Cái lí của “thăm quan”

Việc nhầm lẫn cách sử dụng từ “tham quan” (thành “thăm quan”) đã được nhiều người tham gia bàn luận (về cách sử dụng sai, không hợp lí).

tham-quan-1635607617.jpgẢnh internet

 

Ngoài cặp tham quan/ thăm quan, còn có các cặp an dưỡng/ ăn dưỡng, cứu cánh/ cứu giúp, yếu điểm/ điểm yếu… cũng bị nhầm trong nhiều tình huống khác nhau. Đa số các ý kiến phản ứng gay gắt, không chấp nhận cách viết sai chính tả, cách dùng từ Hán Việt tuỳ tiện, không đúng so với nghĩa gốc của các từ trên. Vấn đề này đã khá nhất quán và có lẽ không còn gì để bàn luận thêm nữa?

Nhưng thực tế trong giao tiếp hiện tại, chuyện nhầm lẫn như vậy vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp người sử dụng cũng đã ít nhiều biết về sự phản ứng như đã nói.

Vừa rồi, trong một lần đi công tác (ở một tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ), tôi đã nghe một vị (là cán bộ phụ trách công đoàn) nói: Cơ quan chúng tôi hàng năm vẫn tổ chức cho anh chị em đi thăm quan du lịch ở nhiều nơi… Khi có người lên tiếng nhắc nhở ông phải nói là “tham quan” mới đúng (họ còn dẫn báo này báo nọ đã cắt nghĩa chính xác từ tham quan), ông vẫn “hồn nhiên” nói lại mà không sửa. Thậm chí, trong văn bản ông viết cũng ghi rõ “thăm quan”. Cái lí của ông là “nói thế mọi người vẫn hiểu đúng tinh thần, chả nhầm lẫn chi cả. Khắp nơi người ta vẫn nói như thế chứ đâu riêng gì tôi”.

Đấy là lí lẽ của ông (và của không ít người, kể cả trên sách báo, truyền thông). Nhưng nghĩ cho kĩ, ta thấy có mấy điều dẫn đến sự “bất tuân từ điển” ở đây:

Những ai đã nghe, đã hiểu cách đọc Hán Việt, hẳn đều đã biết nghĩa của từ tham quan (tham參: dự vào, quan 觀: xem xét), tham quan (參觀) có nghĩa là “đi xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc để học tập kinh nghiệm” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Ta thường nói: Các học sinh đi tham quan Viện bảo tàng Quân đội; Đoàn chuyên gia nông nghiệp đi tham quan trang trại bò sữa tại Cuba… Nhưng khi viết nhầm “tham” thành “thăm” thì chính từ “thăm” lại có nghĩa khá tương đồng là “đến một nơi nào đó để xem xét, tìm hiểu”. Dùng “thăm” (thuần Việt) lại dễ hiểu và dễ nói hơn (Cũng như nhiều người quen nói “Campuchia” thành “Cămpuchia”, “Cam Bốt” (Cambodge) thành “Căm Bốt”, “Sampoo” thành “Săm pô”…). Đấy là chưa nói, tham quan trong tiếng Hán còn có nghĩa “quan lại tham nhũng” (tham: ham muốn, quan: quan lại; tham quan ô lại: quan lại tham lam, vơ vét, bòn rút của dân).

Vậy là “thăm quan” trở thành lối nói quen thuộc khó bỏ. Nó cũng giống trường hợp “an dưỡng” (an: yên, yên ổn; dưỡng: nuôi) có nghĩa “nghỉ ngơi và ăn uống theo một chế độ nhất định để bồi dưỡng sức khỏe” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn), được nhiều người nói chệch thành ăn dưỡng (và được sử dụng với tần số cao, do “ăn” (thuần Việt) dễ hiểu hơn, lại khá gần nghĩa trong “an dưỡng). Cặp “yếu điểm/ điểm yếu” là trường hợp nhầm lẫn đồng âm khác nghĩa (“yếu” (要) Hán Việt: quan trọng; điểm (點): nơi, chỗ; yếu điểm = điểm quan trọng nhất. Trong khi đó, “yếu” thuần Việt nghĩa là “non kém”. Thế là, nghĩa “yếu” là quan trọng (như yếu địa, yếu nhân, yếu lược…) trong “yếu điểm” đã bị mờ đi và nghĩa “non kém” trở nên trội hơn. Và trong giao tiếp hiện nay, không ít trường hợp “yếu điểm” được dùng với nghĩa “điểm yếu/ khuyết điểm”).

Riêng trường hợp từ “cứu cánh” thì lại có một diễn biến khác, đặc biệt hơn.

Nếu đúng nghĩa gốc Hán Việt, cứu cánh là “mục đích cuối cùng”. Nhưng có lẽ “cứu” (nghĩa thuần Việt là “làm cho thoát khỏi mối đe dọa sự an toàn hoặc sự sống còn” - Từ điển tiếng Việt, đã dẫn) lại trở thành “nhân vật chính” và chính nghĩa này đã được sử dụng làm thay đổi hẳn nghĩa gốc. Đa số mọi người sử dụng “cứu cánh” với nghĩa là “cái làm chỗ dựa, có thể cứu giúp (ai đó) thoát khỏi tình trạng không hay, không thuận lợi” (Ví dụ: Lập được thành tích trong hội diễn văn nghệ nhà trường đã trở thành cứu cánh, giúp nó thoát khỏi kỉ luật). Cách sử dụng cứu cánh với nghĩa sau (tương tự như “cứu” trong các tổ hợp: cứu binh, cứu bệnh, cứu hỏa, cứu mệnh, cứu nguy…) đã trở nên phổ biến tới mức đẩy “cứu cánh” với nghĩa “mục đích cuối cùng” vào vai “thiểu số”, trở nên ít dùng trong giao tiếp hiện nay.

Việc nhiều từ Hán khi nhập vào tiếng Việt, bị Việt hoá, đã bớt nghĩa hoặc sử dụng khác nghĩa là không hiếm. Tất nhiên, các trường hợp vừa xem xét còn bị chi phối bởi nhiều lí do. Thói quen sử dụng đã trở thành áp lực cho sự thay đổi. Việc xem xét nghĩa ban đầu giúp cho ta hiểu đúng xuất xứ, để sử dụng chính xác nếu nó có thể gây hiểu sai, gây trở ngại trong giao tiếp.

Nhưng nếu nó được dùng nhiều thành thói quen, không ảnh hưởng gì thì cần phải cân nhắc, thừa nhận. Cái hôm qua chỉ có thể là cái để tham khảo chứ không hẳn là giữ vai trò quyết định cái hôm nay. Thực tiễn sử dụng ngôn từ chính là căn cứ quan trọng để các nhà từ điển đánh giá lại các cách dùng cũng như các nét nghĩa bổ sung, thay đổi. Từ điển tiếng Việt gần đây đã phải bổ sung thêm nét nghĩa mới của từ “cứu cánh” như sau: “[vch] cái làm chỗ dựa [về tinh thần và vật chất] có thể cứu giúp cho thoát khỏi tình cảnh không hay nào đó”.