vị chè nào khác, cách chế chè nào ngon, đều phân biệt kỹ lắm. Lò, siêu, ấm, chén, lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều thứ chè, kẻ thức giả cũng cho làm phiền lắm. Còn như nếm chè ở trong đám ruồi nhặng, bày ấm chén ở cửa chợ bụi lầm, lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộn lòng, thì dẫu ấm cổ đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống chè như thế có thú vị gì không? Giá có gặp ông tiên chè, thì cũng cho lời nói ta làm phải.

Phạm Đình Hổ nói rằng, pha chè không nên pha ấm đồng vì sẽ có mùi tanh của đồng, mà nên pha bằng ấm đất. Ông cũng lưu ý, chính sách của nước ta nên lưu ý đến việc công nghệ, như chế tác lò, ấm pha trà chẳng hạn.