Cái bơm xe

Những năm thời bao cấp của thập niên 60 và 70; phương tiện cá nhân hầu hết là xe đạp (xe máy rất hiếm). Xe đạp cũng được đăng ký và cấp biển số như xe máy bây giờ, chiếc xe đạp ngày ấy... tài sản rất lớn của cá nhân có khi của cả gia đình, mỗi gia đình thường chỉ có 1 đến 2 chiếc, gia đình ở các thành phố còn nông thôn không phải nhà nào cũng có.

bom-xe-1647833365.jpgChữa vá xe trên hè (sưu tầm)

 

Xe có hai loại: xe nam (gióng ngang có 1 gióng) xe nữ (gióng ngang chéo xuống có cả 1 và 2 gióng //). Những đứa trẻ có mượn xe của bố mẹ để đi nếu là xe nam thì phải vặn người chui qua dưới đoạn gióng ngang để đạp, đầu nghiêng nghiêng chăm chú nhìn đường như biểu diễn xiếc... chẳng may gặp ổ gà hoặc vật cản như hòn gạch ai lỡ đánh rơi trên đường không nhìn thấy trượt phải, tay lái sẽ bị choạng húc đâm vào tường nhà hoặc bờ rào nhà hàng xóm. Ngã khi tập xe chuyện rất đỗi bình thường.

 Về dòng xe; chủ yếu có hiệu xe Thống Nhất do Việt Nam sản xuất, xe ngoại rất ít, thường du học sinh mang về như: Diamant của Đức, Favorit của Tiệp... còn xe Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu, Trung Quốc sản xuất được phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ và vài dòng xe khác nữa. Giá trị nhất hồi ấy là những chiếc Peugeot của Pháp, nó là cả một gia tài chỉ nhà tương đối khá giả mới có, hoặc có người thân ở bên Pháp gửi về.

Là phương tiện chủ yếu nhưng phụ tùng thay thế lại rất khan hiếm, thường được phấn phối và gắp thăm theo quí (3 tháng) hay cuối năm bình bầu lao động tiên tiến được thưởng, ở trong các cơ quan xí nghiệp nhà nước. Bên ngoài gần như không có bán trong các cửa hàng bách hoá cũng vậy, “nhân dân tự do” những người không phải là “cán bộ công nhân viên” muốn mua phải tìm mua ở chợ giời rất đắt. Khan hiếm như vậy nên ít khi được thay thế, những chiếc săm chiếc lốp được tận dụng tối đa... nghề bơm vá, chữa xe đạp rất phát triển. Chỉ cần vác chiếc bơm ra đầu đường là kiếm được tiền.

Năm 1970 khi đó tôi vẫn còn là cậu thiếu niên đang học cấp 2 (các lớp khối giữa cấp thường học chiều). Buổi sáng, xách chiếc làn sắt được ghép bằng những mảnh đề xê sắt tây, thời ấy những phế liệu hay được dùng để làm ra vật dụng như đôi dép lốp chẳng hạn, ra cửa hàng thực phẩm xếp hàng từ sáng sớm để mua; hôm lít nước mắm loại đồng mốt hay đồng rưỡi, hôm mấy bìa đậu phụ hoặc thịt, tất cả đều bán theo tem phiếu được cấp. Tem phiếu có mấy loại; phiếu nhân dân, cấp cho nhân dân nội thành, phiếu cán bộ công nhân viên, phiếu tiêu chuẩn trẻ em, cán bộ cấp cao hơn nữa có bìa A B C.

Đang nhễ nhại xách chiếc làn trong đựng mấy bìa đậu vừa chen bẹp ruột mới mua được, đi bộ rẽ vào đầu ngõ để về nhà thì tôi nghe thấy tiềng gọi:

   -Tuấn ơi !.. Tuấn ơi !.. quay lại thấy anh Hùng ông anh họ hơn tôi 2 tuổi, tay cầm chiếc bơm xe đuổi theo gọi với... tới nơi chưa kịp hỏi anh đã bảo:

  - Mày cho cái bơm vào làn xách hộ anh... đang ngần ngừ anh lại nói tiếp

- Thôi!... để anh xách cả cho... rồi giằng lấy chiếc làn cho bơm vào, hai anh em thong thả đi về. Trên đường anh kể chuyện anh đã bỏ học, đi làm thì chưa đủ tuổi, muốn có tiền hàng ngày phải xách bơn ra ga tàu điện “Cầu Mới” nơi có bà bán sổ số hay ngồi, kiếm mấy hào tiền bơm.

Những khi về nhà ăn cơm trưa anh rất ngại ông tổ trưởng dân phố nhìn thấy, rồi sẽ mách bố mẹ. Và mỗi khi họp liên tịch các tổ chức đoàn thể ông ta sẽ nói: “ thằng ấy... con nhà ấy... bỏ học lêu lổng đi bơm xe... “

                      Một thời gian khó... nhưng cũng thật đáng nhớ.

Chuyện Làng Quê