Chủ trang trại gặp khó
Vợ chồng anh Bùi Tô Vũ- chị Bùi Thị Sáng được biết đến là hộ chăn nuôi gia cầm lâu năm, quy mô lớn tại Nam Định. Trang trại của gia đình thường xuyên có vài nghìn con gà, trong đó có loại gà thịt chất lượng cao để cung cấp cho nhà hàng, cưới hỏi. Thương lái các huyện tìm đến tận nhà lấy hàng, có lúc gà được bán tận lên Thường Tín, Hà Nội, vì chất lượng gà vừa ngon giá thành lại rất cạnh tranh. Nhiều năm qua, cả gia đình anh chị sinh sống, xây dựng kiến thiết nhà cửa từ nguồn thu nhập do chăn nuôi gà.
Trang trại của anh Vũ- chị Sáng là một trong những cơ sở nhập nhiều gà giống ngoại nhất vùng, được nhà cung cấp giống gà ưu tiên hỗ trợ về chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi. Trong suốt quá trình phát triển của đàn gà, nếu gà mắc bệnh bất thường, đơn vị cung ứng giống gà sẽ cử bác ý thú y về tận nơi thăm khám, thậm chí là mổ hẳn con gà để giải phẫu tìm bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Vì thế, gia đình anh Vũ- chị Sáng đã phát huy được lợi thế với kỹ thuật tốt nhất, giá thành đầu vào được ưu ái hơn, đầu ra có nhiều mối tiêu thụ nên doanh thu hàng năm luôn đạt hàng trăm triệu đồng.
Năm 2020, khi tình hình COVID- 19 diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, ngành dịch vụ ăn uống gặp nhiều khó khăn, thực khách sụt giảm. Các sự kiện liên hoan, cưới hỏi trên cả nước hầu như chỉ tổ chức gọn nhẹ, dẫn đến tiêu thụ gà thịt giảm sút nhanh chóng. Khi chưa có dịch bệnh, mỗi tháng gia đình anh bán ra thị trường vài tấn gà thì trong hoàn cảnh COVID- 19 diễn biến phức tạp, số lượng này giảm quá nửa. Dù tại địa phương chưa có người nhiễm COVID- 19 nhưng nhiều đám cưới đặt mua gà xong tuần trước, tuần sau lại hủy vì lo ngại tình hình dịch bệnh khó lường, khách mời không đến. Trước tình thực trạng trên, anh Bùi Tô Vũ đã trăn trở tìm hướng mới phát triển kinh tế.
Cái khó ló cái hay
Từ chút kinh nghiệm chơi cây cảnh, anh Bùi Tô Vũ nảy sinh ý tưởng kinh doanh cây cảnh. Ạnh đi tham khảo, học hỏi thêm ở một số nơi chuyên trồng, tạo thế cây cảnh rồi đưa nghệ nhân về tận nhà mình thực hiện các kỹ thuật về cây cảnh.
Ý định trên được anh thực hiện từ quy mô nhỏ đến lớn. Ban đầu, anh đầu tư những cây vài chục triệu đồng, vừa dễ bán vừa làm quen nghề. Đến nay, sau một năm, anh Vũ đã có những cây cảnh trị giá 50- 100 triệu đồng, đó là chưa kể nhiều cây giá trị lớn anh đã đặt tiền mua tại vườn nhưng gửi lại đây, khi gặp khách ưng, sẽ bán tại chỗ, đỡ công chuyển đi chuyển lại.
Anh tiết lộ, nghề này là phải yêu cây, hiểu các thế cây và có con mắt nghệ thuật thì mới tương giao được với khách. Khách mà thích thì giá cả chỉ là thứ yếu. Đây chính là cái độc đáo trong văn hóa kinh doanh cây cảnh. Vừa được thưởng lãm vừa có thể kiếm lời .
Chăn nuôi và kinh doanh cây cảnh sẽ hỗ trợ nhau, vì cây cảnh không đòi hỏi nhiều thời gian. Chăm đàn gà xong, thời gian rỗi vừa tỉa tót cây và giải trí mà vẫn có thu nhập. Năm ngoái, cây cảnh đã đem lại trên trăm triệu đồng cho gia đình, đây là con số có ý nghĩa lớn trong hoàn cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Cũng theo anh Vũ, giờ anh chỉ cầm cự chăn nuôi, tanh tranh thủ gia cố chuồng trại, khử trùng toàn bộ chuồng trại và không gian xung quanh, để thoáng chuồng, chờ thời điểm thích hợp sẽ khôi phục sản xuất.
Từ mô hình chuyển đổi sản xuất kinh doanh của anh Vũ, một số người khác đã học theo, trong đó có anh Bùi Thế Vịnh. Anh Vịnh bứt phá lên thành phố Phủ Lý (Hà Nam) để kinh doanh thêm cả cây tạo cảnh quan công trình. Anh đang chuẩn bị các thủ tục thành lập công ty chuyên cung ứng cây cảnh, tạo cảnh quan công trình bằng cây xanh.
“Dịch bệnh nó dồn mình vào thế khó, mình phải tìm ngách để thắng nó. Cũng may, nghề cây cảnh ít bị ảnh hưởng đã gợi mở cho mình hướng làm ăn mới triển vọng hơn”, anh Vịnh chia sẻ.
Trại Hương là giáo họ toàn tòng Công giáo với khoảng 750 giáo dân, chủ yếu làm nghề chăn nuôi và trồng lúa. Khi COVID-19 phức tạp, dù địa phương chưa có dịch bệnh nhưng theo ảnh hưởng chung của cả nước, giáo dân cũng bị những tác động nhất định. Nhiều bạn trẻ làm làm công nhân không có nhiều việc như trước, vì công ty ít đơn hàng; một số khác phải tạm nghỉ việc vì nhà máy thu hẹp hoặc cơ cấu lại sản xuất. Ngành dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề nên hàng hóa từ chăn nuôi cũng găp khó nên nhiều giáo dân đã chuyển đổi sản xuất như gia đình anh Bùi Tô Vũ. Người khác thì tích cực đi làm thợ xây, cơ khí để thích ứng với hoàn cảnh, ổn định cuộc sống. Dù khó khăn nhưng giáo dân tin tưởng quyết tâm của Chính phủ vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế sẽ từng bước ổn định được cuộc sống, phục hồi kinh tế./